Bài 4: Địa giới nhiều xã trong tỉnh được mở rộng
Theo Phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, Lâm Đồng có 2 xã sáp nhập theo quy định tuy nhiên, tỉnh cũng tiến hành sắp xếp thêm 3 xã diện khuyến khích sắp xếp trong đợt này.
Một con đường tại thị trấn Đạ Mri - Đạ Huoai |
• 2 XÃ TRONG DIỆN SẮP XẾP
Đó là xã Triệu Hải của huyện Đạ Tẻh và xã Quảng Lập tại huyện Đơn Dương. Xã Triệu Hải sẽ được sáp nhập vào xã Quảng Trị liền kề ở huyện Đạ Tẻh; còn xã Quảng Lập được sáp nhập vào xã Pró liền kề tại Đơn Dương.
Xã Triệu Hải và xã Quảng Trị của huyện Đạ Tẻh có điều kiện tự nhiên khá giống nhau; dân cư trên địa bàn xã chủ yếu từ các tỉnh miền Trung vào lập nghiệp, đông nhất là người dân của tỉnh Quảng Trị. Người dân 2 xã cũng có nhiều nét tương đồng nhau về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nên khá thuận lợi cho việc sáp nhập.
Vì Triệu Hải có 2 chỉ tiêu không đạt theo chuẩn quy định (diện tích tự nhiên và quy mô dân số thấp hơn dưới mức 70%) nên trong đợt này sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 32,15 km2 (chỉ đạt tỷ lệ 64,3%) cùng quy mô dân số là 3.106 người (chỉ đạt tỷ lệ 62,12%) vào xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Tẻh (có diện tích tự nhiên là 54,36 km2 (đạt tỷ lệ 108,72%); quy mô dân số là 3.274 người (đạt tỷ lệ 65,48%) để hình thành nên 1 xã mới, lấy tên là xã Quảng Trị.
Sau sắp xếp, xã Quảng Trị mới có diện tích tự nhiên 86,51 km2 (đạt trên 173% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 6.380 người (đạt 127,6% so với tiêu chuẩn); người dân tộc thiểu số có 163 người (chiếm tỷ lệ 2,55%).
Sau khi sáp nhập, xã Quảng Trị mới sẽ sử dụng trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của xã Quảng Trị hiện nay.
Tương tự, xã Quảng Lập - Đơn Dương dù có dân số trên 6800 người (đạt tỷ lệ vượt cao rất nhiều so với quy định 137,54%) nhưng diện tích tự nhiên 9,79 km2 (chỉ đạt tỷ lệ rất thấp 19,58%) nên được sáp nhập vào xã Pró liền kề với diện tích tự nhiên 87,84 km2 (đạt tỷ lệ 175,68%) và quy mô dân số là 7.300 người (đạt tỷ lệ 146%). Sau khi sáp nhập, xã mới dự kiến lấy tên là xã Pró.
Sau khi sáp nhập, xã Pró mới có diện tích tự nhiên 97,63 km2 (đạt 195,26% so với tiêu chuẩn); dân số trên 14.100 người (đạt 283,54% so với tiêu chuẩn); người dân tộc thiểu số có gần 5.000 người (chiếm tỷ lệ 35,25%); trụ sở làm việc của xã Pró mới tại nơi làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy bản MTTQ và các đoàn thể của xã Pró hiện nay.
Người dân đang thu mua rau, củ tại xã Pró, huyện Đơn Dương |
• 4 XÃ TRONG DIỆN KHUYẾN KHÍCH SÁP NHẬP
Cả 4 xã này đều nằm tại huyện Đạ Huoai hiện nay. Trước nhất đó là xã Đoàn Kết. Theo Phương án sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Đoàn Kết với diện tích tự nhiên là 38,53 km2 (đạt tỷ lệ 77,06%) và dân số 2.156 người (đạt tỷ lệ 43,12%), thuộc diện có quy mô dân số và diện tích tự nhiên dưới 100% theo quy định phải sắp xếp trong giai đoạn 2026-2030, vào xã Đạ P’loa liền kề trong huyện này với diện tích tự nhiên 92,98 km2 (đạt tỷ lệ 185,96%); dân số 4.344 người (đạt tỷ lệ 86,88%) thành một xã mới và đặt tên là xã Bà Gia.
Lý do để lấy tên Bà Gia là vì tên gọi này đã có từ lâu nơi đây (B’Sar). Xã Bà Gia mới sau khi sáp nhập có diện tích tự nhiên 131,51 km2 (đạt 263,02% so với tiêu chuẩn); dân số trên 6.500 người (đạt 130% so với tiêu chuẩn), trong đó có trên 3.200 người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 49,4%). Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC xã Bà Gia mới tại trụ sở của xã Đạ P’loa hiện nay.
