Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TOÀN CẦU – LỢI THẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÂM ĐỒNG CẦN KHAI THÁC HỢP LÝ, HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG TRONG TƯƠNG LAI

  • 26/04/2024
  • s 10:02

      Biến đổi khí hậu sẽ gây những tác động mang tính toàn cầu

      Biến đổi khí hậu là những biến đổi trong môi trường vật lý hoặc sinh học gây ra những ảnh hưởng có hại đáng kể đến thành phần, khả năng phục hồi hoặc sinh sản của các hệ sinh thái tự nhiên và được quản lý hoặc đến hoạt động của các hệ thống kinh tế – xã hội hoặc đến sức khỏe và phúc lợi của con người. Hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng như đời sống của con người trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Những hậu quả của biến đổi khí hậu có thể kể đến như: thời tiết ngày càng nóng lên, băng tan, mưa bão thất thường…; do đó vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ ở cấp quốc gia mà còn mang tính toàn cầu luôn được quan tâm hiện tại trong tương lai xa. Những tác động biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ gây ra những tác động lớn, tập trung các hiện tượng cơ bản sau đây:

      Mực nước biển dâng cao nhanh hơn so với 100 năm trước: Nước biển dâng cao là do nhiệt độ trên trái đất ngày càng tăng. Nhiệt độ tăng khiến các tảng băng tan nhanh hơn, làm mực nước biển và đại dương trên toàn thế giới tăng theo. Nằm ở giữa Australia và quần đảo Hawaii (Mỹ) trên Thái Bình Dương, phần lớn lãnh thổ Tuvalu (gồm 9 đảo san hô vòng) cách mực nước biển chưa tới 0,9 m. Nơi cao nhất của nước này chỉ cách mực nước biển 4,5 m. Vì thế mà Tuvalu đang đối mặt với nguy cơ bị nước biển nhấn chìm dần do tình trạng ấm lên toàn cầu trong cuối thế kỷ XXI;

      Băng tan nhanh ở Bắc cực: Chúng ta dễ dàng nhận thấy diện tích của các dòng sông băng trên toàn thế giới đang dần bị thu hẹp lại. Vùng lãnh nguyên (vùng đất cao nơi cây cối không thể sinh trưởng và phát triển) từng bị lớp băng vĩnh cửu bao phủ, nay dưới tác động của nhiệt độ cao, lớp băng đã tan chảy và sự sống của các loài thực vật trên vùng đất này cũng đã xuất hiện.

      Những tảng băng trơ trọi trên đỉnh Kimanjaro tại Tanzania. 80% diện tích băng trên đỉnh Kilimanjaro đã biến mất trong 50 năm qua. Ông Batilda Buran, Bộ trưởng Môi trường Tanzania, phát biểu: "Tác động của biến đổi khí hậu đối với Tanzania đang diễn ra với tốc độ khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử".

       Hiện tượng nắng nóng xảy ra rất khốc liệt: Trong 50 năm trở lại đây, tần suất xảy ra các đợt nắng nóng đã tăng từ 2 - 4 lần. Nhiều khả năng trong 40 năm tới, số lượng các đợt nắng nóng sẽ tăng 100 lần. Theo các chuyên gia, nắng nóng sẽ làm tăng số vụ cháy rừng, các loại bệnh dịch, và mức nhiệt độ trung bình trên hành tinh trong tương lai cũng sẽ tăng theo.

       Hin tượng bão và lũ lụt xảy ra với chu kỳ dày hơn: Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 30 năm gần đây, những cơn bão mạnh cấp 4 và cấp 5 đã tăng lên gấp đôi. Những vùng nước ấm đã làm tăng sức mạnh cho các cơn bão. Chính mức nhiệt cao trên đại dương và trong khí quyển, đẩy tốc độ cơn bão đạt mức kinh hoàng.

      Tình trạng hạn hán xảy ra phạm vi rộng hơn: Khi một số nơi trên thế giới đang phải hứng chịu cảnh ngập lụt do mực nước biển dâng và bão lũ, thì ở nhiều nơi khác, hạn hán lại đang hoành hành. Các chuyên gia ước tính tình trạng hạn hán sẽ tăng ít nhất 66% do khí hậu ngày càng ấm hơn. Hạn hán xảy ra thường xuyên sẽ thu hẹp nguồn cung cấp nước, làm giảm chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, khiến nguồn cung ứng lương thực toàn cầu trở nên bấp bênh, vượt xa tầm dự báo.

        Hiện nay Ấn Độ, Pakistan và vùng cận Sahara thuộc châu Phi đang phải hứng chịu các đợt hạn hán nghiêm trọng. Giới khoa học dự báo lượng mưa tại các khu vực trên sẽ tiếp tục giảm trong những thập kỷ tới. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu tại châu Phi cho rằng, tới năm 2030, sẽ có 80 – 250 triệu dân châu Phi không có nước sử dụng, và sản lượng nông nghiệp của châu lục này cũng sẽ giảm 50%.

      Tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng cả người và sản xuất nông nghiệp: Nhiệt độ ngày càng tăng kết hợp với lũ lụt và hạn hán đang trở thành mối đe dọa với sức khỏe dân số toàn cầu. Bởi đây là môi trường sống lý tưởng cho các loài muỗi, những loài ký sinh, chuột và nhiều sinh vật mang bệnh khác phát triển mạnh gây hại trên người; đồng thời các đối tượng sâu bệnh hại mới cũng xuất hiện gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp toàn cầu.

      Thiệt hại kinh tế không chỉ tầm quốc gia mà còn mang tính toàn cầu: Bão lụt cùng với những tổn thất trong ngành nông nghiệp đã gây thiệt hại hàng tỷ USD. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần một lượng tiền lớn để xử lý và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Năm 2005, cơn bão lịch sử đã đổ bộ vào Louisiana, khiến mức thu nhập của người dân nơi đây giảm 15% trong những tháng sau cơn bão, và thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 135 tỷ USD.

      Trong khi người dân phải đối phó với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, thì các Chính phủ cũng đang phải chịu sụt giảm doanh thu từ ngành du lịch, giảm lợi nhuận công nghiệp. Ngược lại, nhu cầu năng lượng, lương thực, nước sạch, chi phí cho hoạt động dọn dẹp sau thảm họa lại luôn tăng cao, kèm theo những bất ổn vùng biên giới. Theo dự đoán của Viện nghiên cứu Môi trường và phát triển toàn cầu tại Đại học Tufts, Mỹ, chi phí cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tới năm 2100 sẽ phải cần khoảng 20 ngàn tỷ USD.

      Suy giảm đa dạng sinh học: Nhiệt độ gia tăng đã đẩy nhiều loài sinh vật tới bờ vực suy giảm số lượng hoặc tuyệt chủng. Nếu mức nhiệt độ trung bình tăng từ 1,1ºC – 6,4ºC, 30% loài động thực vật hiện nay sẽ có nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050. Nguyên nhân dẫn tới sự tuyệt chủng là do môi trường sống của các loài động thực vật ngày càng bị thu hẹp, hiện tượng sa mạc hóa, phá rừng và nước trên các đại dương ngày càng ấm hơn, trong khi đó, nhiều loài không thể thích ứng kịp thời với những biến đổi trên. Con người cũng không thể thoát khỏi những tác động của biến đổi khí hậu. Sa mạc hóa và mực nước biển tăng đe dọa trực tiếp môi trường sống của con người. Khi thực vật và động vật giảm dần số lượng, nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và cả thu nhập của con người cũng sẽ giảm theo.

      Làm hủy diệt hệ sinh thái: Những thay đổi trong điều kiện khí hậu và lượng khí carbon dioxide tăng nhanh chóng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái, nguồn cung cấp nước ngọt, không khí, nhiên liệu, năng lượng sạch, thực phẩm và sức khỏe.

        Dưới tác động của nhiệt độ, không khí và băng tan, số lượng các rạn san hô ngày càng có xu hướng giảm. Điều đó cho thấy, cả hệ sinh thái trên cạn và dưới nước đều đang phải hứng chịu những tác động từ lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, cũng như hiện tượng axit hóa đại dương, tất cả những hiện tượng biến đổi khí hậu sẽ làm suy giảm và hủy diệt hệ sinh thái toàn cầu.

      Việt Nam có nền nhiệt độ cao vào mùa hè, đặc biệt có khí hậu nắng nóng cao nhất vào tháng 7- 8 hàng năm

      Qua nghiên cứu điều kiện khí hậu thời tiết và theo dõi các bản tin thời tiết của toàn quốc nhiều năm vào những ngày đầu tuần tháng từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm cho thấy: khu vực phía Tây Bắc bộ có nền nhiệt độ thấp nhất 23-260C, có nơi dưới 220C. Nhiệt độ cao nhất 30-330C, có nơi trên 330C. Các tỉnh phía Đông Bắc bộ có nền nhiệt độ thấp nhất 24-270C, nhiệt độ cao nhất 30-330C.

     Khu vực Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nền nhiệt độ thấp nhất 27-300C, nhiệt độ cao nhất 35-380C, có nơi trên 380C. Thậm chí có những ngày thời tiết nắng nóng khu vực miền trung nhiệt độ n đến 400C rất ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

     Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có nền nhiệt độ thấp nhất 26-290C. Nhiệt độ cao nhất 35-380C, riêng phía Bắc có nơi trên 380C.

         Khu vực Tây Nguyên nền nhiệt độ thấp nhất 20-230C. Nhiệt độ cao nhất 29-320C.

      Các tỉnh Nam bộ có nền nhiệt độ thấp nhất 24-270C. Nhiệt độ cao nhất 31-340C, có nơi trên 340C.

