Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Giá thu mua cà-phê tại nhiều địa phương trong nước đã vượt mốc 60.000 đồng/kg

  • 24/11/2023
  • s 14:28

Lượng cà-phê chờ phân loại tăng lên trên Sở giao dịch hàng hóa ICE-US phần nào tạo áp lực lên giá Arabica. Ngược lại, thị trường xuất hiện thông tin mưa làm chậm quá trình thu hoạch cà-phê tại nước ta, từ đó thúc đẩy lực mua đối với Robusta.

Với 2.865 bao Arabica loại 60kg mới được bổ sung từ Honduras, Burundi và Tanzania trong phiên 15/11, đã đưa tổng số cà-phê đang chờ phân loại lên mức 7.265 bao. Điều này giúp tăng thêm cơ sở để dữ liệu tồn kho có thể cải thiện sau đà giảm sâu xuống mức thấp nhất trong hơn 24 năm.

Đồng thời, theo cập nhật mới nhất từ ICE, báo cáo đóng cửa phiên 16/11 cho thấy đã có thêm 285 bao bổ sung từ Kenya, đưa tổng số bao chờ phân loại hiện tại lên 7.550 bao.

Trong khi đó, Reuters Việt Nam cho biết, mưa tại vành đai cà-phê của Việt Nam đang khiến quá trình thu hoạch của nông dân bị chậm lại. Lo ngại về khả năng bảo đảm đủ nguồn cung trên thị trường cũng tăng lên, từ đó hỗ trợ giá Robusta.

Sáng nay 17/11, trên thị trường nội địa, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục được điều chỉnh tăng khoảng 200 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua cà-phê tại nhiều địa phương trong nước đã vượt mốc 60.000 đồng/kg, cao hơn 65% so với cuối năm ngoái.

Giá xuất khẩu cà-phê hiện tại cao nhất trong vòng 30 năm qua, bình quân đạt 2.682 USD/tấn trong tháng 9/2023, tăng 17% so cùng kỳ năm trước. Tại thị trường trong nước, giá cà-phê cũng lập mốc cao kỷ lục, có thời điểm lên đến 70.000 đồng/kg.

Đóng cửa ngày 16/11, giá đường 11 đã có ngày giao dịch đầy biến động, đóng cửa giá tăng không đáng kể 0,15% so với mức tham chiếu. Áp lực từ giá dầu thô đi xuống, kết hợp với lo ngại về nguồn cung khi El Nino vẫn tiếp diễn đưa đến tác động trái chiều với giá đường.

Một mặt, giá dầu thô sụt gần 5% giúp thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết xuất ethanol. Điều này tạo điều kiện để nguồn cung đường tại Brazil tăng lên và gây sức ép đến giá.

Mặt khác, Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ dự báo El Nino sẽ kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Điều này có thể khiến mùa vụ mía đường tại Ấn Độ và Thái Lan tiếp tục bị ảnh hưởng xấu và kéo theo sản lượng đường ở mức thấp, đồng thời thúc đẩy lực mua đường.

TTTTCN&TM