Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Đà Lạt thành Phố Của Ba Thiên Đường

  • 16/09/2022
  • s 08:30

Địa hình, khí hậu thời tiết và cảnh quan Đà Lạt tạo nên sự khác biệt

Địa hình Đà Lạt được phân thành hai dạng rõ rệt: địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi. Địa hình núi phân bố xung quanh vùng cao nguyên trung tâm thành phố. Các dãy núi cao khoảng 1.700 mét tạo thành một vành đai chắn gió che cho khu vực lòng chảo trung tâm. Từ thành phố nhìn về hướng Bắc, dãy LangBiang như một bức tường thành theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, kéo dài từ suối Đạ Sar đến hồ Dankia. Hai đỉnh cao nhất của dãy núi này là núi ông có độ cao 2.167 mét và núi bà có độ cao 2.064 mét. Án ngữ phía Đông Đà Lạt là dãy Bidoup có độ cao 2300 mét và phía Đông Nam chắn bởi dãy Cho Proline 1.629 mét phía Nam và Tây Nam có dãy núi Voi có độ cao 1.754 mét và Yàng Sơreng bao bọc. Về phía Nam, địa hình núi chuyển tiếp sang bậc địa hình thấp hơn, đặc trưng là khu vực đèo Prenn với các dãy núi cao xen kẽ những thung lũng sâu. Trung tâm Đà Lạt như một lòng chảo hình bầu dục dọc theo hướng Bắc – Nam với chiều dài khoảng 18 km, chiều rộng khoảng 12 km. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều nhau, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Nơi cao nhất trong trung tâm thành phố là dinh Nguyễn Hữu Hào trong Bảo tàng Lâm Đồng với độ cao 1.532 mét, còn điểm thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương, độ cao 1.398 mét.

Trên địa bàn thành phố Đà Lạt, xen giữa vùng đồi thấp trung tâm thành phố và các dãy núi bao quanh, có thể thấy hơn 20 dòng suối có chiều dài trên 4 km, thuộc các hệ thống suối Cam Ly, Đa Tam và hệ thống sông Đa Nhim. Các con suối này đều là những con suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Suối Cam Ly dài 64,1 km, bắt nguồn từ Lang Biang (huyện Lạc Dương), chảy theo hướng Bắc – Nam và đổ vào hồ Xuân Hương; đây chính là hệ thống suối lớn nhất Đà Lạt, có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực đô thị trung tâm. Đà Lạt còn nổi tiếng là thành phố của hồ và thác với khoảng 16 hồ lớn nhỏ phân bố rải rác, phần nhiều là các hồ nhân tạo. Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố, rộng khoảng 25 ha, được xây dựng từ năm 1919 trong quá trình xây dựng Đà Lạt. Hồ Xuân Hương nằm ở trung tâm thành phố, là một trong những biểu tượng của Đà Lạt, là trái tim của thành phố, là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Do nằm ở độ cao 1.500 mét và được các dãy núi cùng quần thể hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh, nên đối lập với khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền Trung và khí hậu nhiệt đới xa-van ở miền Nam, thành phố Đà Lạt có một khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm, đây là một trong những sự khác biệt, và càng khác biệt hơn là nhờ thành phố ít bị tổn thương do biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới xa-van, Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Vào mùa khô, Đà Lạt chịu ảnh hưởng của khối không khí biển Đông, mang lại thời tiết nắng ấm, ít mây, không mưa, nhiệt độ hạ thấp về ban đêm và biên độ nhiệt lớn. Trong những tháng mùa mưa, gió mùa đông bắc hầu như không còn ảnh hưởng đến Đà Lạt, thay thế bởi khối không khí xích đạo từ phía Nam tràn lên phía Bắc. Gió mùa tây nam mang lại nguồn ẩm chủ yếu do những trận mưa lớn và những đợt mưa kéo dài nhiều ngày. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của khối không khí nhiệt đới Thái Bình Dương, trong mùa mưa vẫn có những thời kỳ thời tiết tạnh ráo.

