Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Xuất khẩu nông sản đạt 44,9 tỷ USD, đón tin vui từ thị trường Trung Quốc.

  • 01/11/2022
  • s 09:01

10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường đứng 2 về kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với con số 8,3 tỷ USD. Bộ NN&PTNT đánh giá hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất đang là cơ hội cho xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu (XK) trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập khẩu (NK) khoảng 37,2 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 7,7 tỷ USD, tăng 83,7%.

Cụ thể, kim ngạch XK ước trên 4,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 9/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 2,1 tỷ USD, lâm sản chính gần 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 35,3 triệu USD…

Tính chung 10 tháng, kim ngạch XK ước trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông sản chính đạt trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%; lâm sản chính khoảng 14,4 tỷ USD, tăng 10,7%; thủy sản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7%; chăn nuôi 326,9 triệu USD, giảm 8,7%; đầu vào sản xuất gần 2,0 tỷ USD, tăng 45,3%.

Đến nay, đã cấp 4.814 mã số vùng trồng phục vụ XK tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ XK cho các loại quả tươi (thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen...) được phép XK sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 11,4 tỷ USD (chiếm 25,4% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 8,3 tỷ USD (chiếm 18,5% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị XK đạt 3,5 tỷ USD (chiếm 7,8%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị XK đạt trên 2,1 tỷ USD (chiếm 4,7%).

Bộ NN&PTNT đánh giá hạn hán tại Trung Quốc ảnh hưởng đến sản xuất là cơ hội cho XK nông sản sang thị trường này; lạm phát tại châu Âu, chiến sự tại Ukraine, biến đổi khí hậu làm trầm trọng vấn đề về an ninh lương thực, EU đã xây dựng kế hoạch “Làn đường đoàn kết” để thuận lợi cho việc giao thương nên XK sang thị trường này dần chuyển biến tích cực nhưng yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, chi phí logistics lớn...

Đối với thị trường Hoa Kỳ, trong tháng 10, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường này, một số loại trái cây khác như dừa, sầu riêng vẫn được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng dưới dạng sản phẩm đông lạnh.

Về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ theo dõi sát biến động thị trường; tình hình sản xuất và nguồn cung, đặc biệt là các nông sản vào chính vụ như nhãn, na, sầu riêng, xoài, thanh long, bơ… Đồng thời, tuyên truyền, thông tin và định hướng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của người dân.

Nguồn: vnbusiness.vn