Hơn 3 năm triển khai "Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên toàn tỉnh" đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu nông sản, chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên trên địa bàn.
Đàn bò thịt cao sản của Trang trại Thiên Sinh, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương đạt tiêu chuẩn Chứng nhận chăn nuôi hữu cơ trong năm 2023 |
Thống kê đến cuối tháng 3/2024, toàn tỉnh cấp Chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ đối với 43 mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên tổng diện tích gần 1.580 ha và 1.043 con vật nuôi. Trong đó có 24 mô hình Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và 18 mô hình Chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật... Tính riêng trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ cấp 8 giấy Chứng nhận hữu cơ cho tổ chức, cá nhân trồng các loại cây cà phê, mắc ca, atiso, cây ăn quả, củ năng, chăn nuôi bò thịt cao sản. Đặc biệt, mô hình đã triển khai từ năm 2021 đến năm 2023 hoàn chỉnh quy trình sản xuất, chăn nuôi, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cấp Chứng nhận hữu cơ trong canh tác mắc ca, cà phê, củ năng với 164 ha; chăn nuôi 38 con bò thịt.
Phóng viên trao đổi với nông gia Nguyễn Quốc Thắng, chủ trang trại có 38 con bò thịt cao sản được cấp Chứng nhận chăn nuôi hữu cơ trong năm 2023, được biết đàn bò này giống gốc nhập khẩu từ nước Úc, Pháp, thuần dưỡng trong môi trường hữu cơ tại thôn Ka Đơn, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương từ hơn 10 năm trước. Bước vào chăn nuôi giống bò thịt cao sản, anh Thắng mua về 9 con cái và 1 con đực từ 2 - 3 năm tuổi, trọng lượng mỗi con 200 - 500 kg. Nuôi theo quy trình khép kín, bố trí khu vực trồng cỏ, chế biến và tận dụng phụ phẩm rau, củ, quả trong trang trại để làm thức ăn hàng ngày cho đàn bò thịt. Hàng ngày bò nuôi được cho uống sữa chua vào buổi sáng sớm. Lượng phân thải ra trên nền đệm lót sinh học với các nguyên liệu tro, trấu, vỏ cà phê, than phối trộn trong thời gian khoảng 2 tháng thu gom đưa ra hố đào ủ với chế phẩm sinh học thêm 2 tháng nữa trước khi đem bón cho cây trồng trong trang trại. "Quy trình chăn nuôi bò thịt hữu cơ ở đây đã ổn định định lượng dinh dưỡng một ngày ba bữa. Mỗi con bò với khẩu phần buổi sáng 5 lít sữa chua; buổi trưa 15 kg cỏ tươi; buổi tối 10 kg rau hữu cơ các loại. Nuôi 2,5 - 3 năm, xuất chuồng bán bò thịt cân nặng mỗi con 600 - 700 kg, giá bán cao gấp rưỡi bò thịt chăn nuôi theo quy trình thông thường...", chủ trang trại Nguyễn Quốc Thắng thông tin.
Cũng trong năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh còn xây dựng 2 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm hữu cơ. Cụ thể mô hình sản xuất chè hữu cơ tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm với quy mô 1 ha/hộ, vốn nhà nước hỗ trợ vật tư, hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Kết quả năng suất vườn mô hình sản xuất chè hữu cơ thấp hơn so với vườn sản xuất đại trà 800 kg/ha. Ngược lại giá chè búp tươi sản xuất hữu cơ cao hơn 5.000 đồng/kg so với vườn chè đối chứng sản xuất ngoài mô hình. Qua đó mang lại doanh thu sản xuất chè mô hình hữu cơ hơn 525 triệu đồng/ha, tăng 60,5 triệu đồng/ha so với sản xuất chè ngoài mô hình, tương ứng với lợi nhuận tăng hơn 13,2%. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức 1 cuộc hội thảo tổng kết mô hình, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác chè hữu cơ, thu hút 45 lượt người tham gia.
Với mô hình nuôi hữu cơ 500 con gà đẻ trứng tại xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc, vốn nhà nước hỗ trợ cám gạo, các loại vật tư khác. Đánh giá sau 100 ngày nuôi dưỡng, tỷ lệ gà đẻ trứng đạt 77%, tương ứng 38.500 quả. Mô hình bước đầu thu lợi nhuận hơn 23,5 triệu đồng/500 con, trong khi nuôi ngoài mô hình chỉ thu lợi nhuận 20 triệu đồng/500 con.
Ngoài ra, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản sản phẩm hữu cơ tại Tổ Hợp tác nông sản hữu cơ Hà Nhiên, vốn nhà nước hỗ trợ 1 máy phân loại màu cà phê nhân, 28 giàn phơi cà phê, đạt hiệu quả đáng kể. "Cụ thể mô hình giúp Tổ Hợp tác nông sản hữu cơ Hà Nhiên có thêm thu nhập từ sản xuất cà phê hữu cơ, giảm 97% công lao động trong khâu phân loại màu cà phê nhân, tính ra mỗi tấn cà phê tiết kiệm thêm 955.000 đồng chi phí. Trong thời gian thực hiện mô hình đã có nhiều nông hộ đến tham quan tiếp cận kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, cho thấy khả năng nhân rộng mô hình quy mô lớn hơn đến các địa phương trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới...”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng nhận định.