(LĐ online) - Ngày 2/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và một số ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo địa phương, đại diện các sở, ban, ngành và doanh nghiệp tại địa phương; doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp; các cơ quan thông tấn - báo chí trong nước…
Phía Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và lãnh đạo các phòng, ban của Đại sứ quán; đại diện lãnh đạo của các cơ quan và tổ chức Nhật Bản (JETRO, JICA, Japan Foundation, JNTO, JASSO, JCCI, JCCH, JCCD...); đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí Nhật Bản tại Việt Nam…
Hội nghị tập trung trao đổi tình hình, biện pháp và đề xuất thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại - đầu tư; giáo dục - đào tạo, hợp tác nguồn nhân lực; văn hóa - du lịch. Hội nghị cũng là không gian để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư Nhật Bản gặp gỡ, trao đổi nhu cầu, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh mới.
Phát biểu tại phiên họp chuyên đề Hợp tác về Văn hoá - Du lịc về “Định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững với đối tác Nhật Bản”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S giới thiệu khái quát về tiềm năng và những nỗ lực của Lâm Đồng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về văn hoá, du lịch, tăng trưởng xanh…; đặc biệt, là những chương trình hợp tác với Nhật Bản qua hai tổ chức JICA và JETRO.
Ông Phạm S cho biết: Hiện, Lâm Đồng đang có nhu cầu hợp tác với Nhật Bản trong Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; thực hiện Quy hoạch vùng và Kế hoạch sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt cần đầu tư về hạ tầng và nguồn lực; hợp tác truyền thông và kết nối tour tuyến để quảng bá văn hoá, khai thác tiềm năng du lịch và các điểm đến yêu thích của du khách…
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 14 dự án vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.100,7 tỷ VND (tương đương 49,49 triệu USD); tổng vốn đầu tư đã thực hiện là 1.100,7 tỷ VND, đạt 100% tổng vốn đăng ký đầu tư. Bên cạnh đó, có 23 cá nhân, tổ chức kinh tế Nhật Bản đang góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong 16 tổ chức kinh tế Việt Nam, với số vốn góp: 68,9 tỷ VND, chiếm 70,5% vốn điều lệ (97,7 tỷ đồng); các nhà đầu tư đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản.
Lâm Đồng chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng: alumin và hydroxit nhôm, cà phê, hoa tươi, cây giống các loại, rau củ quả chế biến, hàng may mặc và nguyên liệu may mặc, rượu, đồ uống, hóa chất,… sang thị trường Nhật Bản. Các mặt hàng nhập khẩu của tỉnh Lâm Đồng từ Nhật Bản chủ yếu gồm: vải lụa, tơ tằm, quả hạch, hóa chất, xơ, sợi, nguyên phụ liệu may mặc… Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đón 2.545 lượt khách du lịch Nhật Bản, chiếm 1,7% trong cơ cấu khách quốc tế của địa phương. 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận 1.886 lượt khách du lịch Nhật Bản, chiếm 0,8% trong tổng số khách quốc tế đến Lâm Đồng...