Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Sản xuất rau, củ, quả nói không với thuốc trừ sâu

  • 09/04/2024
  • s 10:50

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nhiều trang trại, nông dân trong tỉnh đã thay đổi thói quen canh tác; trong đó, nhiều nông dân đã và đang nói không với việc dùng thuốc trừ sâu bằng việc khai thác thiên địch để phòng, chống sâu hại hiệu quả.

Ngày càng có nhiều nông dân tại Đơn Dương lựa chọn sử dụng thiên địch trong canh tác nông nghiệp và nói không với việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Ngày càng có nhiều nông dân tại Đơn Dương lựa chọn sử dụng thiên địch trong canh tác nông nghiệp và nói không với việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn được xem là yếu tố hàng đầu trong việc kiểm soát và phòng ngừa sâu bệnh hiện nay. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng phương pháp không những không đem lại hiệu quả phòng trừ mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động, người sử dụng nông sản và môi trường sống.

Vài năm trở lại đây, tại huyện Đơn Dương - vựa rau trọng điểm của tỉnh, điều đáng mừng là ngày càng có nhiều nông dân, chủ trang trại và công ty đã mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu.

Ghi nhận tại Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Cao Nguyên, đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện Đơn Dương. Hiện công ty đang có 6 ha nhà kính, canh tác các loại rau, quả theo hình thức công nghệ cao; trong đó có 3 ha chuyên canh các loại ớt chuông, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân - phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Cao Nguyên chia sẻ, từ 3 năm nay, đơn vị đã sử dụng các sản phẩm thiên địch trong phòng trừ sâu bệnh gây hại và đạt hiệu quả rất cao. Điều này giúp công ty không những tiết kiệm rất lớn nguồn chi phí mua các loại thuốc bảo vệ thực vật mà còn giảm chi phí cho nguồn nhân công thực hiện việc phun thuốc. Đặc biệt, chất lượng môi trường làm việc cho công nhân của đơn vị được cải thiện đáng kể; đồng thời, chất lượng sản phẩm không ngừng tăng lên.

Theo chị Vân, trước đây, riêng với cây ớt chuông, mỗi khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ các loại sâu gây hại, đơn vị phải tiến hành cách ly từ 10 - 15 ngày theo khuyến cáo trên bao bì mới tiến hành thu hoạch đợt tiếp theo. Điều này khiến doanh nghiệp nhiều lúc không chủ động nguồn hàng; nhiều diện tích ớt chín đồng loạt dẫn đến sản phẩm bị dồn ứ do thực hiện cách ly. Còn giờ đây, với phương pháp canh tác mới, lượng rau, củ, quả do công ty sản xuất được thu hoạch đều đặn, rất thuận lợi để thực hiện việc điều tiết nguồn hàng cung ứng cho khách hàng.

Hiện tại, với việc ứng dụng các chế phẩm sinh học Bio Pro do Công ty Dalat Hasfarm chuyển giao, các diện tích canh tác của công ty đang nuôi 11 loại thiên địch đó là nhện, bọ xít, bọ rùa thiên địch, ong ký sinh, kiến, chuồn chuồn, muồm muỗm, bọ đuôi kìm, bọ ngựa, bọ cánh cứng ba khoan, thiên địch kiến ba khoan. Các loại thiên địch này sẽ có chức năng tìm và tiêu diệt các loại sâu, ấu trùng gây hại trên rau, quả một cách tự nhiên mà không cần tới tác động của con người - chị Vân cho hay.

Tương tự, anh Trương Công Trọng, 51 tuổi - một nông dân tại thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn cũng cho hay, hiện gia đình anh đang canh tác 1,5 sào ớt chuông trong nhà kính theo phương pháp sử dụng các loại thiên địch, tuyệt đối không dùng bất kỳ loại thuốc trừ sâu nào. Anh Trọng cho biết, thiên địch sau khi thả từ 5 - 7 ngày sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Thời điểm này, các loại thiên địch sẽ tiến hành bắt mồi.

Việc sử dụng thiên địch trong sản xuất nông nghiệp giúp vườn ớt của anh kiểm soát tốt bọ trĩ, bọ phấn, nhện; đồng thời, không còn phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu như trước đây. Theo anh Trọng, lợi ích lớn nhất mà phương pháp này mang lại đó là việc cải thiện môi trường làm việc trong vườn, do đó sức khỏe lâu dài của người nông dân được đảm bảo hơn.

Theo anh Trọng, trong quá trình sản xuất, nhiều nông dân còn có thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cho vườn rau, quả khi có sâu bệnh. Việc sử dụng thuốc này không phải ai cũng làm đúng cách, vì vậy không diệt trừ được sâu bệnh mà còn để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả tác động tiêu cực đến sức khỏe người dùng cũng như môi trường và côn trùng tự nhiên có lợi cho cây trồng. Anh Trọng cho rằng, hướng tới sản xuất rau an toàn bền vững, bà con nông dân nên áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, đặc biệt cần đề cao biện pháp sử dụng thiên địch, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu như trước đây.

Chị Nguyễn Thị Liên - Trưởng bộ phận Bio Pro by Dalat Hasfarm chia sẻ, vai trò của thiên địch trong canh tác nông nghiệp hiện nay rất quan trọng, là biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rất hiệu quả. Nói cách khác, đây là giải pháp lợi dụng thiên địch để tiêu diệt sâu hại trên đồng ruộng. Vì vậy, thiên địch của sâu hại rau, quả như ong ký sinh trứng, kiến, nhện… ăn sâu, nấm hại rau cần được bảo vệ bằng cách không nên sử dụng thuốc hóa học.

Bên cạnh đó, để sử dụng thiên địch có hiệu quả, người nông dân cũng cần phải xác định được côn trùng gây hại, nghiên cứu và hiểu thật kỹ đặc tính sinh học, thói quen gây hại của chúng… Đó là những thông tin quan trọng trong quản lý côn trùng gây hại và dùng thiên địch, góp phần giảm thiệt hại cho nông dân.

HOÀNG SA