(LĐ online) - Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng sẽ tiến hành phục hồi, bảo tồn, phát huy nghề làm gốm của dân tộc Churu xã Pró, huyện Đơn Dương.
Các nghệ nhân trình diễn làm gốm Churu |
Theo đó, từ nay đến hết 7/2024, các đơn vị trực thuộc Sở (Bảo tàng Lâm Đồng, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật) phối hợp cán bộ văn hóa địa phương sẽ tiến hành nghiên cứu, khảo sát tại địa bàn xã Pró, xác định những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, cùng nghề làm gốm thủ công của dân tộc Churu có nguy cơ mai một; tổng hợp tư liệu làm cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống và phát triển du lịch. Tư liệu hoá các giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc Churu - Pró bằng các báo cáo, video, hình ảnh làm cơ sở nghiên cứu, lưu trữ và phát huy giá trị.
Sản phẩm gốm Churu khác biệt bởi quy trình, cách thức sản xuất độc đáo |
Cụ thể, Sở sẽ tổ chức khảo sát, kiểm tra, thu thập thông tin để nghiên cứu ở tất cả các thôn trên địa bàn xã Pró. Tiến hành phỏng vấn đồng bào và những người trực tiếp thực hành nghề làm gốm về quy trình, công đoạn, bí kíp tạo tác nên sản phẩm gốm. Tổng hợp kết quả thu thập, nghiên cứu các giải pháp phục hồi, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nghề làm gốm.
Giới thiệu sản phẩm gốm truyền thống Churu với du khách |
Tổ chức lớp truyền dạy nghề gốm cho thanh thiếu niên nam, nữ dân tộc Churu tại xã Próh do các nghệ nhân có uy tín, am hiểu và nắm giữ kỹ năng làm gốm trực tiếp truyền dạy.Tổ chức thực hiện tư liệu hóa về nghề gốm bằng việc thực hiện quay video, làm phim tư liệu phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy và tuyên truyền cho nhiều thế hệ.
Trước sự phát triển của đời sống, nhiều vật dụng hiện đại làm bằng nhôm, inox, sành sứ đang thay thế cho nồi, niêu, ấm đất…, nghề làm gốm truyền thống của đồng bào Churu - Pró cũng đứng trước nguy cơ mai một. Số người còn giữ nghề, biết làm nghề chỉ tính trên đầu ngón tay. Việc hỗ trợ, nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, tìm hướng đi mới, đa dạng hóa sản phẩm phát huy nghề làm gốm của dân tộc Churu, xã Pró, huyện Đơn Dương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.