Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới của dân tộc Mạ

  • 05/06/2024
  • s 10:02

(LĐ online) - Ngày 4/6, trong Không gian giới thiệu âm nhạc - văn hoá các dân tộc của Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng, tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, đã diễn ra chương trình tái hiện Lễ hội Mừng lúa mới (N’ HÔ R’ HE) của dân tộc Mạ.

-	Dân làng chuẩn bị lễ hội mừng lúa mới

Dân làng chuẩn bị Lễ hội Mừng lúa mới

Chương trình do huyện Bảo Lâm và Đoàn Nghệ nhân tham gia thực hiện phần nghi lễ của Lễ hội Mừng lúa mới, huyện Đạ Huoai và huyện Cát Tiên tham gia đội cồng chiêng, múa xoang và giới thiệu ẩm thực dân gian truyền thống đặc sắc của địa phương. 

-	Gà trống sẽ là vật hiến sinh

Gà trống là vật hiến sinh

Lễ hội Mừng lúa mới là một trong những nghi lễ truyền thống vô cùng độc đáo của dân tộc Mạ ở Nam Tây Nguyên. Đây là nghi lễ quan trọng được tổ chức hàng năm sau vụ thu hoạch lúa rẫy. 

-	Già làng dùng huyết gà bôi lên cây nêu, các vật dụng và dân làng cầu mong những điều tốt đẹp nhất

Già làng dùng huyết gà bôi lên cây nêu, các vật dụng và dân làng cầu mong những điều tốt đẹp nhất

Người Mạ quan niệm, Lễ hội Mừng lúa mới là dịp để bà con, buôn làng được cầu khấn thần lúa phù hộ cho cuộc sống gia đình ngày càng được ấm no và bình yên. Do đó sau khi lúa đã về kho bà con thường tổ chức lễ cúng 3 ngày 3 đêm, tùy theo gia đình làm lễ cúng lớn hay nhỏ.

Khai ché rượu cần mừng lễ hội

Khai ché rượu cần mừng lễ hội

Lễ vật cúng gồm cây nêu và nhà kho nhỏ dựng sẵn, cơm trắng, đọt mây, thịt trâu khô, rượu cần, gừng, gạo, lúa, thóc, trứng gà, cơm, con gà trống. Già làng và chủ nhà tiến hành khấn thần linh, gia đình mời tất cả các thần linh cùng với thần lúa phù hộ ban cho gia đình và buôn làng ấm no. Lúa ăn không hết, có của ăn của để, làm ăn phát đạt hơn trong vụ mùa tới. 

Trai gái buôn làng vào hội

Trai gái buôn làng vào hội

Sau phần nghi lễ cúng tế xong, như tất cả các nghi lễ truyền thống của các dân tộc Nam Tây Nguyên, mọi người trong làng sẽ tổ chức ăn uống, múa hát linh đình. Đây không chỉ đơn giản là một tín ngưỡng truyền thống của người Mạ, mà còn là dịp để buôn làng sinh hoạt thể hiện tính cộng đồng, duy trì một nền nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần sau một thời gian dài lao động vất vả.

-	Du khách cùng thưởng thức những món ăn truyền thống sau nghi lễ

Du khách cùng thưởng thức những món ăn truyền thống sau nghi lễ

Việc tái hiện và phục dựng Lễ hội nói chung tại chương trình Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng đã góp phần giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định giá trị, bảo vệ và phát huy Không gian văn hóa trong đời sống đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên…

-	Du khách và đoàn nghệ nhân giao lưu và chụp ảnh lưu niệm

Du khách và đoàn nghệ nhân giao lưu và chụp ảnh lưu niệm
NHẬT QUÂN