Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Cô hội "mở cửa" thế giới của tơ lụa Việt Nam

  • 12/08/2022
  • s 14:46

Từ ngày 15-20/7/2022, Đoàn công tác của Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đến vùng Como (Italia - Ý) gồm Công ty thời trang Vietmode (thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Vietnam Silk House và Công ty Tơ Lụa Nhật Minh (thành phố Bảo Lộc), mang theo các sản phẩm tơ lụa được sản xuất tại Bảo Lộc và mang về rất nhiều ý tưởng, kế hoạch, nhiệt huyết… cho những chuyến tương tác tiếp theo để mở rộng cánh cửa thế giới cho sản phẩm tơ lụa Việt Nam…

Các hoạt động kết nối tại Italia

Ông Huỳnh Tấn Phước - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vietnam Silk House, Giám đốc Công ty Tơ Lụa Nhật Minh (NhatMinh Silk), cho biết: Chúng tôi có lịch làm việc dày đặc tại tỉnh Como ở phía Bắc của Italia, với sự hỗ trợ và đồng hành của Đại sứ Việt Nam tại Italia là ông Dương Hải Hưng cùng các tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Italia. Tỉnh Como được biết đến là thủ phủ tơ lụa của nước Ý, với đặc trưng cực kỳ ấn tượng khác là hồ Como thơ mộng nằm dưới chân dãy núi Alpes, và những tòa lâu đài tuyệt mỹ, những ngôi làng nhỏ xinh xắn, xen lẫn đó là những ngôi biệt thự sang trọng…

Chúng tôi lần lượt gặp và làm việc với Chủ tịch vùng Como, Chủ tịch thành phố Como và Chủ tịch Phòng thương mại tỉnh Como... Tại các cuộc gặp gỡ, Đại sứ Dương Hải Hưng giới thiệu về lịch sử, văn hóa và thành tựu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây và mời gọi đầu tư vào Việt Nam. Hai bên đề xuất các kế hoạch hợp tác trong tương lai giữa Italia và Việt Nam về kinh tế, văn hoá; đặc biệt là đề xuất kết nghĩa giữa thành phố Bảo Lộc và thành phố Como, kết nối doanh nghiệp hai bên và định hướng hợp tác phát triển tơ lụa…

NTK Minh Hạnh (người được Chính phủ Italia trao tặng Huân chương Hiệp sĩ năm 2018 vì có những đóng góp đặc biệt trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Italia và Việt Nam) giới thiệu về lịch sử, tiềm năng tơ lụa của Bảo Lộc; giới thiệu về sự kiện tơ lụa tại Festival Hoa Đà Lạt vào cuối năm 2022 và gửi lời mời các đơn vị về Việt Nam tham dự sự kiện, cũng như khảo sát hoạt động tơ lụa tại Bảo Lộc; đồng thời, xác định địa điểm sự kiện biểu diễn tơ lụa Bảo Lộc cũng như các hoạt động liên kết khác vào tháng 5/2023 tại hồ Como…

Đoàn công tác đã đến tham quan Bảo tàng tơ lụa Como, là nơi chỉ dành riêng cho các cuộc triển lãm và hoạt động liên quan đến tơ lụa; cũng là nơi trưng bày các công cụ sản xuất tơ lụa, máy in trên lụa, tham quan các công đoạn sản xuất tơ lụa khác nhau… Tham quan Bảo tàng tơ lụa Como  chính là nghe câu chuyện kể về lụa tại vùng Como thông qua triển lãm máy móc, khung dệt, các sản phẩm lụa… Đó là câu chuyện về toàn bộ quá trình sản xuất lụa - từ con tằm đến sợi tơ, từ in tay cho tới các bộ sưu tập thời trang... 

