Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Ngành Du lịch và Hàng không chung tay tìm giải pháp thu hút khách quốc tế

  • 26/04/2023
  • s 10:49

Ngày 25/4/2023, tại TP. Nha Trang, Báo Văn hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” theo sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VHO

Đây là Hội thảo quan trọng triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa diễn ra ngày 15/3/2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” nhằm góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; khoảng 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch; chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch, hàng không; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương...

Hội thảo là cơ hội để các đại diện cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho ngành Du lịch phát triển bứt phá trước những cơ hội sắp tới. Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp. Qua đó, ngăn chặn, xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước trong mắt khách du lịch quốc tế.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng phát biểu chào mừng hội thảo. Ảnh: VHO

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành hàng không và du lịch luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Về hàng không, ngày 28/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế và ngày 22/01/2019 phê duyệt đề án Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch.

Về du lịch, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”. Trước đó, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa lịch sử đối với du lịch Việt Nam, đưa du lịch Việt Nam phát triển bứt phá, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08.

Đoàn đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: VHO

Nhờ đó, giai đoạn 2015 - 2019, ngành du lịch Việt Nam phát triển bứt phá với tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến bình quân đạt 22,7%/năm, đóng góp 9,2% vào GDP trong năm 2019 và từng bước khẳng định được vị thế và vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng.

Trước diễn biến đó, trong năm 2022, ngay sau khi hoạt động du lịch được mở trở lại từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách quốc tế tới Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào 12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch vào ngày 15/3/2023. Sau đó, Thường trực Chính phủ cũng đã họp và thống nhất về một số chính sách tạo thuận lợi cho ngành du lịch liên quan đến thị thực, xuất nhập cảnh và sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp lần thứ 5 sắp tới.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VHO

Vì vậy, tại Hội thảo này, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch, hàng không cùng nhau đóng góp đưa ra các giải pháp căn cơ để phát triển du lịch ổn định, bền vững hơn trong tương lai.

Trong bài phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết: trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, với mục tiêu là đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến Khánh Hòa trong những năm gần đây như: Nga, Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... và hướng đến một số thị trường nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (TQ); đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà hy vọng, thông qua các chủ đề tham luận, các ý kiến, giải pháp hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch của các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp du lịch và các đại biểu tại hội thảo sẽ góp phần sớm khôi phục các thị trường khách du lịch, phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VHO

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 80% vào năm 2019). Do vậy, hàng không và du lịch có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển. Trong các giai đoạn khác nhau, ngành du lịch và các hãng hàng không luôn có những chương trình hợp tác để cùng nhau phát triển.

Trong suốt thời gian ứng phó với dịch Covid-19, ngành hàng không và du lịch đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm ra các giải pháp khôi phục ngành, bao gồm nghiên cứu phối hợp xây dựng lộ trình mở cửa du lịch tương ứng với mở đường bay thương mại quốc tế cũng như thống nhất chính sách đối với khách du lịch giữa ngành du lịch và ngành hàng không để tạo thuận lợi cho khách du lịch và doanh nghiệp.

Sau hơn 1 năm mở lại đường bay quốc tế và mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch, hàng không thật sự đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: VHO

Mặc dù vậy, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu lượt, tương đương 70% so với kế hoạch đề ra.

Năm 2023, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất đã làm cho giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành.

Vì vậy để để ngành du lịch đạt được mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 thì vai trò phối hợp, hỗ trợ của hàng không là rất quan trọng. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề xuất các giải pháp như mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam; mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngành hàng không, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không - du lịch trên cơ sở cùng phát triển và kết nối với các ngành khác, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; phát triển đội ngũ nhân lực ngành hàng không và du lịch; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá...

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VHO

Tại phiên thảo luận, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và các diễn giả, đại biểu cùng nhau làm rõ hơn thực tế thu hút khách quốc tế, giải pháp thu hút khách quốc tế ở các địa phương; xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tình hình mới; xúc tiến du lịch tới các thị trường quốc tế trọng điểm và hợp tác để cùng nhau xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn với giá cả cạnh tranh...

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm cũng nêu lên những quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm và xâm hại tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái, bảo đảm lợi ích lâu dài đối với cộng đồng, khách du lịch trong nước và quốc tế.

https://vietnamtourism.gov.vn/