Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng

  • 25/05/2023
  • s 16:14

Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng có quy mô tương đương nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công, vốn đầu tư không lớn, mức độ kỹ thuật thi công không phức tạp, do đó Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện dự án để tránh kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí nguồn lực đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư Dự án. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư Dự án. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 24/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận (Dự án).

Tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh

Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, mục tiêu của Dự án nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa; xóa bỏ tính độc đạo về kết nối giao thông đường bộ đến trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn.

Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Lâm Đồng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ, quản lý khai thác rừng.

Dự án có tổng chiều dài 56,9km, được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, trong đó điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại Km16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh; điểm cuối tại ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656/Km55+900 vào địa phận xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng ảnh 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.929,882 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 101,97 tỷ đồng. Dự án phân chia thành 2 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Dự án thành phần xây lắp. Hình thức đầu tư là đầu tư công.

Về phương án huy động nguồn vốn, Chính phủ đề xuất bố trí 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025. Số tiền 930 tỷ đồng còn lại sẽ được tỉnh Khánh Hòa bố trí từ nguồn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia, tuy nhiên, có quy mô chỉ tương đương nhóm A, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án giao thông có quy mô tương tự hoặc lớn hơn.

Trong thời gian qua, đã có một số Dự án được Quốc hội cho phép phân cấp việc quyết định đầu tư Dự án, trong đó UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã được Quốc hội cho phép quyết định đầu tư Dự án thành phần 1 của Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Do vậy, để thuận lợi cho quá trình phê duyệt, thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư Dự án tương tự như đối với dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Kiến nghị áp dụng cơ chế đặc biệt trong thực hiện Dự án

Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch, quan trọng được xác định trong danh mục các dự án ưu tiên tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Khi Dự án được đầu tư, hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông theo hướng Bắc-Nam, giảm tải cho tuyến đường tỉnh ĐT.656 (Tỉnh lộ 9) hiện nay đang quá tải, ùn tắc nghiêm trọng. Đồng thời, hình thành mạng lưới đường bộ thông suốt từ phía tây tỉnh Khánh Hòa qua đến phía tây tỉnh Ninh Thuận đến tỉnh Lâm Đồng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giữa các tỉnh.

Dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 59,95ha rừng, bao gồm 32,88ha rừng đặc dụng và 27,07ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Theo báo cáo kết quả điều tra rừng: trong 32,88ha diện tích rừng đặc dụng cần chuyển mục đích sử dụng đa số là rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi; trong 27,07ha rừng phòng hộ đầu nguồn cần chuyển mục đích sử dụng không có rừng giàu, chỉ có rừng nghèo, rừng phục hồi và rừng hỗn giao.

Đề xuất cơ chế đặc biệt cho dự án đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng ảnh 2

Quang cảnh phiên họp chiều 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, việc chuyển diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn của Dự án không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng, môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loài động, thực vật và chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng.

Tuy nhiên, đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quá trình thi công, nhất là quá trình nổ mìn phá đá cần có biện pháp hạn chế tác động xấu đến môi trường, đặc biệt không gây ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cần lập phương án quản lý chặt chẽ việc tận thu lâm sản khi chuyển mục đích sử dụng rừng, tránh thất thoát tài sản công.

Về nguồn vốn thực hiện, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, tổng mức đầu tư của Dự án tuân thủ quy định về xây dựng công trình giao thông; tuân thủ các quy định về thẩm quyền phê duyệt dự án; các nguồn vốn huy động đều có trong kế hoạch, danh mục dự án được phê duyệt nên nguồn vốn cho Dự án là khả thi. Đến nay do chưa đầy đủ thủ tục đầu tư nên chưa được phân bổ, giao vốn cụ thể.

Do đó, nếu được Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án, đề nghị Chính phủ cân đối, đề xuất phương án bố trí phân bổ nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021- 2025 và 2026- 2030 cho Dự án phù hợp với cơ cấu vốn và phân kỳ đầu tư.

Đối với vốn ngân sách địa phương, qua giám sát thực tế, một số dự án sau khi được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư, địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn, không ưu tiên bố trí vốn theo cam kết và đề nghị điều chỉnh, bố trí vốn từ nguồn ngân sách trung ương thay thế.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc bố trí nguồn lực thực hiện Dự án, đồng thời thể hiện rõ cam kết của địa phương trong phân bổ nguồn vốn nêu trên trong Nghị quyết của Quốc hội đối với Dự án.

Về đề xuất các cơ chế đặc thù cho Dự án, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với đề xuất của Chính phủ, kiến nghị Quốc hội giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện Dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp phát sinh phải điều chỉnh cục bộ Dự án ở giai đoạn phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện nhiều thủ tục phức tạp theo pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh liên quan đến Dự án trong thời gian Quốc hội không họp để tránh việc kéo dài thời gian hoàn thành Dự án.

https://nhandan.vn/