Đoàn đến tham quan Trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp Scientific Technological Park (ComoNExT). ComoNExt nằm trong khuôn viên của một nhà máy dệt cổ xưa, là ý tưởng của Phòng Thương mại Como, với 3 mục tiêu cơ bản là thu hút các doanh nghiệp sáng tạo, chuyển giao sự đổi mới đến lãnh thổ và khuyến khích phát triển kinh doanh mới bằng cách ươm tạo các công ty khởi nghiệp. Cụ thể trong lĩnh vực thời trang, các nhà thiết kế trẻ sẽ được tiếp cận thị trường (một dạng startup) bằng cách được ưu đãi chi phí trưng bày và hỗ trợ nguồn khách hàng để tìm kiếm cơ hội...

Đoàn cũng đến thăm 2 công ty dệt có tiếng tăm và lâu đời tại Ý là Công ty in, dệt Ratti và Công ty In, dệt Tessitura Serica. Đây là hai công ty tạo ra các sản phẩm dệt thượng hạng, đang lưu giữ hàng ngàn mẫu in và dệt cho thế giới. Riêng vùng Como cung cấp 85% lượng vải lụa cho ngành thời trang Ý và 70% lượng vải lụa cho toàn châu Âu. Nhưng, nguồn nguyên liệu tơ để dệt vải lụa họ đang mua của Trung Quốc và đang tìm kiếm thị trường nguyên liệu mới. 

Cơ hội cho sợi tơ “made in Vietnam”

“Có một thực tế là, Bảo tàng tơ lụa Como lưu giữ nhiều máy móc, tài liệu, mẫu lụa và công cụ của quá trình dệt lụa, đánh dấu bề dày lịch sử của tơ lụa ở Como, định vị được Como là thủ phủ tơ lụa.... Giám đốc bảo tàng tơ lụa Como còn cung cấp một thông tin rất thú vị là từ thế kỷ thứ 2 người Việt đã giúp người Ý trong việc phát triển tơ lụa tại Ý… Tuy nhiên, họ lại thiếu những tư liệu về vườn dâu, nong tằm, nhà máy se tơ… vì họ mua tơ từ thị trường khác - trong khi chúng ta lại đang hiện hữu rất nhiều mô hình trồng dâu, nuôi tằm, se tơ… Chính Chủ tịch Phòng Thương mại Como nói: Nếu Como không có bảo tàng thì khó mà xác định Como là thủ phủ tơ lụa của Ý”…

Chung tay phát triển tơ lụa Việt

“Chúng tôi được thăm kho mẫu của các nhà máy, trong khi bình thường họ không cho phép người ngoài vào, vì vậy, có cơ hội tham khảo mẫu mã… Trong đó, Công ty dệt lụa Ratti có 650 ngàn mẫu được lưu trữ với tên tuổi của những thương hiệu thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới; Công ty dệt lụa Tessitura có tuổi đời hơn 100 năm và trải qua 4 thế hệ trong một gia đình có truyền thống tơ lụa, đang lưu trữ khoảng 450 nghìn mẫu... Người Ý đang mong muốn tìm được nhà cung cấp… nên chúng ta có thể có cơ hội nối lại con đường xuất khẩu tơ lụa trước đây người Nhật đã làm…”.

Khi lên đường sang Ý, Đoàn công tác đã mang theo 20 mẫu lụa của Bảo Lộc gởi lại các hãng sản xuất tại Como tham khảo… Dự kiến, trong tháng 9 sẽ có một đoàn công tác sang Ý tiếp tục xúc tiến hợp tác giao thương tơ lụa. Mùa xuân 2023 tại Ý, trong những sự kiện đánh dấu 50 năm quan hệ Việt - Ý, Vietnam Silk House sẽ chủ trì một cuộc triển lãm về quy trình sản xuất tơ lụa Việt Nam… và Vietmode sẽ có một chương trình biểu diễn thời trang trên hồ Como… Từ đây, tơ lụa Việt Nam sẽ chính thức bước chân đến thủ phủ tơ lụa Como và viết tên trên bản đồ tơ lụa thế giới!.

http://baolamdong.vn/