Bài 3: Thành phố Bảo Lộc sau khi mở rộng sẽ nâng 2 xã lên thành phường
Sau khi mở rộng địa giới thông qua việc điều chỉnh diện tích tự nhiên của 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm vào Bảo Lộc, thành phố này sẽ có 2 xã được nâng lên thành phường.
TP Bảo Lộc mở rộng được xác định là một trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao với ngành chè. Ảnh: K.P |
• 2 XÃ NÂNG LÊN THÀNH PHƯỜNG
Đó là xã Lộc Nga nâng lên thành phường Lộc Nga và xã Lộc Châu nâng lên thành phường Lộc Châu.
Theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 vừa được Lâm Đồng cho rà soát lại gần đây, nhằm mở rộng không gian đô thị cho Bảo Lộc, sẽ có 5 xã của huyện Bảo Lâm điều chỉnh diện tích tự nhiên cùng quy mô dân số vào ĐVHC TP Bảo Lộc. Đó là các xã Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc Tân.
Căn cứ cho việc điều chỉnh địa giới này là Quyết định số 1727 ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó nêu rõ: “Dự kiến mở rộng không gian đô thị TP Bảo Lộc thông qua việc điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm, gồm xã Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Lộc Tân và Tân Lạc vào TP Bảo Lộc”.
Cùng đó, trong Đồ án Quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1194 ngày 16/6/2023 (Đồ án Quy hoạch 1194), phạm vi Đồ án cũng bao gồm toàn bộ phạm vi hành chính của TP Bảo Lộc hiện hữu và toàn bộ phạm vi hành chính của 5 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm.
TP Bảo Lộc hiện có diện tích tự nhiên 233,95 km2 (đạt tỷ lệ 155,97% so với tiêu chuẩn quy định); tổng dân số gần đây trên 196 ngàn người (đạt tỷ lệ 130,73%), trong đó có trên 6,6 ngàn người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 3,39% dân số. Thành phố hiện có 11 ĐVHC cấp xã gồm 6 phường (Phường 1, Phường 2, phường B’Lao, phường Lộc Phát, phường Lộc Sơn, phường Lộc Tiến) và 5 xã (Lộc Nga, Lộc Thanh, Lộc Châu, Đại Lào và Đạm Bri).
Sau khi điều chỉnh để đưa 5 xã gồm Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc của huyện Bảo Lâm vào địa giới của mình, TP Bảo Lộc mở rộng sẽ có diện tích tự nhiên 598,49 km2 (đạt 398,99% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số trên 261,8 ngàn người (đạt 174,54% so với tiêu chuẩn), trong đó người dân tộc thiểu số có 25.836 người (chiếm tỷ lệ 9,87%). Từ 11 ĐVHC cấp xã, Bảo Lộc sau khi mở rộng sẽ tăng lên 16 ĐVHC trực thuộc, trong đó có 6 phường, 5 xã trước đây, cộng thêm 5 xã nữa là xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam; Lộc Thành và xã Tân Lạc.
Tuy nhiên, với xã Tân Lạc, toàn bộ diện tích tự nhiên của xã này sau khi sáp nhập vào TP Bảo Lộc sẽ được sáp nhập vào xã Lộc Nga để hình thành một xã Lộc Nga mới, trụ sở làm việc của các khối Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể của xã mới này vẫn ngay xã Lộc Nga trước đây. Sau khi sáp nhập xong, xã Lộc Nga mới này cùng với xã Lộc Châu sẽ được nâng lên thành phường.
Như vậy ĐVHC mới của TP Bảo Lộc sau khi mở rộng là 8 phường và 7 xã gồm Phường 1, Phường 2, phường B’Lao, phường Lộc Phát, phường Lộc Sơn, phường Lộc Tiến, phường Lộc Châu và phường Lộc Nga; 7 xã gồm xã Lộc Thanh, Đại Lào, Đạm Bri, Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam và xã Lộc Thành.
• ĐÔ THỊ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM LÂM ĐỒNG
Việc mở rộng đô thị Bảo Lộc theo ngành chức năng tỉnh sẽ tạo thuận lợi trong tối ưu mô hình cấu trúc giao thông đô thị theo hệ thống đường vành đai, trục giao thông hướng tâm, trục giao thông nối kết các khu phát triển và vùng chức năng chuyên biệt như du lịch sinh thái, vùng nông nghiệp và các khu công nghiệp của TP Bảo Lộc.
TP Bảo Lộc khi được mở rộng không gian đô thị sẽ hình thành như một điểm quan trọng trong trung chuyển vận tải, trung tâm hậu cần, phân phối hàng hóa cấp vùng và cấp quốc gia gắn với đầu mối giao thông gồm đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Quốc lộ 20 và Quốc lộ 55 tập trung trên địa bàn thành phố; đồng thời tạo thuận lợi về không gian trong tổ chức các trung tâm vận tải, bến bãi, kho vận và tổ chức hoạt động vận chuyển các sản phẩm Alumin, luyện nhôm trong khu vực.
Bảo Lộc khi mở rộng cũng là điểm kết nối giao thương của Lâm Đồng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, kết nối các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; là trung tâm dịch vụ - thương mại hỗn hợp; trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao; trung tâm công nghiệp phụ trợ; chế biến sản phẩm nông nghiệp, trong đó có dược liệu; công nghiệp chế biến sau sản phẩm từ khai khoáng; tạo động lực cho việc đầu tư, phát triển đô thị cùng du lịch chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh.
Cũng nói thêm về huyện Bảo Lâm, sau khi điều chỉnh ĐVHC với việc tách 5 xã để sáp nhập vào Bảo Lộc thì huyện vẫn đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, trong đó diện tích tự nhiên có 1.098.07 km2 (đạt 129,2% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 71.613 người (đạt 89,52% so với tiêu chuẩn); cộng đồng người dân tộc thiểu số trên 22.500 người (chiếm tỷ lệ 31,5%); có 9 ĐVHC trực thuộc gồm 1 thị trấn và 8 xã.
(CÒN NỮA)