Nhiệt độ trung bình tháng ở Đà Lạt luôn dưới 18,3°C, ngay cả trong những tháng nóng nhất.Trong những tháng mùa đông, nhiệt độ trung bình tháng vẫn trên 15°C. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 tới năm 2018, nhiệt độ trung bình năm ở Đà Lạt là 18,3°C. Vào tháng 12, thời điểm cuối năm, Đà Lạt hạ nhiệt vào ban đêm từ 6°C đến 8°C, cực lạnh. Buổi sáng vào mùa đông, Đà Lạt có mưa phùn và trời ít khi có nắng. Biên độ nhiệt độ ngày đêm ở Đà Lạt rất lớn, trung bình năm đạt 11°C, cao nhất trong những tháng mùa khô, lên tới 13 – 14°C và thấp nhất trong những tháng mùa mưa, chỉ khoảng 6 – 7°C. Tổng lượng bức xạ thu nhập ở Đà Lạt khoảng 140 kCalo/cm²/năm, nhiều nhất vào tháng 4 và ít nhất vào tháng 8. Nếu so với các vùng lân cận, lượng bức xạ mặt trời của Đà Lạt không cao, nhưng đây là nguồn năng lượng chủ yếu cho các quá trình trao đổi nhiệt, mang lại nền nhiệt độ thấp và tương đối ôn hòa.

Mùa mưa ở Đà Lạt thường bắt đầu vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11.Tuy hàng năm, thời điểm bắt đầu và kết thúc của mùa mưa có thể thay đổi, nhưng mùa mưa ở đây thường kéo dài khoảng hơn 6 tháng. Nếu lấy trung bình từ tháng 5 tới tháng 10, tổng lượng mưa trong mùa mưa ở Đà Lạt chiếm đến gần 80% lượng mưa của cả năm. Ở Đà Lạt còn có một hiện tượng thời tiết đáng chú ý khác là sương mù, trung hình 80 đến 85 ngày trong một năm, nhưng xuất hiện nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10. Phổ biến hơn cả là loại sương mù bức xạ được hình thành khi mặt đất bị lạnh đi nhiều do bức xạ vào lúc trời quang, lặng gió; tháng 4 là tháng có số ngày sương mù nhiều nhất trong năm, sương Đà Lạt được xem như là sự khác biệt hấp dẫn du khách, cùng với sương có mây Đà Lạt cũng là hiện tượng thiên nhiên rất kỳ thú hấp dẫn du khách đến Đà Lạt.

Vườn có tổng diện tích tự nhiên 64.800 ha, diện tích đất có rừng là 59.034 ha, trong đó gần 50.000 ha rừng tự nhiên chưa bị tác động Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành hành lang sinh học cho sự phát triển các loài động thực vật từ vùng núi thấp lên trung bình. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà khu vực lỏi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang là một mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam và cũng là kiểu rừng đặc trưng cho vùng cao nguyên đã trở thành một trong những địa điểm nghiên cứu khoa học, hợp tác về bảo tồn thiên nhiên và trở thành điểm du lịch sinh thái gắn với những đặc trưng của văn hoá bản địa được biết đến trong và ngoài nước.

