VOV.VN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, theo đó 9 tháng cuối năm tăng trưởng khoảng 6,75%.
Tình hình kinh tế quý 1/2024 có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ từ 2020 đến nay. Trong đó cả 3 khu vực đều phát triển tốt (nông nghiệp tăng 2,98%; công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; dịch vụ tăng 6,12%).
Trên cơ sở kết quả kinh tế quý 1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình quý 2 và cả năm với 2 kịch bản tăng trưởng như sau:
Kịch bản 1 - Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), theo đó 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Cụ thể, tăng trưởng quý 2 là 5,85%, quý 3 và 4 lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Kịch bản 2 - Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị) với 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tăng trưởng quý 2 là 6,32%, quý 3 và quý 4 lần lượt là 6,79% và 7,08%. Như vậy, tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực trong quý 1/2024 (Ảnh minh họa)
Nghiêng về kịch bản tích cực
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến với địa phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, trong điều kiện thế giới và Việt Nam chuyển biến thuận lợi hơn. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ cũng đang được nghiên cứu, triển khai để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Với kết quả thực tiễn của quý 1, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi đồng đều ở cả ba khu vực nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ. Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho giảm mạnh, thu hút FDI đạt cao đồng thời hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra khá sôi động. Đến nay, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ kinh tế toàn cầu. Việt Nam cùng với Indonesia, Singapore đang là “tam giác vàng” khởi nghiệp của ASEAN. Hiện, Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên 107 trong Bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển con người của UNDP.
Thêm vào đó, các cấp, các ngành cùng các địa phương đã và đang rất khẩn trương triển khai công việc, phấn đấu hoàn thành tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn đặt ra trong năm 2024.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn đánh giá những khó khăn, thách thức còn rất lớn, do có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế. Điều này tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
“Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra. Đặc biệt cần nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Loạt giải pháp trọng tâm
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng bộ, ngành, địa phương.
Thứ nhất là bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án Luật, Nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Các cấp quản lý phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội để chủ động tiếp thu, giải trình, nhất là với những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù.
Thứ hai là tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành trong tháng 7/2024. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.
Thứ ba là tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Trong đó, các ngành cần khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, nghiên cứu chính sách giảm phí, lệ phí năm 2024 và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế VAT để báo cáo Quốc hội xem xét thực hiện trong 6 tháng cuối năm tại Kỳ họp thứ 7.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ thực hiện chủ động, linh hoạt, kịp thời cũng như tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng, tiếp tục tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội đồng thời thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Thứ tư là bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ năm là tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cũng như khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Thứ sáu là khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển.
Thứ bảy là đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Các cấp quản lý cần tập trung tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nhất là trong phân cấp, phân quyền đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành. Đặc biệt là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chú trọng chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và thực hiện hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.
Thứ tám là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các cấp, các ngành theo dõi sát, nắm chắc tình hình, nhất là lạm phát trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng châu Âu thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng vào những tháng cuối năm. Để từ đó, công tác điều hành được chủ động và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống có thể phát sinh.
Thứ chín là chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường…. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phòng chống thiên tai, hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn… và nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.
Thứ mười là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đặc biệt là chuẩn bị chu đáo các hoạt động đối ngoại cấp cao, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục củng cố và không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Cuối cùng là tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.