Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực miền Trung Tây Nguyên tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định xuất khẩu

  • 16/09/2022
  • s 09:13

Trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022, ngày 25/8/2022, tại thành phố Đà Lạt, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến hướng dẫn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản khu vực miền Trung – Tây Nguyên tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài, trong đó, có hai đầu cầu trực tuyến của hai điểm cầu từ văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại thành phố New York (Hoa Kỳ) và thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của 60 đại biểu và trên 90 đại biểu tham gia trực tuyến.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao sự cần thiết của  Hội nghị, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng kịp thời nắm bắt thông tin mới nhất liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu vào các nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển và Trung Quốc nói riêng, là những quốc gia có các quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu; đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay Việt Nam đã và đang mở rộng hội nhập với thế giới.

Thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện ký kết nhiều Hiệp định thương mại với các nước trên thế giới, qua đó đã tạo cơ hội cho sản phẩm của Việt Nam nói chung, sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên để các sản phẩm nông sản tiếp cận các thị trường khó tính đòi hỏi các doanh nghiệp cần nắm vững những quy định về điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của các nước; qua đó, có chính sách phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị này phần nào sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có được các thông tin quan trọng.

Tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh trong hoạt động sản xuất nói chung, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng nói riêng; đặc biệt là sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; thông tin về sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao, cũng như các nhãn hiệu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền. Điển hình là nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho 04 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông.

Trong thời gian 01 ngày, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được các diễn giả giới thiệu 05 chuyên đề liên quan đến các thông tin về một số quy định tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng nông sản; nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; kinh nghiệp triển khai xây dựng và quản lý giám sát chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ theo quy định của nước nhập khẩu; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Trung Quốc; tình hình nguồn cung rau quả tươi và vấn đề xúc tiến xuất khẩu rau quả, những chuẩn mực về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu và các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT, SPS). Theo đó, Hoa Kỳ có dân số đứng thứ 3 thế giới, với tổng số trên 333 triệu người và hàng năm có nhu cầu tiêu thụ tới 12 triệu tấn trái cây, trong đó nhu cầu nhập khẩu tương đương 30%; đây sẽ là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng hướng tới phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là các sản phẩm trái cây nhiệt đới như: Thanh Long, sầu riêng, chanh leo, dứa, hạt macadamia, chuối, ... theo số liệu được ông Đặng Phúc Nguyên Tổng thư ký hiệp hội rau quả Việt Nam cung cấp; hiện nay Mỹ đã cấp phép cho Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 6 loại trái cây tươi gồm: Thanh Long, Chôm chôm, Nhãn, Vải thiều, Vú sữa và Soài, ngoài ra còn có các loại trái cây khác như: Dừa gọt vỏ, Sầu riêng đông lạnh hoặc các sản phẩm chế biến sấy khô, đóng hộp. Đối với thị trường Trung Quốc, theo các chuyên gia hiện nay Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỉ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 56 tỉ USD; với dân số trên 1,42 tỷ người và hàng triệu khách du lịch; hàng năm Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản phục vụ tiêu dùng rất lớn; các mặt hàng mà thị trường có nhu cầu nhập khẩu như gạo, cà phê, hạt điều, trái cây và sản phẩm trái cây, ....

Ngoài ra, hội nghị có sự trao đổi tương tác giữa các diễn giả và các doanh nhân về những khó khăn trong hoạt động kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa nông sản, nhất là các chi phí liên quan đến thời gian, chi phí logistics.

ĐINH CỬ