Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Độc đáo vườn dâu tây trên không

  • 16/09/2022
  • s 09:55

Du lịch canh nông từ lâu được xem là thế mạnh của Đà Lạt, Lâm Đồng. Ngoài khí hậu mát mẻ quanh năm, những danh thắng tuyệt đẹp, các công trình kiến trúc độc đáo và rất nhiều thiên tình sử làm xốn xang lòng người, nơi đây còn có những điểm du lịch canh nông không thể bỏ qua. Vườn dâu tây Tùng Nguyên ở Đà Lạt là điểm dừng chân thú vị mà ở đó, bạn sẽ có được sự  trải nghiệm rất ấn tượng về loại trái cây làm nên thương hiệu của thành phố ngàn hoa.

Đà Lạt ngày đầu thu, những cơn mưa rừng cứ đến rồi đi bất chợt, thời tiết đỏng đảnh sáng nắng, chiều mưa của phố núi đã làm cho du khách có lúc phải “bối rối”. Vậy nhưng ở những tuyến du lịch canh nông của thành phố đặc biệt là các nhà vườn trồng rau, hoa, dâu tây vẫn tấp nập du khách đến tham quan. Dừng chân tại vườn dâu Tùng Nguyên của gia đình anh, chị Nguyễn Thị Thu Nhàn và Nguyễn Thanh Trúc tại Tổ Tây Hồ 1, Phường 11 đã khiến tôi cảm nhận rõ nhất về điều này.

Đà Lạt ngày cuối tuần, trước khi cơn mưa chiều kéo đến thì buổi sáng trời thường trong xanh và rất đẹp. Các nhà vườn trồng rau, hoa xung quanh khu vực đường Hồ Xuân Hương, Phường 9, Khu du lịch hồ Than Thở từ sáng đã rất đông du khách dừng chân tham quan. Ở vườn dâu Tùng Nguyên cách những địa điểm này không xa cũng như thế. Với hình thức tham quan miễn phí, mua dâu theo sở thích, mùa cao điểm, một ngày vườn dâu này đón hàng chục lượt du khách đến trải nghiệm. Trao đổi với chúng tôi, chủ vườn dâu Tùng Nguyên - chị Nguyễn Thị Thu Nhàn phấn khởi: trước đây gia đình trồng hoa cúc nhưng sau khi nghiên cứu về khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt là tự tìm tòi các giống cây trồng, năm 2013, gia đình quyết định chuyển sang trồng dâu tây giống NewZeland. So với trồng hoa cúc thì trồng dâu tây chi phí nhiều hơn nhưng được cái mình chủ động về thị trường, giá cả và đặc biệt là vui hơn khi hằng ngày được tiếp xúc với nhiều du khách từ các tỉnh, thành đến tham quan”. Vừa trao đổi vừa kiểm dâu tây để kịp giao cho khách hàng, chị Nhàn cho biết thêm: Gia đình chị có 3 vườn dâu với diện tích 1 ha ở 3 địa điểm khác nhau là: vườn nhỏ nhất thuộc Tổ Tây Hồ 1, Phường 11, một vườn ở đường Hùng Vương, Phường 9 và vườn còn lại ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, kinh phí đầu tư cho 3 vườn dâu là 13 tỷ đồng. Để quản lý và điều hành, chăm sóc 3 vườn dâu này, gia đình chị Nhàn có sự phân chia công việc cụ thể: bản thân chị Nhàn đảm nhiệm công việc kiểm tra dâu trước khi đóng hộp, bán hàng và lên đơn cho từng đối tác. Anh Trúc - chồng chị Nhàn kiểm tra kỹ thuật bón phân, tưới nước, thiết kế nhà vườn, máng trồng dâu và hệ thống tưới nhỏ giọt. Đến với vườn dâu Tùng Nguyên, du khách sẽ được tham quan miễn phí, tìm hiểu về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái dâu và đặc biệt là tha hồ lựa chọn những góc hình “sống ảo” với những luống dâu bán thủy canh đẹp lung linh. Bận rộn với những đoàn khách tham quan nhưng chúng tôi cũng được anh Trúc giới thiệu về kiến thức trồng dâu bán thủy canh tại vườn nhà mình với những điều khá lạ lẫm, những kỹ thuật lần đầu được chứng kiến. Anh Trúc giải thích rằng, so với trồng dâu tây dưới đất, gia đình anh chọn hình thức trồng bán thủy canh với hỗn hợp xơ dừa và hệ thống tưới nước nhỏ dọt. Khác với trồng dâu trên mặt đất, những luống dâu của gia đình anh Trúc được treo lơ lửng trên không gian. Điều này làm cho dâu tránh được côn trùng gây hại, thuận lợi cho việc chăm sóc. Bên cạnh đó, việc đón nhận du khách tham quan trải nghiệm hằng ngày thì mô hình này cũng tạo được tính thẫm mỹ và có sức thu hút hơn so với cách trồng truyền thống. Anh Trúc nói thêm, hiện nay, trên diện tích 1 ha, gia đình anh trồng tầm khoảng 500 luống dâu bán thủy canh với số lượng khoảng 150 ngàn cây trên một lứa. Trong thời gian 1,5 năm thì thay cây giống một lần. Dâu tây từ lúc trồng cho đến tầm 3 tháng là ra trái bói, 6 đến 7 tháng là ra trái nhiều và đạt năng suất cao. Điều khá thú vị là tại vườn dâu của gia đình anh Trúc, chị Nhàn, dưới những luống dâu lơ lửng trên không trung thì ở mặt đất, gia đình anh, chị trồng thêm nhiều cây rau má. Loại cây này không chỉ có tác dụng tạo thêm mãng xanh cho khu vườn, làm đẹp cảnh quan mà nó còn có tác dụng lọc không khí rất tốt.

Nếu như nhiều nhà vườn ở Đà Lạt chọn giống dâu tây của Nhật, Pháp, Mỹ thì vườn dâu Tùng Nguyên lại chọn giống dâu NewZeland để trồng. Theo chị Nhàn, giống dâu này có nhiều ưu điểm là dòn, ngọt, thời gian bảo quản được 3 đến 4 ngày. Hiện nay, với giá bán từ 250 ngàn đến 350 ngàn đồng/1 kg dâu tùy loại, mỗi tháng vườn dâu Tùng Nguyên xuất ra thị trường trung bình khoảng gần 2 tấn dâu. Ngoài những đơn hàng bán lẻ cho du khách, sản phẩm dâu tây NewZeland của gia đình chị Nhàn, anh Trúc đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, Tp Hồ Chí Minh, Nha Trang Đà Nẵng, Phan Rang, Kiên Giang… Đặc biệt, với mô hình trồng dâu bán thủy canh, ngoài nguồn lợi nhuận thu về hàng năm là 2.5 tỷ đồng, vườn dâu Tùng Nguyên còn giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 240 ngàn đến 300 ngàn đồng/ ngày.

Chia tay vườn dâu Tùng Nguyên của gia đình anh Trúc, chị Nhàn khi nắng chiều dần nhạt. Giữa những bộn bề lo toan của công việc hàng ngày, du khách vẫn đến với Đà Lạt, đến với du lịch canh nông, đến với vườn dâu bằng sự nhiệt tình và háo hức khó tả. Hành trang mang về trong nỗi nhớ của lữ khách sẽ là những tình cảm, những cung bậc khác nhau nhưng có lẽ rằng, trong chuyến du lịch phố núi, được tham quan trải nghiệm vườn dâu vẫn là lựa chọn đầy hấp lực, là hành trình không thể nào quên trong miền ký ức khi đến với thành phố hoa.

.Gia Hân