Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nông nghiệp tuần hoàn - còn dồi dào tiềm năng (Bài 3)

  • 07/05/2024
  • s 09:16

Bài 3: Tài nguyên phụ phẩm lớn, chế biến quy mô nhỏ

Từ các mô hình đã và đang được triển khai ổn định cho thấy, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu lớn nhất là góp phần giải quyết thực trạng ngày càng khan hiếm tài nguyên, qua đó tăng cường bảo vệ môi trường kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng trên địa bàn. 

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú, huyện Đức Trọng đã tái sử dụng 
phụ phẩm hấp nhiệt độ cao khử trùng, tạo ra giá thể sạch nguồn bệnh cho cây trồng

Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phú, huyện Đức Trọng đã tái sử dụng phụ phẩm hấp nhiệt độ cao khử trùng, tạo ra giá thể sạch nguồn bệnh cho cây trồng

Thế nhưng nhìn tổng quan toàn tỉnh Lâm Đồng hàng năm với nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp tập trung khối lượng rất lớn, nhưng kết quả tái tạo sử dụng trở lại phục vụ trồng trọt, chăn nuôi phần lớn đang thực hành chế biến quy mô đơn lẻ, mang lại hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. 

• NỐI TIẾP NHỮNG MÔ HÌNH VƯỜN - AO - CHUỒNG

Ngành Nông nghiệp Lâm Đồng khảo sát cho thấy, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn trong tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm trước đây với các mô hình vườn - ao - chuồng trồng cà phê, cây ăn trái, lúa kết hợp chăn nuôi heo, bò, gà và thả cá; mô hình vườn - chuồng - biogas trồng cỏ, bắp, lúa, chăn nuôi bò sữa, bò thịt xử lý chất thải bằng công trình biogas; mô hình trồng rau, lúa với chăn nuôi gà, vịt, tôm, cá tại một số doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể, nông hộ ở vùng nông nghiệp các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và TP Bảo Lộc… đã sử dụng hợp lý nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ, xử lý an toàn chất thải động vật, năng lượng tái tạo, sản xuất chất đốt phục vụ sinh hoạt từng hộ gia đình. Ngoài ra, mô hình tuần hoàn 0,4 ha lúa - cá, lúa - tôm tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên tận dụng phân và thức ăn còn dư của tôm, cá làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Ngược lại khi gặt lúa xong, thả tôm, cá vào ruộng, nguồn thức ăn từ lúa rơi vãi xuống gốc rạ. Quy trình này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, nâng cao thu nhập từ 4 - 5 lần so với chỉ thuần trồng lúa.
 
Đến những năm gần đây, phóng viên ghi nhận nhiều mô hình sản xuất tuần hoàn mới nối tiếp xây dựng và phát triển khả quan trên địa bàn. Cụ thể, mô hình trồng rau, cỏ, bắp kết hợp chăn nuôi bò tại Hợp tác xã Agrifood 07, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng và nhiều nông hộ ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên... tận dụng phụ phẩm trồng trọt để chăn nuôi bò; chất thải từ chăn nuôi bò ủ với cám gạo, rỉ đường, chế phẩm men vi sinh, tạo thành phân bón hữu cơ. Cũng trên địa bàn huyện Đức Trọng, mô hình sản xuất rau, củ, quả tuần hoàn với 60 nông hộ liên kết, diện tích 15 ha, mỗi năm phát sinh khoảng 720 tấn phụ phẩm và giá thể sau thu hoạch. Chủ trì mô hình là Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An đã tái sử dụng toàn bộ phụ phẩm này bằng phương pháp xử lý hấp nhiệt độ cao để khử trùng, tạo ra giá thể sạch nguồn bệnh và ủ bằng chế phẩm men vi sinh, giảm thiểu 50% chi phí mua giá thể sản xuất qua từng vụ mùa. Hoặc mô hình sản xuất 60 ha rau, củ, quả và chăn nuôi 500 con bò theo quy trình tuần hoàn của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại nông sản Phong Thúy tại xã Phú Hội, phụ phẩm thu gom phân loại từ gốc, thân, lá của cây cỏ voi, bắp làm thức ăn nuôi bò, đồng thời, chất thải của đàn bò được xử lý làm phân bón hữu cơ; ngoài ra nước mưa từ các mái nhà kính dẫn vào hệ thống bể chứa để chủ động nguồn nước tưới tiết kiệm cho khu vực sản xuất của mình. 

• SẢN XUẤT, CHĂN NUÔI TUẦN HOÀN QUY MÔ CÒN GIỚI HẠN

Đáng kể hơn, với mô hình sản xuất nấm tuần hoàn 7 ha tại Phường 7, Đà Lạt, sử dụng phụ phẩm bã mía ủ bằng công nghệ lên men của Nhật 15 - 45 ngày để làm giá thể trồng rau sạch thương phẩm; mô hình chăn nuôi bò sữa Vinamilk Đà Lạt và Trang trại Organic Đà Lạt khép kín từ khâu làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò đến thu gom chất thải từ chuồng nuôi bằng hệ thống cào phân tự động, sau đó đưa qua máy tách ép, phần chất thải rắn được giữ tại các hố ủ tạo ra phân hữu cơ bón đồng cỏ, phần chất lỏng được đưa qua hệ thống biogas tạo nguồn chất đốt phục vụ trở lại chăn nuôi.

Ở phạm vi nông hộ Bùi Ngọc Châu tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà sản xuất 1 ha rau, củ, quả khép kín từ công đoạn ươm cây giống, chế biến và sử dụng phân hữu cơ ủ từ phân bò, phân cá thay thế các loại phân bón hóa học, nhờ đó sản phẩm rau thu hoạch được hợp đồng xuất bán đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong nước, lợi nhuận trung bình 400 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, nông hộ Bùi Ngọc Châu sản xuất theo quy trình tuần hoàn trên diện tích 1,7 ha cà phê, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ từ nguyên liệu phân bò, vỏ cà phê. Đặc biệt, sản phẩm cà phê thu hoạch ở đây với thiết bị công nghệ mới vừa sấy cà phê, vừa tái sản xuất phụ phẩm thành loại than hoạt tính tái chế làm phân bón trở lại cho đất, thu tổng lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng/1,7ha/năm. Cộng chung tại các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông hộ toàn tỉnh Lâm Đồng đã thu gom hàng năm khoảng 360.000 tấn phụ phẩm vỏ cà phê sau thu hoạch, sơ chế rồi ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ, bón trở lại khoảng trên 90.000 ha diện tích cây cà phê. 

Qua thống kê của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, khối lượng phụ phẩm cây trồng phát sinh trên địa bàn khoảng 1,73 triệu tấn/năm, trong đó sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mới xử lý khoảng 75,7%. Cụ thể 90% khối lượng phụ phẩm thu gom tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, cày vùi vào đất, làm chất phối trộn đệm lót sinh học, sử dụng giá thể, tủ gốc giữ ẩm cây trồng, ủ phân hữu cơ; còn lại 10% đốt hoặc thải bỏ trực tiếp tại ruộng vườn. Về chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn hàng năm thải ra khoảng 740.000 tấn chất thải rắn. Kết quả khoảng 77,6% khối lượng được tái tạo làm phân bón sản xuất nông nghiệp hoặc làm khí sinh học, thức ăn nuôi trùn quế; còn lại khoảng 22,4% khối lượng chưa được tận dụng. 

Chưa kể hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm mỗi năm thải ra khoảng 600.000 tấn chất thải rắn, 280.000 m3 nước thải, nhưng chưa được tái sử dụng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Chưa hết với phụ phẩm từ sơ chế, chế biến nông sản trong tỉnh khoảng 193.695 tấn/năm, trong đó chiếm 96,4% tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân bón hữu cơ; 0,2% làm nhiên liệu, năng lượng; còn lại 3,4% thải ra môi trường, tiêu hủy tại bãi rác công cộng hoặc thu gom đốt.

Như vậy nguồn tài nguyên phụ phẩm nông nghiệp trên toàn tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn còn lãng phí rất lớn, muốn xử lý triệt để cần nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn nữa…

(CÒN NỮA)

VĂN VIỆT