Bài 2: Đà Lạt có thêm các phường, xã mới
Sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị, Đà Lạt sẽ nâng ĐVHC cấp xã, phường trực thuộc hiện nay từ con số 12 phường và 4 xã lên 13 phường và 9 xã.
Sắp xếp ĐVHC cũng góp phần không nhỏ trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong ảnh: Tiếp nhận làm căn cước công dân của Công an TP Đà Lạt tại Bộ phận Một cửa UBND TP Đà Lạt |
• PHƯỜNG MỚI LANG BIANG
Dự kiến phường mới sắp đến tại TP Đà Lạt khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào sẽ có tên là phường Lang Biang, còn 5 xã hiện nay của huyện Lạc Dương khi sáp nhập vào Đà Lạt cũng trở thành các ĐVHC của TP Đà Lạt mở rộng, đưa số xã ngoại vi của thành phố này từ 4 xã hiện nay lên 9 xã.
Huyện Lạc Dương hiện nay có 5 xã và 1 thị trấn gồm thị trấn Lạc Dương, xã Lát, xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim, xã Đạ Chais và xã Đưng K’nớ. Còn TP Đà Lạt hiện có 12 phường gồm các phường đánh số từ 1 đến 12 và 4 xã gồm xã Tà Nung, xã Xuân Thọ, xã Xuân Trường và xã Trạm Hành.
Theo ngành chức năng tỉnh, việc sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt được căn cứ theo nhiều văn bản, trong đó có Quyết định số 1727 ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Quy định: “Dự kiến mở rộng không gian đô thị TP Đà Lạt (sắp xếp đơn vị hành chính huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt)”.
Cùng đó, căn cứ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 704 ngày 12/5/2014 (Đồ án Quy hoạch 704), phạm vi đồ án bao gồm toàn bộ phạm vi hành chính của TP Đà Lạt hiện hữu và toàn bộ phạm vi hành chính của huyện Lạc Dương (ngoài ra còn có huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương, một phần huyện Lâm Hà).
Do đó, Đồ án Quy hoạch 704 được coi là đủ cơ sở về quy hoạch xây dựng đô thị để triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC, nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt. Mặc dù Đồ án Quy hoạch 704 không xác định mở rộng nội thị đối với TP Đà Lạt hiện hữu, tuy nhiên đã xác định các đô thị vệ tinh trong đó có thị trấn Lạc Dương.
Về vị trí địa lý, thị trấn Lạc Dương hiện nay giáp Phường 7, Phường 8 của TP Đà Lạt; hệ thống giao thông kết nối với Đà Lạt rất thuận lợi thông qua 2 tuyến đường Cam Ly - Phước Thành và Đan Kia. Trong 2 năm đến, năm 2025, Lâm Đồng dự kiến đầu tư tuyến đường từ trung tâm thị trấn Lạc Dương đến Thung lũng Tình yêu trên địa bàn Phường 8, Đà Lạt theo quy hoạch; do đó có thể xác định thị trấn Lạc Dương là nội thị của TP Đà Lạt mở rộng.
Theo ngành chức năng, khu vực nội thị của TP Đà Lạt mở rộng sắp đến sẽ bao gồm 12 phường hiện hữu và thị trấn Lạc Dương. Trường hợp tốc độ đô thị hóa tăng tại các khu vực xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt hiện nay) và Đạ Sar (huyện Lạc Dương hiện nay), sẽ xem xét đánh giá mở rộng đô thị về hướng Đông TP Đà Lạt.
Theo Phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh, toàn bộ huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên là 1.313,94 km2 (đạt 154,58% so với tiêu chuẩn) cùng quy mô dân số trên 35.600 người (đạt 44,54% so với tiêu chuẩn) được sáp nhập vào ĐVHC TP Đà Lạt. Còn Đà Lạt hiện có diện tích tự nhiên 391,15 km2 (đạt 260,77% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số 258 ngàn người (đạt 172,01% so với tiêu chuẩn).
Sau khi sáp nhập, TP Đà Lạt mở rộng có diện tích tự nhiên 1.705,09 km2 (đạt 1.136,73% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số trên 293.650 người (đạt 195,77% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số 34.824 người (chiếm tỷ lệ 11,86%). Về các đơn vị hành chính trực thuộc, TP Đà Lạt mở rộng sẽ có 22 ĐVHC, trong đó có 12 phường, 1 thị trấn và 9 xã.
Tuy nhiên, ngay sau khi sáp nhập, thị trấn Lạc Dương sẽ được nâng lên thành phường với tên là phường Lang Biang, phường mới này sẽ có toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Lạc Dương hiện nay.
Cụ thể, phường Lang Biang mới có diện tích tự nhiên 69,36 km2 (đạt 1.261,09% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số trên 14,9 ngàn người (đạt 212,93% so với tiêu chuẩn); cộng đồng người dân tộc thiểu số có trên 6.380 người (chiếm tỷ lệ 42,81%). Nơi làm việc của phường Lang Biang mới vẫn ngay tại trụ sở của Đảng ủy, HĐND và UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể của thị trấn Lạc Dương hiện nay.
Với việc thành lập phường Lang Biang, TP Đà Lạt mở rộng sẽ có thêm 1 phường, nâng số phường trực thuộc của mình lên con số 13, cùng với 9 xã.
• BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI
Như ngành chức năng tỉnh đánh giá, có rất nhiều ưu điểm khi huyện Lạc Dương sáp nhập vào TP Đà Lạt hiện nay.
Trước nhất, TP Đà Lạt khi được mở rộng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc cải thiện năng lực hệ thống đường đô thị theo hướng hoàn thiện, khép kín hệ thống đường vành đai; tăng cường hệ thống trục chính đô thị khu vực cửa ngõ phía Bắc với hạ tầng giao thông quốc gia gồm cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, Quốc lộ 27C và đường Trường Sơn Đông, góp phần điều tiết, phân luồng giao thông, giảm tải áp lực giao thông trong khu vực nội đô Đà Lạt hiện nay; thuận lợi hơn trong tổ chức các đầu mối trung chuyển vận tải hành khách và hàng hóa; phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển dịch vụ vận tải phân phối hàng hóa, hậu cần của TP Đà Lạt.
Đà Lạt khi mở rộng sẽ mở rộng được không gian quỹ đất để phát triển, đáp ứng yêu cầu quy hoạch với mục tiêu xây dựng TP Đà Lạt trở thành một thành phố trọng điểm của Tây Nguyên; phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, mang đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kiến trúc; là đô thị trung tâm tiểu vùng Nam Tây Nguyên; tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Khi sáp nhập TP Đà Lạt mở rộng sẽ thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đến đầu tư tại Lạc Dương nhiều hơn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương tại Lạc Dương hiện nay; góp phần giảm nghèo hiệu quả, bền vững; từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong đó có cộng đồng dân tộc thiểu số.
Cùng đó theo đánh giá của tỉnh, việc sáp nhập huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt, sắp xếp ĐVHC cũng góp phần không nhỏ trong tinh gọn bộ máy, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động, qua đó sẽ giảm chi ngân sách hằng năm, tập trung được nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tạo điều kiện để cơ cấu lại và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ CBCCVC, người lao động phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm; lựa chọn được những người có đủ trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
(CÒN NỮA)