Hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy sự phát triển thông qua việc tận dụng lợi thế và tiềm năng ở từng địa phương; không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào việc thắt chặt tình hữu nghị và đoàn kết giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật… của cả nước nên luôn thu hút mọi nguồn lực |
Trong đó, Lâm Đồng ở vị trí cực Nam của vùng Tây Nguyên, nằm trên cao nguyên Lâm Viên - Di Linh, có độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế. Tỉnh Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, với tổng diện tích đất tự nhiên là 978.119,72 ha, chiếm khoảng 3,1% diện tích toàn quốc và 17,9% diện tích vùng Tây Nguyên.
Lâm Đồng kết nối trực tiếp với 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ; có đường hàng không kết nối với các thành phố lớn trong nước là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, gắn với các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia. Các tuyến Quốc lộ 20, 27, 27C, 28 và 55 nối liền Lâm Đồng với vùng Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ… tạo cho Lâm Đồng có lợi thế kinh tế - xã hội bền chặt với các vùng, các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, với vị trí địa lý, địa hình, cảnh quan và khí hậu thuận lợi, cùng với nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh, Lâm Đồng còn có lợi thế phát triển mạnh liên kết về du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, hạ tầng khu đô thị, dân cư,…
Sau ký kết thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên vào ngày 29/12/2022 tại TP Đà Lạt, các địa phương vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã tích cực phối hợp cùng TP Hồ Chí Minh triển khai các chương trình hợp tác trên các lĩnh vực và đã đạt được một số kết quả cụ thể. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh thu hút đầu tư và hiện đang có 138/970 dự án do doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đầu tư, với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 17 ngàn tỷ đồng (trong tổng số hơn 145 ngàn tỷ đồng), tổng diện tích đất 10.165/104.390 ha; tập trung chủ yếu là lĩnh vực nông, lâm nghiệp (53 dự án), lĩnh vực du lịch - thương mại (36 dự án) và công nghiệp, khoáng sản, thủy điện (41 dự án).
Hai địa phương đã triển khai nhiều chương trình hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế, du lịch, khoa học - công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, quy hoạch, xây dựng; phối hợp tổ chức các hoạt động, quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư - thương mại thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo, các hội chợ triển lãm, các sự kiện lễ hội… Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đi vào chiều sâu hơn nữa với TP Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực có thế mạnh, nhằm đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước.
Đặc biệt, ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng với tầm nhìn đến 2050, tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống. Trong giai đoạn 2021 - 2030, định hướng phát triển của Lâm Đồng dựa trên 4 khâu đột phá và 3 trụ cột phát triển. Lâm Đồng đang tiến hành sắp xếp, tổ chức không gian phát triển thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 cực tăng trưởng và hệ thống các đô thị để tạo động lực phát triển…
Cụ thể hóa định hướng phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ xác định tại Quy hoạch tỉnh, tỉnh Lâm Đồng quyết tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh, thông thoáng, bình đẳng, thân thiện, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư về quy hoạch, hạ tầng, nông nghiệp, đầu tư phát triển công nghiệp…
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; đặc biệt là thu hút các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại đồ án Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào đầu tháng 4, UBND tỉnh Lâm Đồng giới thiệu, mời gọi đầu tư 3 dự án lớn gồm: Dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng (huyện Lạc Dương); Dự án Đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phú Bình (huyện Đức Trọng); Đầu tư xây dựng 2 dự án đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương theo hình thức đối tác công tư PPP…
Trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng còn tổ chức một số chương trình, sự kiện tiêu biểu như: Tuần lễ Vàng Du lịch lần thứ 3 năm 2024 (dự kiến diễn ra từ 31/5 đến 8/6/2024); Hội nghị xúc tiến du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên, góp phần triển khai thực hiện nghị quyết 23/NQ-TW về phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên (dự kiến trong quý II/2024); các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024 và Chương trình Nghệ thuật đặc biệt chào mừng Festival Hoa Đà Lạt (trong quý IV/2024, cao điểm là tháng 12/2024)… sẽ góp phần làm phong phú thêm quan hệ hợp tác phát triển giữa TP Hồ Chí Minh với Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung…