Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Di tích khảo cổ Cát Tiên tiềm năng du lịch hấp dẫn

  • 18/01/2022
  • s 13:56

Di tích khảo cổ Cát Tiên (phát hiện năm 1985) được biết đến là một thánh địa Balamon giáo, nơi lưu giữ những bằng chứng của một nền văn hóa đặc sắc cách nay hơn 1000 năm. Đây là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rộng lớn, trải dài khoảng 15km từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Diện tích trung tâm Di tích khoảng 30 ha tại thôn 1 – xã Quảng Ngãi, nơi tập trung dày đặc các phế tích kiến trúc của bồn địa.

Di tích khảo cổ Cát Tiên nằm ở khoảng giữa tuyến đường Tỉnh lộ 721 nối quốc lộ 20 (ngã ba Mandagui, huyện Đà Huoai, tỉnh Lâm Đồng) với Quốc lộ 14 (ngã ba Sao Vọng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Trung tâm Di tích nằm ở trên tả ngạn sông Đồng Nai (thôn 1, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên), sát với vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên, cách Đà Lạt khoảng 190 km (về phía Bắc) và Tp Hồ Chí Minh khoảng 180 km (về phía Nam). Đây là vị trí khá đắc địa trên bản đồ du lịch, thuận lợi tổ chức các tour du lịch từ Tp Hồ Chí Minh, Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên đến tham quan.

Giá trị lịch sử - văn hóa

Di tích khảo cổ Cát Tiên là một phát hiện lớn của ngành khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy văn hóa Cát Tiên có quá trình phát triển từ khoảng thế kỷ VII – XI sau Công nguyên.

Đây là thánh địa ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ giáo. Đặc biệt quá trình phát triển của văn hóa Cát Tiên có mối quan hệ gần gũi với văn hóa Champa ở Nam Trung Bộ và Văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo của đồng bằng Nam Bộ. Những yếu tố có mối quan hệ gần gũi với văn hóa Champa như: “Về địa hình, không gian xây dựng cũng như ở Di tích Cát Tiên, các công trình kiến trúc tôn giáo Champa cũng được xây dựng theo các dòng sông”. Quần thể kiến trúc quan trọng nhất của Champa cũng chọn một thung lũng (bồn địa) khép kín (lòng chảo Mỹ Sơn – Quảng Nam) làm nơi xây dựng trung tâm tôn giáo của dân tộc mình, đây chính là không gian thiêng theo quan niệm tôn giáo Ấn Độ. Khu thánh địa Cát Tiên cũng được xây dựng thỏa mãn giáo lý tôn giáo đó. Trong tổng thể hệ thống kiến trúc ở Di tích khảo cổ Cát Tiên có đầy đủ các loại hình văn hóa Champa như: đền thờ, tháp thờ, nhà đài, tháp cổng. Cửa ra vào các kiến trúc đền tháp cũng tuân thủ theo nguyên tắc với các kiến trúc tháp Champa, thường quay về phía Đông (hướng của thần linh) – nơi nhận sớm nhất ánh nắng mặt trời. Kỹ thuật xây dựng kiến trúc đền tháp Champa và Cát Tiên có nét tương đồng, đó là xây dựng liền khít – liên kết bằng nhựa thực vật tạo nên các khối kiến trúc có thể điêu khắc, trang trí trên gạch. Tại Thánh địa Cát Tiên và thánh địa Mỹ Sơn cũng xuất hiện các cột tiện tròn hoàn chỉnh, trang trí mỹ thuật đẹp (kiến trúc IIA – Cát Tiên và tháp Mỹ Sơn E1 có niên đại thế kỷ VIII), thể hiện tính tương đồng về loại hình, kích thước và hoa văn trang trí.

Khi so sánh, 3 kiến trúc hiện còn là tháp Bình Thạnh, Chót Mạt (Tây Ninh), Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) với các kiên trúc tại Cát Tiên, dễ dàng nhận thấy nét tương đồng, gần gũi với văn hóa Óc Eo, đó là sử dụng gạch có kích thước, màu sắc, độ nung tương tự nhau; kỹ thuật xây dựng tạo khối kết dính, tường kiến trúc mỏng nên độ bền thấp, dễ sụp đổ. Sự tương đồng còn thể hiện rõ giữa Di tích Cát Tiên và các Di tích văn hóa Óc Eo qua những lá vàng tìm được trong lòng kiến trúc về đề tài trang trí là các vị thần, vật linh; về bút pháp thể hiện bằng hình thức khắc miết. Ngoài ra còn nhận thấy sự tương đồng giữa các loại đồ gốm tìm được tại Di tích Cát Tiên và các Di tích văn hóa Óc Eo.

Tiềm năng du lịch hấp dẫn

Với những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, Di tích khảo cổ Cát Tiên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích cấp quốc gia năm 1997; được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Di tích khảo cổ Cát Tiên còn được mệnh danh là Thánh địa Cát Tiên, với hiện trường  di tích rộng lớn, số lượng hiện vật phong phú, có giá trị đặc biệt như các lá vàng dập nổi hình các vị thần, vật linh Balamon giáo và sưu tập Linga – Yoni bằng vàng, đồng, đá, đá quý... Trong đó bộ ngẫu tượng Linga – Yoni khổng lồ (Linga cao 2,1 m, Yoni có cạnh dài 2,3 m) được nhận định lớn nhất Đông Nam Á (so sánh với các di tích cùng tính chất).

Hiện nay nhà trưng bày hiện vật Di tích Cát Tiên đã hoạt động. Hệ thống đường dẫn tham quan cũng được xây dựng tạo thuận lợi cho khách tham quan hiện trường Di tích. Các loại bảng biểu hướng dẫn bằng song ngữ Việt – Anh, hệ thống đèn đường nội bộ, nhà vệ sinh, ghế nghỉ cho du khách cũng được Viện Bảo tồn Văn hóa đầu tư một cách khoa học, tạo cảnh quan hấp dẫn cho khu di tích.

Từ năm 2011 đến nay, Di tích khảo cổ Cát Tiên đã đón tiếp hàng ngàn người tới tham quan, trong đó có nhiều đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước. Di tích cũng đã kết nối tour du lịch từ Vườn quốc gia Cát Tiên xuyên rừng đến Khu di tích.

Với những giá trị lịch sử - văn hóa phong phú và tiềm năng du lịch hấp dẫn ... hy vọng trong tương lai không xa, Di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ trở thành một khu du lịch văn hóa – tâm linh – sinh thái tiêu biểu, là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

TIPC Lâm Đồng