Việt Nam có bề dày lịch sử hàng nghìn năm do đó việc kết hợp chặt chẽ văn hóa với du lịch là một hướng đi rất quan trọng để du lịch Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tại diễn đàn “Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam”. (Ảnh: T.LINH) |
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tại diễn đàn “Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam”. Diễn đàn diễn ra sáng 14/4 tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023.
Khai thác văn hóa trong du lịch chưa cân bằng
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, từ trước đến nay du lịch mới khai thác văn hóa trên khía cạnh các di sản vật thể, các điểm di tích. Tuy nhiên, khách du lịch còn thiếu các sản phẩm nghe, nhìn hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa cung cấp được những kiến thức văn hóa truyền thống, con người Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam có nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú trải dài qua hàng nghìn năm lịch sử.
“Văn hóa phi vật thể góp phần nâng tầm giá trị của các di sản, di tích. Vì thế, cần phải kết hợp được các văn hóa truyền thống với các sản phẩm du lịch. Trong đó khai thác được những giá trị cốt lõi, tốt đẹp của nền văn hóa để Việt Nam có một nền du lịch phát triển bền vững”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch trong đó mục đích cơ bản của du khách là tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể tại điểm đến du lịch.
UNESCO
Do đó, theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, “nhu cầu xây dựng những chương trình nghệ thuật quảng bá cho văn hóa, lịch sử, truyền thống và bản sắc dân tộc tại các điểm du lịch là vô cùng thiết thực, ý nghĩa. Đóng vai trò kích hoạt và hỗ trợ sự phát triển cho ngành du lịch trong thời đại hội nhập quốc tế, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa thuận lợi, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Du lịch Việt Nam đã có nhiều sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền...
Bên cạnh đó, các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An’’, “Áo dài’’, “Tinh hoa Bắc Bộ’’, “Múa rối nước’’, “À Ố Show’’,…
Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: T.LINH) |
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. “Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch văn hóa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước; chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, ấn tượng và mang lại giá trị cao. Có thể kể tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico,… đã có một chiến lược phát triển du lịch văn hóa bài bản. Từ đó, nâng cao thương hiệu và giá trị quốc gia thông qua việc thúc đẩy hoạt động văn hóa và du lịch.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch Covid-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.
Phát huy sức mạnh của du lịch văn hóa
Để du lịch văn hóa thực sự cất cánh, mang lại giá trị thương hiệu của du lịch Việt Nam, các đại biểu tham gia diễn đàn đều nhấn mạnh: “chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động khai thác giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống... phục vụ phát triển du lịch cần phải được các địa phương thật sự quan tâm, ban hành triển khai cụ thể, đồng thời trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình, các địa phương phải ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng”.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, “mỗi địa phương đều có thế mạnh của riêng mình, phát triển những loại hình du lịch của riêng mình. Từ đó các địa phương cần có nghiên cứu về thế mạnh của mình để tạo ra những sản phẩm đặc thù, trên cơ sở đó tạo ra những chính sách mới trong khuôn khổ pháp luật cho phép để thúc đẩy du lịch phát triển”.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thực hiện hai dự án gồm: “Việt Nam huyền sử diễn ca” - chương trình biểu diễn nghệ thuật áp dụng công nghệ hiện đại để quảng bá sâu rộng văn hóa truyền thống của Việt Nam và dự án Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh.
Các đại biểu tại diễn đàn cũng khẳng định, công tác phối hợp giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lĩnh vực du lịch cần được chú trọng, tăng cường và bảo đảm thực hiện có hiệu quả.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.
Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và du lịch văn hóa nói riêng phải chuyên nghiệp, hiệu quả. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phải được quan tâm, được đầu tư tương xứng tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống.
https://nhandan.vn/