Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Dấu xưa xe ngựa...

  • 21/06/2022
  • s 11:30

Mỗi ngày, khi đất trời vẫn ngủ vùi trong màn sương trắng, ông Nguyễn Sơn, 58 tuổi, nhà ở đường Trần Đại Nghĩa, phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã thức dậy đánh chiếc xe ngựa ra bờ hồ Xuân Hương. Lúc này, bờ hồ hãy còn vắng vẻ và khách du lịch vẫn còn say giấc trong các nhà nghỉ, khách sạn. Trong thời gian đợi khách, ông tháo chiếc xe ra khỏi chú ngựa tên Yang, vỗ nhẹ lên lưng rồi dẫn chú ra thảm cỏ sát mép nước, nơi có những vạt cỏ xanh non còn ướt đẫm sương đêm. Trong lúc chú ngựa say sưa thưởng thức bữa sáng thì ông Sơn trở lại xe, đốt điếu thuốc lá và thưởng thức ly cà phê nóng mà vợ đã chuẩn bị sẵn cho ông trước khi ra khỏi nhà. Gần 30 năm gắn bó với nghề xà ích, một ngày làm việc của ông Sơn luôn bắt đầu như thế. Dẫu cho nghề điều khiển xe ngựa ở Đà Lạt sắp lụi tàn và ông tựa như “nhân chứng cuối cùng” của cái nghề đã gắn liền với lịch sử thành phố cao nguyên.

Chẳng ai còn nhớ chiếc xe ngựa đầu tiên ở Đà Lạt có từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn là ngựa và nghề điều khiển xe ngựa ở Đà Lạt đã có từ lâu, bởi trong chuyến thám hiểm vào năm 1893 của bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin (thời điểm đánh dấu sự ra đời của TP Đà Lạt), 6 chú ngựa là phương tiện chính đưa vị bác sĩ cùng đoàn thám hiểm vượt qua những dòng sông, ngọn thác, đỉnh núi cao ngất của vùng đất Nam Tây Nguyên để lần đầu đặt chân lên cao nguyên Lang Biang hùng vĩ. Tháng 3-1899, bác sĩ Alexandre Yersin tháp tùng Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, từ Phan Rang lên Lang Biang khảo sát chuẩn bị xây dựng Đà Lạt, phương tiện di chuyển của họ cũng bằng ngựa. Hồi ký của Alexandre Yersin còn ghi lại: “Con đường đèo thật gập ghềnh và hiểm trở, mọi người phải dắt ngựa đi bộ. Chúng tôi đến Dran vào lúc 10 giờ. Trên cao nguyên chưa có một người Việt nào sinh sống. Dran chỉ có một buôn người Thượng mà dân cư đều bị bệnh sốt rét hoành hành. Sau khi tắm sông và vội vàng ăn trưa, chúng tôi lại lên đường đi tiếp chặng cuối...”.

Sau khi quyết định chọn xây dựng Đà Lạt làm nơi nghỉ dưỡng, toàn quyền Paul Doumer chỉ đạo thành lập Trạm nông nghiệp Đan Kia ở khu vực hồ Suối Vàng nhằm chăm sóc, thuần dưỡng một số giống rau, hoa, gia súc có xuất xứ từ châu Âu, sau đó chọn lọc những giống thích hợp để nhân rộng tại Đà Lạt. Trong số các gia súc đầu tiên được nuôi dưỡng ở Trạm nông nghiệp Đan Kia có giống ngựa được nhập từ nước Pháp. Có lẽ, chú ngựa mà ông Sơn đang dùng để chở khách hiện nay là "huyết thống" của những chú ngựa đầu tiên được nuôi tại Trạm nông nghiệp Đan Kia cách đây hơn một thế kỷ.

Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông, sinh năm 1932, một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Đà Lạt, cho biết: “TP Đà Lạt xây dựng trên địa hình không bằng phẳng. Đường phố quanh co, nhiều đồi dốc, lên cao, xuống thấp liên tục. Việc di chuyển của người dân và hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, vì thế, ngựa chính là “trợ thủ” đắc lực bởi bản tính hiền lành, sức khỏe dẻo dai, dễ nuôi dưỡng, phù hợp với hoạt động vận chuyển người và hàng hóa ở vùng miền núi. Đó cũng là lý do khiến nghề nuôi ngựa và điều khiển xe ngựa sớm thịnh hành ở Đà Lạt”.

