Anh Trần Quốc Thắng (xã Hàm Thuận Nam, tỉnh Lâm Đồng), một thành viên của Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đang có 46 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trong đó có 36 ha đang cho thu hoạch và 10 ha đang giai đoạn trồng mới.

Những năm gần đây, diện tích thanh long của tỉnh có xu hướng giảm diện tích, từ hơn 30.000 ha xuống còn 25.800 ha. Nguyên nhân là do không ít hộ dân chủ động chuyển đổi cây trồng khác, vì giá thanh long bấp bênh. Trong khi đó, trang trại của anh Thắng ngày càng mở rộng sản xuất và không lo đầu ra sản phẩm. Hiện tại, thanh long vườn anh, trái đang chín đỏ trĩu cành. Toàn bộ trang trại đều được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt từng gốc.
Chủ trang trại chia sẻ: Loại này chỉ có trọng lượng từ 250 - 400 gr, phục vụ thị trường châu Âu, thông qua công ty xuất khẩu tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, giá bao tiêu sản phẩm quanh năm từ 18.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng và 30.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Với mức giá này, với tổng sản lượng hiện có từ 1.500 - 2.000 tấn/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, nhà vườn có thể thu lãi từ 40 - 50% (từ 10 - 12 tỷ đồng/năm). Đây cũng chính là “chìa khóa” để gia đình anh Thắng và những hộ thanh long sản xuất GlobalGAP khác trên địa bàn bám trụ, yên tâm sản xuất sạch, bền vững.
Tuy nhiên, anh Thắng cho biết, để được bao tiêu mức giá này, đòi hỏi người trồng phải luôn làm tốt khâu sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP vốn rất khắt khe, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên toàn cầu...
Không khó để thấy và hiểu được quy mô trang trại rộng lớn này được hình thành từ năm 2010. Bởi bản thân anh Thắng xuất thân từ một kỹ sư nông nghiệp, vốn yêu, hiểu và gắn bó sâu sắc với nghề trồng thanh long. Anh Thắng cho biết, trang trại hiện có 130 công nhân địa phương đang làm việc. Họ được hướng dẫn tuân thủ việc canh tác theo quy trình, thay đổi tư duy sản xuất. Nhất là yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình theo dõi, kiểm tra nấm bệnh và kịp thời xử lý các cành bị nhiễm bệnh như đốm nâu, thán thư để tránh lây lan trên diện rộng.
Mặt khác, cần đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” gồm: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Đặc biệt, vườn thanh long cần được bón phân hữu cơ vi sinh hoàn toàn, không vặt bỏ bớt quả để đạt trọng lượng nhỏ theo yêu cầu của thị trường châu Âu. Hiện chủ trang trại đang cho chong điện 3 lần/năm (thay phiên theo pha), năng suất đạt khoảng 40 tấn/ha, trong khi vườn thanh long sản xuất bình thường chỉ đạt từ 25 - 30 tấn/ha. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, anh Thắng đã liên kết, dẫn dắt hàng chục hộ trồng thanh long tại địa phương sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với khoảng 150 ha (bao tiêu sản phẩm). Từ đó giúp các hộ dân yên tâm sản xuất, ổn định thu nhập.
Nhìn từ trang trại thanh long GlobalGAP của hộ anh Trần Quốc Thắng, có thể thấy xu thế tất yếu của sản xuất sạch. Để phát triển nông nghiệp bền vững, đòi hỏi nông dân thay đổi tư duy sang sản xuất sạch, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là yêu cầu đặt ra của ngành nông nghiệp cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.
Sản xuất GlobalGAP là tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch cũng như xử lý sau thu hoạch cho nông sản trên phạm vi toàn cầu. Có 252 tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn GlobalGAP. Hiện tỉnh Lâm Đồng có khoảng 453 ha thanh long được chứng nhận GlobalGAP.