Bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng như thác Pongour, làng Gà, hồ Đại Ninh..., những năm gần đây, du lịch tâm linh tại làng chùa Đức Trọng cũng được nhiều du khách lựa chọn tham quan, trải nghiệm.
Nhiều năm qua, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng được nhiều người biết đến với cái tên thân thuộc là làng chùa Đức Trọng hay làng chùa Đại Ninh. Nơi đây, có một điểm dừng chân rất quen thuộc sát Quốc lộ 20 đó là Ngã 3 chùa. Chẳng biết điểm dừng chân này có từ khi nào nhưng từ địa điểm này, du khách sẽ rất thuận tiện khi đi vào làng chùa để tham quan, vãn cảnh và lễ Phật. Không hề quá lời khi nói Phú An là thôn có nhiều chùa nhất tỉnh Lâm Đồng. Đến đây, du khách sẽ có rất nhiều lựa chọn để tìm ra những ngôi chùa đẹp trong hành trình du lịch của mình. Theo ông Trần Thành - Bí thư Chi bộ thôn Phú An, xã Phú Hội cho biết, thôn Phú An hiện có 450 hộ, 1.600 nhân khẩu nhưng có hơn 20 ngôi chùa lớn, ngoài ra, còn rất nhiều niệm phật đường, am, cốc, cơ sở tu tại gia.
Làng chùa Đại Ninh có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Được biết đến như một ngôi cổ tự của làng chùa Đại Ninh, chùa Pháp Vân do thầy Thích Đạo Thành trụ trì, nằm ở vị trí rất đắc địa. Theo thầy Đạo Thành, ngoài nét cổ kính, chùa được du khách thích thú bởi con đường chữa bệnh độc đáo. Trao đổi với chúng tôi, thầy Thích Đạo Thành cho biết: con đường chữa bệnh thân, tâm được làm từ năm 2016 với chiều dài 64 m. Đường được rải hơn 4 xe đá với số lượng 15.000 viên được đưa về từ tỉnh Ninh Thuận, đá lớn dùng để làm tường hai bên con đường, đá nhỏ thì được nhà chùa xếp đều giữa lối đi. Hai bên con đường trị bệnh thân, tâm này có các trụ đá được ghi những lời kinh pháp cú trong đạo Phật.
Nếu như chùa Pháp Vân được biết đến với con đường chữa bệnh thì tịnh xứ Phương Liên là ngôi chùa được rất nhiều du khách ghé thăm khi đến làng chùa. Có mặt tại tịnh xứ Phương Liên vào ngày cuối tuần, chúng tôi thấy có nhiều du khách từ TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Ninh Thuận đến tham quan. Theo đánh giá của người dân địa phương và du khách, tịnh xứ Phương Liên là ngôi chùa quy mô và rất đẹp trong hệ thống làng chùa Đại Ninh. Tịnh xứ Phương Liên để lại dấu ấn trong lòng du khách bởi nét kiến trúc độc đáo. Phương Liên tịnh xứ nằm trên ngọn đồi lớn, nơi cao nhất có thể nhìn được toàn cảnh làng chùa Đại Ninh, Đức Trọng. Đặc biệt, khi đi từ hướng cầu treo Phú Thiện, tịnh xứ Phương Liên đẹp như tranh vẽ. Toàn bộ ngôi chùa với hệ thống bảo tháp đồ sộ soi bóng xuống dòng sông hiền hòa, trong xanh, điều này làm cho Phương Liên tịnh xứ càng thơ mộng nhưng cũng hết sức trang nghiêm, trầm mặc. Ngôi chùa này là điểm đến của nhiều du khách: “Hôm nay, gia đình tôi về làng chùa Đức Trọng để vãn cảnh, tham quan. Ở đây rất nhiều chùa nhưng Phương Liên tịnh xứ là chùa đẹp. Không gian rộng, yên tĩnh và lối kiến trúc độc đáo của ngôi chùa thực sự khiến chúng tôi thích thú. Đến đây để lễ Phật, tham quan cảnh chùa, thấy lòng mình nhẹ nhàng, tâm thanh tịnh, giảm bớt sự căng thẳng của cuộc sống hằng ngày", chị Phương Mai đến từ TP Hồ Chí Minh trải lòng khi đến tham quan làng chùa Đức Trọng và Phương Liên tịnh xứ.
Điều đặc biệt, ban đêm, Phương Liên tịnh xứ trở nên lung linh và rất dễ nhận ra bởi chiều cao của các bảo tháp và hệ thống điện chiếu sáng từ khu vực đỉnh tháp.
Pháp Vân hay Phương Liên tịnh xứ là 2 trong những ngôi chùa được du khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm khi đến làng chùa Đức Trọng. Tuy nhiên, nơi đây còn có rất nhiều cơ sở Phật giáo thu hút đông đảo phật tử, du khách bốn phương đến tham quan. Tiêu biểu là những cơ sở như: Ni viện Bát Nhã, tu viện Vĩnh Minh, tổ đình Hương Nghiêm, đạo tràng Long Châu, chùa Thanh Lương... Vào những ngày cuối tuần, làng chùa Đại Ninh là nơi đón nhiều du khách, tăng, ni, phật tử đến tu tập, tham quan, thưởng lãm cảnh chùa. Đặc biệt, trong những dịp lễ như: rằm tháng Bảy, rằm tháng Tư, nơi đây là điểm đến không thể thiếu của Phật tử xa gần đến du lịch, hành hương.
Mỗi một ngôi làng, một vùng quê đều có những đặc trưng riêng biệt để lại dấu ấn trong lòng du khách. Nét thi vị của làng chùa Đại Ninh là sự bình an và cổ kính. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự khoan thai, nhẹ nhàng, sự an yên qua lời kinh, tiếng mõ. Chuông chiều văng vẳng, miền quê thấp thoáng ngôi chùa cổ, những tịnh thất trầm mặc. Đâu đó dáng bóng của tu sĩ, những phật tử đang hành lễ, trì kinh, niệm chú, nguyện cầu cho quốc thái, dân an. Làng chùa hiện lên với sự an yên, thanh bình.