Những năm 70-80 của thế kỷ trước là thời hoàng kim của xe ngựa Đà Lạt với số lượng khoảng 500 chiếc. Ngày ấy, các bác xà ích làm không hết việc. Mỗi ngày, hàng trăm chiếc xe hối hả xuôi ngược trên khắp nẻo đường, chở rau và hoa từ vườn lên phố; đưa các bà, các mẹ đi chợ; đưa học sinh đến trường; giúp du khách tới thăm những điểm du lịch nổi tiếng... Không giống các phương tiện khác, xe ngựa hòa hợp với cảnh quan Đà Lạt một cách rất tự nhiên. Hình ảnh những chiếc xe ngựa thân thương, bác xà ích hiền lành, tiếng vó ngựa gõ trên dốc vắng cùng tiếng lục lạc vui tai đã in sâu vào tiềm thức của người dân và du khách, neo mãi trong miền nhớ, trở thành nét đặc trưng của thành phố cao nguyên.

Nhưng sự phát triển các phương tiện giao thông hiện đại từ những năm 90 của thế kỷ trước khiến cho nghề xe ngựa tại Đà Lạt nhanh chóng bị mai một. Những chiếc xe máy, xe tải, máy kéo, xe bus với sức mạnh vượt trội, tính cơ động và tốc độ cao đã dần thay thế xe ngựa. Nhiều người đành phải bán xe, bán ngựa, chuyển sang làm nghề khác. Năm 1999, nhằm bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh đô thị, Đà Lạt bắt đầu cấm xe thô sơ và gia súc đi vào trung tâm thành phố, nghề vận tải bằng xe ngựa chính thức bị “khai tử”.

Ông Nguyễn Sơn cho biết, TP Đà Lạt hiện chỉ còn 22 chiếc xe ngựa phục vụ khách du lịch di chuyển tham quan trên một cung đường ngắn. Ngoài ra, còn một số xe và ngựa trong các khu, điểm du lịch chủ yếu phục vụ khách chụp ảnh kỷ niệm. 22 chiếc xe ngựa hằng ngày đỗ trước cổng Vườn hoa thành phố hoặc Bến xe đạp nước (pedalo) bên hồ Xuân Hương. Khi khách có nhu cầu, bác xà ích sẽ đưa họ di chuyển nửa vòng hồ từ Bến xe đạp nước đến Khách sạn Công đoàn, sau đó trở về vị trí cũ với quãng đường khoảng 4km. Mức giá cho mỗi chuyến đi như vậy khoảng 300-500.000 đồng, tùy số lượng người.

Khác với những cỗ xe ngựa thô sơ, đơn giản trước đây, những cỗ xe ngựa phục vụ khách du lịch bên hồ Xuân Hương hiện nay có hình thức khá cầu kỳ, sơn màu rực rỡ, kết hoa, tựa như những cỗ xe ngựa của các bá tước và hoàng gia châu Âu thời trung cổ. Nếu có nhu cầu trở thành những “cao bồi” miền viễn tây nước Mỹ và lưu lại khoảnh khắc kỷ niệm, bác xà ích đã có trang phục, phụ kiện, sẵn sàng phục vụ và tất nhiên là khách phải trả thêm tiền.

 Hiện nay, để sắm một cỗ xe tươm tất, ông Sơn và những đồng nghiệp phải bỏ ra khoảng 230-250 triệu đồng. Trong đó, chi phí mua một chú ngựa lai trưởng thành khoảng 150 triệu, chi phí đóng một cỗ xe mới hết 60 triệu, số còn lại là chi phí mua yên, cương, quần áo, phụ kiện... “Thời gian phục vụ của mỗi chú ngựa được khoảng 30 năm, nhưng thường 15 năm thì chúng tôi đã cho chúng nghỉ vì làm cái nghề này, phải thương yêu, biết ơn con vật đã đồng hành với mình, phải cho chúng nghỉ ngơi. Hiện nay, lượng khách chọn trải nghiệm đi xe ngựa ngày càng ít ỏi. Có ngày chúng tôi kiếm được vài trăm nghìn nhưng cũng có ngày chẳng được đồng nào. Dẫu khó khăn nhưng một số anh em không đành bỏ nghề vì đã trót đam mê. Mỗi ngày, chúng tôi tự “chia tài”, ai đã chạy rồi thì nhường cho người khác, cứ thế cuốn chiếu xoay vòng, nhường cơm sẻ áo cho nhau. Chúng tôi chẳng mong giàu có gì, chỉ mong sao sống được với nghề để mỗi ngày còn được nghe tiếng vó ngựa gõ nhịp trên đường, góp phần gìn giữ hình ảnh đặc trưng đã gắn liền với Đà Lạt”, ông Sơn trầm ngâm chia sẻ.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG