Nằm trên tuyến du lịch Quốc lộ 27C - tuyến đường kết nối xứ hoa Đà Lạt và xứ biển Nha Trang - Đạ Chais - xã vùng xa của huyện Lạc Dương đang dần chuyển mình. Cùng với các ưu thế có sẵn, Đạ Chais đang phát triển kết hợp giữa du lịch canh nông và du lịch mang màu sắc văn hóa bản địa. Cung đường Đạ Chais đang dần trở thành địa chỉ “bỏ túi” yêu thích của nhiều du khách khi đến với xứ hoa.
Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, một trong những nơi có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất Việt Nam, xã Đạ Chais có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ và được bao phủ bởi thảm thực vật xanh mướt. Với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người K’Ho, bà con nơi đây vẫn còn lưu giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo như diễn xướng dân gian K’Ho, dệt thủ công, diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, các lễ hội truyền thống.
Xưa, người Đạ Chais đa phần trồng cây cà phê, thu nhập chủ yếu dựa vào những mùa cà phê chín đỏ. Nhưng hôm nay, cùng sự phát triển chung của đất nước, Đạ Chais chuyển mình làm du lịch. Những tháng cuối năm, Đạ Chais đỏ rực màu của cây hồng chuẩn bị rụng lá, ra lộc mới. Sắc hồng của anh đào dọc những con đường, ven sườn đồi là điểm nhấn, khiến du khách ấn tượng ngay khi vào cửa ngõ cao nguyên. Vào dịp xuân sang, Đạ Chais còn nổi tiếng với mùa hoa mận trắng. Trong tiết trời tháng 2 mát lạnh, những đồi mận trắng rực rỡ ven đường là điểm dừng chân của bao du khách. Hoa mận tinh khiết, nở từng chùm rực rỡ như mời chào du khách đến với vùng đất này. Mặc dù là cây trồng mới nhưng diện tích mận ở Đạ Chais cũng đã tăng đáng kể trong thời gian qua. Đây cũng là nguồn thu nhập tăng thêm của bà con ven quốc lộ bởi các đoàn du khách đến tham quan, chụp ảnh nhiều trong những ngày hoa nở kéo dài khoảng 2 tuần đầu tháng 2 và 2 tháng thu hoạch trái chín đỏ vào tháng 4, tháng 5 hàng năm.
Ông Thân Văn Nghiên, Chủ tịch UBND xã Đạ Chais chia sẻ, phát triển du lịch là mục tiêu chung của chính quyền và Nhân dân xã. Du khách đến với Lạc Dương ngày càng nhiều, đòi hỏi chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc hình thành sản phẩm phù hợp với tiềm năng và có định hướng phát triển du lịch lâu dài, bền vững. Ông Nghiên cho biết, dựa trên tình hình thực tế, đánh giá thế mạnh của địa phương, Đạ Chais xác định phát triển du lịch dựa trên các sản phẩm nông nghiệp địa phương kết hợp với du lịch văn hóa bản địa truyền thống. Bởi vậy, Đạ Chais khuyến khích bà con trồng mai anh đào, trồng mận trắng, thanh niên được khuyến khích học tập, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa bản địa K’Ho đặc sắc. Các lớp dạy múa, dạy hát, dạy dệt thổ cẩm được tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của các già làng và đội ngũ thanh niên, lực lượng trẻ sẽ là những người tiếp nối truyền thống.
Đồng thời, công tác quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch được huyện Lạc Dương và xã Đạ Chais tiến hành kịp thời, nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của huyện nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc. Lạc Dương đã hỗ trợ Đạ Chais xây dựng và phát triển mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại thôn Đưng K’Si, củng cố hoạt động của các đội, nhóm cồng chiêng trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương. Đồng thời, đưa vào khai thác các điểm du lịch mạo hiểm, tạo ra một không gian du lịch đa dạng để du khách gần xa lựa chọn. Bên cạnh đó, nhằm ôn lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các cuộc thi như: đánh chiêng, dân ca, các môn thể thao dân gian hay phục dựng Lễ cưới của người dân tộc K’Ho tại thôn Đưng K’Si... được tổ chức hàng năm.
Anh Cil Ha Niên - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đạ Chais tâm sự: “Bản thân thanh niên chúng tôi phải xác định, việc học và duy trì truyền thống văn hóa dân tộc vừa mang ý nghĩa tinh thần, vừa có thể ứng dụng vào phục vụ du lịch, giúp cải thiện đời sống của cư dân. Như nhà tôi hiện cũng đang xuống giống vườn mận trắng, cha tôi cũng dạy thanh niên làm đàn cổ truyền từ trái bầu. Phát triển du lịch từ chính những đặc điểm truyền thống, sản phẩm của quê hương là bền vững, phù hợp với người Đạ Chais”. Du lịch dựa vào cộng đồng, văn hóa dân gian truyền thống cùng với những đặc sản canh nông, Đạ Chais đã và đang từng bước thay da đổi thịt - trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách khi đến với Lâm Đồng.
Xã Đạ Chais cũng đã lên kế hoạch thu hút khách du lịch, đồng thời, tiếp tục phát huy những điểm dừng chân và các quán ăn tại địa phương như điểm dừng chân Minh Khoa, điểm dừng chân Mái Lá tại thôn Đưng K’Si; điểm dừng chân K’Farm; điểm lưu trú du lịch Chapy, thôn TuPoh và điểm du lịch cộng đồng của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Các loại hình du lịch trên địa bàn gắn với không gian văn hóa cồng chiêng, đồng thời, tập trung mạnh vào việc đầu tư hạ tầng, vào hệ thống giao thông nối kết các điểm du lịch với nhau, giúp Đạ Chais dần trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, trên con đường nối xứ hoa với xứ biển Nha Trang.
http://baolamdong.vn/