 Đà Lạt - Thiên đường của thiên đường

Đà Lạt là thành phố diệu kỳ bởi có khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng luôn quyến rũ tình người khi mới đến, khi đến muốn khám phá bao điều, khi về mà lòng luôn lưu luyến làm tâm hồn luôn nhung nhớ khó quên. Có thành phố nào mà đi chỗ nào cũng thấy đẹp, cho  niềm vui, đem yêu thương và cho sức khỏe mọi người; thành phố mà  không gian nơi nào luôn tươi đẹp, làm say đắm biết bao giới nghệ sỹ tài năng để sáng tạo nhiều tác phẩm hay làm lay động lòng người. Nhiều bộ phim mà đạo diễn tư duy sáng tạo để có phong cảnh đẹp nhất tạo giá trị cốt lõi cho bộ phim nhưng vô tình khiến khán giả xem phong cảnh Đà Lạt nhiều hơn cốt lõi của phim, Đà Lạt đã làm biết bao điều trăn trở của hàng ngàn nhà nhiếp ảnh đam mê, chụp rất nhiều hình song vẫn còn thơ thẩn, Đà Lạt là một trong ba thành phố ở Việt Nam có nhiều bài hát nhất bởi tình cảm yêu thương của các nhạc sỹ chuyên nghiệp và không chuyên dành cho Đà Lạt. Tài nguyên thiên nhiên và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt còn được xem là phần thưởng quý giá của bố mẹ dành cho con cái yêu thương cho đi tham quan, du lịch khi học giỏi hoặc khi công việc thành công.

Có thành phố nào đã tạo cho nhiều du khách luôn suy tư khám phá nhiều hơn khi chưa bước chân đến của mỗi chuyến đi đến Đà Lạt, bởi có bao điều bí ẩn nơi đây. Đà Lạt là thành phố mà hội tụ tất cả cư dân mọi miền đất nước trong quá trình hình thành và phát triển, nhờ đó đã tạo nên phong cách của người Đà Lạt rất riêng: hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Có thành phố nào ở Châu Á mà giống Paris ở Châu Âu đầy quyến rũ, khiến mọi người xao xuyến trong lòng khi mới đến. Đà Lạt có Quốc lộ 27C là  cung đường kết nối giữa hoa và biển đi ngang qua những cánh rừng già, hòa quyện trong mây và sương tạo nên nét riêng độc đáo vô cùng bởi cung đường di sản thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam; với những gì thiên nhiên ban tặng đã giúp cho Đà Lạt thành phố của ba thiên đường: du lịch, tình yêu và nông nghiệp.

 Đà Lạt như là cõi mơ

Mỗi vị trí địa lý trên trái đất này được hình thành ngẫu nhiên của hiện tượng tự nhiên trong quá trình hình thành trái đất trong vũ trụ; song có lẽ như hiện tượng tự nhiên đã sắp sẵn cho thành phố Đà Lạt, quá trình hình thành trái đất đã tạo cho Đà Lạt có độ cao khác biệt ở Đông Dương, có địa hình, khí hậu, cảnh quan và đa dạng sinh học ngay trong vùng nhiệt đới, do đó có một nét rất riêng tầm quốc gia và đẳng cấp quốc tế. Thiên nhiên đã ban tặng nơi đây những báu vật vô cùng quý giá khó có một nơi nào sánh được, như một bảo tàng thiên nhiên đầy kỳ thú; cho khí hậu mát mẻ trong lành như sống giữa rừng sâu thăm thẳm; cho phong cảnh tuyệt vời nét đẹp nên thơ, nhìn đâu cũng đẹp bất ngờ; cho nhiều hồ cảnh quan thơ mộng làm cho tâm hồn hướng đến những gì tốt đẹp nhất, cho nhiều thác nước trữ tình, làm lòng người như bị níu giữ và từ đó mà thả tâm hồn nhẹ nhàng và sáng tạo. Tất cả những gam sáng đầy sắc màu của thiên nhiên kỳ thú đã làm cho lòng người man mác nhớ thương, bởi vì Đà Lạt là vùng đất tình người.

Đà Lạt có núi rừng hùng vĩ làm tình người gần gũi với thiên nhiên, cho bao địa hình thấp thoáng, muốn nhìn mà không chớp mắt; cho vùng đất an lành cung cấp nguồn nước tự nhiên từ thượng nguồn hòa quyện với khí trời; cho không khí trong lành giúp cho con người luôn sức khỏe quanh năm; cho cảnh quan thơ mộng để giữ chân người phương xa. Cho đất đai màu mỡ cùng khí hậu đặc thù đã tạo môi trường thuận lợi giúp cho hoa đẹp, rau tươi và quả ngọt làm cho biết bao người mơ ước những sản vật thiên nhiên vùng đất của ba thiên đường.

Tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi về thiên nhiên, di sản kiến trúc và nhân văn con người Đà Lạt trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế

Đà Lạt đã và đang triển khai các giải pháp thực hiện Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế... Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận từng bước hình thành theo định hướng, hạ tầng kỹ thuật kết nối nội vùng và ngoại vùng từng bước được đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo động lực phát triển giai đoạn tiếp theo; song song với những kết quả đạt được quá trình triển khai Quyết định số 704/QĐ-TTg vẫn còn các tồn tại, hạn chế nhất định và chưa đáp ứng điều kiện hiện nay như: dự báo dân số của thành phố Đà Lạt được tính trên tỷ lệ dân số tăng tự nhiên và cơ học không còn phù hợp hiện trạng phát triển dân số tại địa phương, mất cân đối giữa dân số và quy hoạch sử dụng đất. Việc tổ chức không gian đô thị, định hướng các chỉ tiêu quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị chưa sát với thực tế và chưa phù hợp với địa hình tại khu vực, xác định mục đích sử dụng đất còn bất cập, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước; hệ thống giao thông kết nối các đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt với đô thị trung tâm lịch sử chưa đầy đủ, phù hợp, đặc biệt chưa dự báo tác động biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu và hạ tầng liên kết vùng... Trước những bất cập thực tiễn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có tờ trình  trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Văn bản số 6364/VPCP-CN ngày 11/9/2021, sau thời gian khẩn trương thực hiện các nội dung điều chỉnh theo chỉ đạo cuả Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh có Tờ trình số  2120/TTr-UBND ngày 31/3/2022 trình Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch theo Quyết định số 704/QĐ-TTg. Thực hiện Giấy mời số 1158/BXD-QHKT về việc tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Lâm Đồng đã bảo vệ nội dung điều chỉnh đồ án quy hoạch vào chiều ngày 23/8/2022 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch quốc gia thống nhất thông qua trình Thủ tướng Chính phủ theo quy đinh.

Quá trình phát triển Đà Lạt đã, đang và sẽ thu hút đầu tư hình thành các trung tâm thương mại đẳng cấp, phát triển công nghiệp văn hóa đặc sắc, trung tâm tài chính thông minh, phát triển các dự án khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Là cơ hội cho thành phố Đà Lạt mở rộng hoạt động dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và là môi trường tốt để Đà Lạt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

 Với yêu cầu thực tiễn vừa phát triển đô thị, vừa bảo tồn di sản kiến trúc, đó là yêu cầu đòi hỏi rất cao trong quá trình phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận trong tương lai. Song song với khu trung tâm đô thị gắn các làng đô thị xanh với vai trò, chức năng riêng sẽ hỗ trợ, chia sẻ áp lực về phát triển đô thị của thành phố và tạo ra các mối liên kết mới trong vùng quy hoạch. Trên cơ sở quy mô diện tích, giá trị tài nguyên rừng, tính đa dạng sinh học cao, mật độ dân số hợp lý, quản lý bảo vệ tốt tài nguyên môi trường, phát huy cảnh quan kiến trúc và tính nhân văn, hiện đại hóa công nghệ thông tin, chúng ta có thể tin tưởng rằng đó là điều kiện thuận lợi để thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận có cơ hội phát triển trở thành thành phố cảnh quan, thành phố thông minh, có cấu trúc một đô thị di sản và thành phố sáng tạo trong tương lai. Phát triển kinh tế theo xu hướng tăng trưởng xanh, từng bước phát triển kinh tế tri thức với tốc độ nhanh trong những thập niên tới.

Phạm S - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng