Dự báo thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm nay tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào và được sự hỗ trợ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 370.874 tấn, thu về trên 823,11 triệu USD, giá trung bình đạt 2.219,4 USD/tấn.
Tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022
Tháng 2/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 14,7% về lượng, giảm 13,3% về kim ngạch so với tháng 1/2022, tuy nhiên giá tăng nhẹ 1,6%, đạt 139.371 tấn, tương đương 321,32 triệu USD, giá trung bình 2.305,5 USD/tấn. So với tháng 2/2021 thì tăng 13,5% về lượng, tăng 48,8% kim ngạch và tăng 31% về giá,.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cà phê của cả nước đạt 370.874 tấn, thu về trên 823,11 triệu USD, giá trung bình đạt 2.219,4 USD/tấn; tăng mạnh 30,9% về khối lượng, tăng 65,8% về kim ngạch và tăng 26,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021.
Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022
Đức là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại cà phê của Viêt Nam, chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước, đạt 47.173 tấn, tương đương 104,39 triệu USD, giá trung bình 2.212,9 USD/tấn, tăng 16,6% về lượng, tăng 49,4% về kim ngạch và tăng 28% về giá so với 2 tháng đầu năm 2021.
Thị trường Bỉ đứng thứ 2 về kim ngạch, tuy nhiên trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh 451,8% về lượng, tăng 587,8% về kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 36.632 tấn, tương đương 73,6 triệu USD, giá trung bình 2.009 USD/tấn; chiếm gần 10% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Thị trường Italia đứng thứ 3 về kim ngạch; trong 2 tháng năm 2022 xuất khẩu giảm nhẹ 0,5% khối lượng nhưng tăng mạnh trên 30% cả về kim ngạch và về giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 24.773 tấn, tương đương trên 54,36 triệu USD, giá 2.194,5 USD/tấn; chiếm gần 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Tình hình thị trường cà phê trong nước và thế giới
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 2/2022, giá cà phê thế giới biến động tăng. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2022 tại thị trường London tăng 174 USD/tấn lên mức 2.349 USD/tấn. Giá cà phê tăng do tồn kho cà phê thế giới tiếp tục sụt giảm.
Thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường cà phê thế giới. Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên hiện ở mức 40.800 đến 41.400 đồng/kg, tăng 1.600 đồng/kg. Giá cà phê Rubusta giá FOB giao tại cảng TPHCM tăng 59 USD/tấn lên 2.289 USD/tấn.
Dự báo sản lượng và xuất khẩu cà phê của Việt Nam’’
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2021/2022 tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.
Đánh giá thị trường cà phê trong năm 2022 cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng xuất khẩu cà phê sang 5 thị trường hàng đầu thế giới là: Mỹ, Đức, Pháp, Canada và Italia.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi cũng giúp thúc đẩy tiêu thụ cà phê trở lại. Xu hướng tiêu thụ cà phê hòa tan ngày một gia tăng giúp tăng lợi thế cho cà phê Robusta của Việt Nam. Robusta là nguyên liệu được sử dụng trong chế biến cà phê hòa tan và Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.
USDA cũng dự báo, sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021/2022 giảm 8,5 triệu bao, tương đương 4,8% so với niên vụ trước xuống còn 167,5 triệu bao (loại 60 kg). Tiêu thụ cà phê toàn cầu vụ 2021/2022 được dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng chủ yếu tại Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Brazil. Tồn kho cà phê toàn cầu cũng được dự đoán giảm 6,3 triệu bao xuống 30 triệu bao, mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.
Triển vọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022
Nhận định về triển vọng của thị trường xuất khẩu cà phê trong năm nay, các nhà phân tích dự báo sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào và được “hậu thuẫn” bởi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. “Trong năm 2022 và cả năm 2023 xu hướng giá cà phê vẫn rất tốt. Đáng chú ý, xu hướng thế giới không uống cà phê đậu bắp, đậu nành nữa mà phải có cà phê chất lượng và doanh nghiệp đang phải đa dang hóa, số hóa nguồn cung”- ông Phan Minh Thông nói.
Mặc dù dự báo khả quan song các doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất. Và để làm được thì bắt buộc doanh nghiệp cần số hóa sản xuất, số hóa khâu bán hàng để tiếp cận tệp khách hàng tốt hơn.
Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh tăng trưởng ở mức cao.
Văn hóa uống cà phê châu Âu đã ảnh hưởng tích cực đến tập quán tiêu thụ đồ uống nóng tại Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với cà phê trong giới trẻ. Điều này không chỉ khiến giới trẻ tiêu dùng cà phê hòa tan tại các quán cà phê đặc biệt và các cửa hàng cà phê có thương hiệu, mà còn khuyến khích họ tự pha chế cà phê hòa tan tại nhà, khiến nhu cầu về các loại cà phê hòa tan tăng.
Nhập khẩu cà phê của Nhật Bản ghi nhận mức thấp trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự phổ biến của cà phê đang tăng lên và lan rộng trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Nhật Bản sẽ tăng trở lại vào những năm tới, và đây dự báo là cơ hội đối với xuất khẩu cà phê của Việt Nam
Nguồn: VITIC/congthuong.vn