Xã thứ hai tại Đạ Huoai có quy mô dân số và diện tích tự nhiên dưới 100% theo quy định, thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2026-2030 là xã Hà Lâm. Theo Phương án, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Hà Lâm với diện tích tự nhiên 43,38 km2 (đạt tỷ lệ 86,76%); dân số trên 4.200 người (đạt tỷ lệ 84,06%) và xã Phước Lộc liền kề trong huyện với diện tích tự nhiên 80,83 km2 (đạt tỷ lệ 161,66%); dân số 3.540 người (đạt tỷ lệ 70,8%) thành 1 xã, lấy tên là xã Hà Lâm.
Về mặt lịch sử, xã Phước Lộc được tách ra từ xã Hà Lâm nên nay khi 2 xã sáp nhập vào sẽ lấy lại tên cũ là Hà Lâm. Sau khi sáp nhập, xã Hà Lâm mới có diện tích tự nhiên 124,21 km2 (đạt 248,42% so với tiêu chuẩn); dân số 7.743 người (đạt 154,86% so với tiêu chuẩn), trong đó cộng đồng dân tộc thiểu số có 2.962 người (chiếm tỷ lệ 38,25%). Nơi đặt trụ sở làm việc của xã Hà Lâm mới ngay tại xã Hà Lâm hiện nay.
2 xã còn lại tại huyện Đạ Huoai sáp nhập trong đợt này là xã Đạ Tồn và xã Đạ Oai. Lý do vì cả 2 xã này có quy mô dân số và diện tích tự nhiên dưới 100% theo quy định, thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trong giai đoạn 2026-2030, trong đó xã Đạ Tồn có diện tích tự nhiên 45,12 km2 (đạt tỷ lệ 90,24%); dân số 1.660 người (đạt tỷ lệ 33,2%) còn xã Đạ Oai có diện tích tự nhiên 23,27 km2 (đạt tỷ lệ 46,54%); dân số 4.248 người (đạt tỷ lệ 84,96%). Khi sáp nhập, xã mới này được lấy tên là xã Đạ Oai.
Việc lấy tên xã mới là Đạ Oai vì bản thân xã Đạ Tồn trước đây được tách ra từ xã Đạ Oai. Xã mới Đạ Oai có diện tích tự nhiên 68,39 km2 (đạt 136,78% so với tiêu chuẩn); dân số 5.908 người (đạt 118,16% so với tiêu chuẩn); cộng đồng dân tộc thiểu số có 826 người (chiếm tỷ lệ 13,98%); trụ sở làm việc của xã Đạ Oai mới tại xã Đạ Oai hiện nay.
Cũng nói thêm rằng, trong tỉnh vẫn còn có 2 xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp sáp nhập ĐVHC trong giai đoạn 2023-2025 nhưng Lâm Đồng đề nghị không thực hiện sắp xếp trong dịp này, đó là xã Quảng Ngãi và xã Nam Ninh thuộc huyện Cát Tiên.
Lý do không thực hiện sắp xếp vì cả 2 xã này đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Theo quy định các ĐVHC đã thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 thì không bắt buộc phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Trong giai đoạn 2019-2021, thực hiện Nghị quyết số 833, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng; huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện sắp xếp xã Tư Nghĩa vào xã Quảng Ngãi thành xã Quảng Ngãi; sắp xếp xã Mỹ Lâm vào xã Nam Ninh thành xã Nam Ninh. Nếu tiếp tục thực hiện việc sắp xếp 2 xã trên sẽ gây khó khăn cho người dân khi chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan do thay đổi địa giới, tên gọi của ĐVHC cấp xã khi người dân mới thực hiện xong trong giai đoạn 2019-2021. Đến nay, vẫn còn một số người dân chưa chuyển đổi xong các giấy tờ có liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đang thế chấp ở ngân hàng.
Cùng đó, do trụ sở UBND xã Quảng Ngãi và xã Nam Ninh mới được đầu tư, sửa chữa, xây dựng mới nhằm đảm bảo điều kiện làm việc của ĐVHC mới sau khi sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021; do đó, việc tiếp tục sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 sẽ gây khó khăn trong việc xử lý trụ sở, tài sản, gây lãng phí. Hầu hết cán bộ, công chức ở 2 xã này mới được bố trí ở giai đoạn 2019-2021. Do đó, nếu tiếp tục thực hiện sáp nhập đối với xã Quảng Ngãi và Nam Ninh sẽ gây khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức.
(CÒN NỮA)