      Cùng thời điểm đó trong những năm 2021 - 2023 nhiều khu vực ở Châu Âu Châu Mỹ nhiệt độ 450C, nhiều vùng trong nước nền nhiệt độ từ 35 - 400C, trong khi đó thời tiết khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận ngày 10/8/2021 nhiệt độ trung bình chỉ 24 - 270C, thấp hơn các địa phương khác từ 10 - 150C và 200C ở châu Âu; do đó có thể thấy rằng khu vực Đà Lạt và vùng phụ cận là một trong những nơi ít bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nhiệt độ luôn mát mẻ, là điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu và nhiều vùng cả nước trong điều kiện biến đổi khí hậu vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.

      Khí hậu thời tiết ở Đà Lạt và vùng phụ cận luôn là lợi thế để phát triển du lịch quanh năm cần khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu.

      Do nằm ở độ cao 1.500 mét và được các dãy núi cùng quần thể hệ thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông bao quanh, nên đối lập với khí hậu nhiệt đới gió mùa của miền Trung và khí hậu nhiệt đới xa-van ở miền Nam, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận có một khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm. Biên độ nhiệt độ ngày đêm ở Đà Lạt rất lớn, trung bình năm đạt 11°C, cao nhất trong những tháng mùa khô, lên tới 13 – 14°C và thấp nhất trong những tháng mùa mưa, chỉ khoảng 6 – 7°C. Ngược lại, biên độ nhiệt trung bình giữa các tháng trong năm lại nhỏ, tháng ấm nhất và tháng lạnh nhất cũng chỉ chênh lệch 3,5°C. Độ dài ngày trong các mùa ở Đà Lạt không có sự chênh lệch lớn, trung bình khoảng từ 11 đến ít hơn 12 giờ vào mùa đông và trên 12 giờ vào mùa hè. Tổng số giờ nắng trong năm ở đây tương đối cao, khoảng 2.238 giờ một năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 12, 1, 2 và 3 của mùa khô. Tổng lượng bức xạ thu nhập ở Đà Lạt khoảng 140 kCalo/cm²/năm, nhiều nhất vào tháng 4 và ít nhất vào tháng 8. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10. Còn mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến cuối tháng 3 năm sau. Ở Đà Lạt còn có một hiện tượng thời tiết đáng chú ý khác là sương mù, trung bình 80 đến 85 ngày trong một năm, nhưng xuất hiện nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10. Tháng có nhiều sương mù nhất là tháng 4; phổ biến hơn cả là loại sương mù bức xạ được hình thành khi mặt đất bị lạnh đi nhiều do bức xạ vào lúc trời quang, lặng gió, đây là thời điểm du khách đến Đà Lạt để săn mây và thưởng thức món quà thiên thiên ban tặng đầy thú vị khi ngắm sương vào lúc bình minh.

      Qua phân tích kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu và Việt Nam, chỉ xét riêng về yếu tố nhiệt độ thì Đà Lạt và vùng phụ cận luôn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước, Đà Lạt là trung tâm nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ tuyệt vời; Đà Lạt luôn là điểm đến để du khách tránh nóng từ tháng 3 đến tháng 9 đối với nhiều vùng trong cả nước (đặc biệt là miền Trung và miền Bắc), tránh mùa mưa bão và giá rét ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc từ tháng 10 đến tháng 2.

      Với lợi thế về điều kiện địa hình, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu thời tiết và nhân văn, đặc biệt Đà Lạt và vùng phụ cận là vùng sinh thái ít bị tổn thương biến đổi khí hậu toàn cầu; do đó biến đổi khí hậu toàn cầu là lợi thế để du lịch Đà Lạt ngày càng phát triển bền vững. Nhằm giữ vững thương hiệu Đà Lạt là thành phố môi trường; Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu về lĩnh vực âm nhạc; Đà Lạt là thành phố lễ hội châu Á; Đà Lạt thành phố Festival hoa; Đà Lạt thành phố của ba thiên đường; Đà Lạt là điểm đến ngắm hoa đứng thứ 3 thế giới được du khách toàn cầu yêu thích; Đà Lạt là 1 trong 18 “kho báu châu Á”; Đà Lạt là 1 trong 9 điểm du lịch thiên nhiên được du khách yêu thích nhất tại châu Á… Nhằm đảm bảo phát triển du lịch xanh và bền vững, vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và người dân cần tiếp tục chung tay bảo vệ môi trường; nghiêm cấm tuyệt đối tình trạng phá rừng, ken cây; san lấp địa hình; quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng; tiếp tục trồng rừng, trồng bổ sung cây cảnh quan, quản lý canh tác nông nghiệp nhà kính, chuyển dần sản xuất nông nghiệp nhà kính ra vùng ngoại ô, thường xuyên nạo vét khai thông lòng suối; đa dạng sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch giáo dục… nhằm làm cho Đà Lạt đã đẹp, ngày càng đẹp hơn. Với tất cả những hành động thiết thực, mỗi công dân Đà Lạt - Lâm Đồng hãy là một sứ giả du lịch, đón chào du khách với một tình cảm chân thành nhất, đảm bảo các điều kiện dịch vụ tốt nhất cho du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng ở Đà Lạt – Lâm Đồng, để Đà Lạt – Lâm Đồng luôn là điểm đến hấp dẫn, là sự lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu./.

TS. Phạm S - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng