Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tái cấu trúc để phát triển bền vững ngành hoa Đà Lạt

  • 16/03/2022
  • s 11:00

TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là trung tâm sản xuất hoa tươi lớn nhất cả nước. Những năm gần đây, dù diện tích, sản lượng không ngừng tăng nhưng chất lượng, giá trị hoa Đà Lạt chưa cao. Để ngành hoa Đà Lạt phát triển bền vững thì việc tái cấu trúc lại ngành hoa chính là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Kể từ khi những cư dân đầu tiên của các làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá (Hà Nội) di cư vào lập nghiệp những năm đầu của thế kỷ trước, đến nay, nghề trồng hoa tại Đà Lạt đã có lịch sử hơn một thế kỷ với nhiều thăng trầm. Theo báo cáo của Hiệp hội hoa Đà Lạt, toàn tỉnh hiện có 9.375ha trồng hoa, trong đó gần 3.000ha canh tác theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, tổng sản lượng hoa đạt 3,658 tỷ cành/năm. 

Mặc dù diện tích, năng suất, sản lượng tăng nhanh nhưng giá trị của hoa Đà Lạt chưa đạt như kỳ vọng. Thậm chí giá một số loại hoa Đà Lạt ở thời điểm hiện tại so với cách đây 5-6 năm bị giảm đi khá nhiều, đơn cử như: Giá hoa cúc calimero từ 60.000 đồng/bó nay chỉ còn khoảng 10.000 đồng/bó; hoa ly từ 30.000 đồng/cành xuống còn 15.000 đồng/cành; hoa địa lan giảm từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng/cành tùy chủng loại...

Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường và cơ hội hợp tác nhưng việc xuất khẩu hoa vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hoa Đà Lạt xuất khẩu ra nước ngoài rất thấp, chỉ đạt 9,7% tổng sản lượng hoa hằng năm, tương đương 365 triệu cành. Chất lượng hoa không đạt yêu cầu, quy trình sản xuất thiếu bền vững, công nghệ bảo quản lạc hậu và thiếu bản quyền giống hoa là những rào cản lớn trên con đường chinh phục thị trường quốc tế của hoa Đà Lạt.

Ngành hoa Đà Lạt đang diễn ra tình trạng mất cân đối lớn về cơ cấu chủng loại hoa. Ông Vũ Nhuần, Chủ nhiệm Tổ hợp tác Làng hoa Hà Đông, TP Đà Lạt, chia sẻ: “Trong các loài hoa thương phẩm được trồng tại Đà Lạt thì hoa cúc vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 33,8% diện tích, tiếp đó là hoa hồng 16,2%, hoa lay ơn 12%, hoa cẩm chướng 8,4%, hoa đồng tiền 4%. Hoa cúc hiện được trồng tại Đà Lạt dù cho năng suất, sản lượng cao nhưng hầu hết là các giống cũ, dễ bị thoái hóa, nhiễm bệnh, giá trị thấp. Việc chạy theo số lượng đang ảnh hưởng lớn tới tính cạnh tranh của hoa Đà Lạt. Ngay tại Đà Lạt, nhưng thời gian qua, không ít cửa hàng vẫn nhập hoa cao cấp từ nước ngoài về bán cho người tiêu dùng”.

Không chỉ là một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế địa phương, sản xuất hoa còn là yếu tố góp phần hình thành lịch sử, nét văn hóa và sự hấp dẫn cho TP Đà Lạt. Trong chiến lược phát triển ngành hoa đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á, sản xuất được 200 triệu cây giống/năm theo công nghệ nuôi cấy mô invitro, nâng tỷ lệ hoa xuất khẩu từ 9,7% như hiện nay lên 30%, đạt 120 triệu USD... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, địa phương phải giải quyết hàng loạt bất cập do tình trạng mất cân đối trong cơ cấu các loại hoa, thiếu giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản lạc hậu.

Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, khó khăn lớn nhất của ngành hoa địa phương hiện nay là thiếu giống hoa, nhất là giống hoa có giá trị kinh tế cao. Hầu hết giống hoa được trồng thương phẩm tại Đà Lạt hiện nay là những giống cũ, sử dụng đã lâu, chất lượng kém, dễ bị thoái hóa, sâu bệnh. Nhiều giống hoa dù được trồng từ lâu với quy mô lớn tại Đà Lạt như: Ly ly, cát tường, hồ điệp... phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài. Thiếu giống khiến các doanh nghiệp và nông dân khó chủ động trong quá trình sản xuất, dẫn tới tình trạng vi phạm bản quyền về giống hoa. Đơn cử như Công ty TNHH Dalat Hasfarm trước đây nhập khẩu giống hoa cúc calimero có bản quyền của nước ngoài nhưng đã bị một số hộ trồng hoa nhân giống, trồng và bán ra thị trường khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn. Nhiều đối tác nước ngoài e ngại khi cung cấp giống cho các nhà sản xuất hoa tại Đà Lạt bởi họ sợ bị sao chép, đánh cắp. Không có bản quyền thì không thể xuất khẩu được hoa. Tháng 6-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt "Đề án nhập khẩu giống hoa các loại có bản quyền phục vụ sản xuất giai đoạn năm 2021-2025". Theo đó, tổng số hạt, ngọn, cây, củ giống hoa nhập khẩu gần 9 triệu đơn vị, với kinh phí hơn 113 tỷ đồng, bao gồm 23 họ với 66 giống hoa từ 10 quốc gia gồm: Hà Lan, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Israel, Costa Rica, Guatemala, Mexico, Chile. Đây được xem là nỗ lực lớn trong việc tham gia “sân chơi toàn cầu” của ngành hoa Đà Lạt. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Chúng tôi khuyến khích việc đăng ký bản quyền giống hoặc mua bản quyền giống để chủ động về công nghệ sản xuất giống, khép kín khâu trồng trọt từ giống đến thành phẩm. Không thể lấy giống sao chép hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa xuất khẩu, nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng uy tín thương mại và sức cạnh tranh của hoa Đà Lạt khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, để chiếm lĩnh thị trường trong nước, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, ngành hoa Đà Lạt cần phải tái cấu trúc và tổ chức theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. "Ngành hoa hiện mang tính thời trang rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải cập nhật liên tục xu hướng và các giống hoa mới. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường và sức khỏe con người ngày càng được đề cao nên hoa không chỉ đẹp, bắt mắt mà phải an toàn, sạch. Điều này đòi hỏi người trồng hoa Đà Lạt phải thay đổi thói quen canh tác bằng cách chuyển đổi sang trồng các giống hoa mới có giá trị, hạn chế lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chú trọng khâu bảo quản hoa sau thu hoạch, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm...", ông Nguyễn Ngọc Thanh cho biết.  

Sau nhiều năm tính toán phương án đầu tư, vừa qua tỉnh Lâm Đồng đã quyết định xây dựng Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt theo mô hình hoạt động của các trung tâm giao dịch hoa lớn tại Nhật Bản. Theo đó, dự án Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt sẽ nằm ở chân đèo Prenn, cửa ngõ thành phố Đà Lạt, có quy mô rộng gần 20ha, tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng. Sau khi khánh thành và đưa vào sử dụng (năm 2025), Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt sẽ là bệ phóng quan trọng góp phần phát triển bền vững ngành hoa địa phương, đồng thời đưa hoa Đà Lạt vươn xa trên thị trường thế giới.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG