(PLVN) - Trong những năm gần đây, trên bản đồ du lịch thế giới, Việt Nam thường gắn liền với điểm đến có mức giá rẻ, thu hút được nhiều tệp khách khác nhau. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển du lịch toàn cầu, ngành Du lịch Việt Nam cần phải “chuyển mình” để đón những lượt khách “chịu chi”, nâng tầm sản phẩm du lịch.
Áp lực du lịch giá rẻ
Phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) vừa được một công ty tài chính ở Anh Quốc bình chọn là địa điểm đến giá rẻ nhất năm 2024 (năm ngoái Hội An chỉ xếp thứ 6). Trên trang chuyên trang du lịch Travel Off Path của Mỹ, Thành phố Hà Nội vừa lọt tốp hai địa điểm du lịch có mức giá rẻ... Được định vị và xếp hạng trên những tờ báo quốc tế luôn là niềm vui đối với tất các địa điểm du lịch trên thế giới. Tuy nhiên, được định vị với hai chữ giá rẻ có thể tạo áp lực cho các địa điểm du lịch phải duy trì mức giá cả thấp để giữ chân du khách.
Giá rẻ có thể đồng nghĩa với việc du lịch phát triển ồ ạt, kéo theo lượng lớn du khách cả trong và ngoài nước đến Việt Nam. Bên cạnh việc kích cầu, thu hút khách du lịch, ngược lại, du lịch đại trà có ảnh hưởng lớn đến môi trường, tài nguyên, chất lượng sản phẩm và khó có thể giúp cho một quốc gia phát triển du lịch bền vững.
Hình ảnh Cù Lao Chàm (Quảng Nam) vào những năm 2018 chính là một ví dụ tiêu biểu. Từ một vùng biển xanh định hướng phát triển du lịch sinh thái, do du lịch đại trà tăng nhanh trong một thời gian ngắn, kéo theo sự quá tải lượt khách đến tham quan, khiến Cù Lao Chàm mất đi 102ha rừng đặc dụng, nhiều tài nguyên thiên nhiên thâm hụt mạnh, môi trường ô nhiễm. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã phải thay đổi chính sách phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên.
Chia sẻ với truyền thông, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có nhận định việc định vị du lịch Việt Nam gắn mác giá rẻ đang là một trong những “điểm nghẽn” cần được giải quyết. Nếu chỉ cạnh tranh bằng giá cả, có nghĩa du lịch Việt Nam chưa thể phát triển bền vững, khai thác triệt để yếu tố văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực,... mà vẫn thâm hụt vào tài nguyên quốc gia.
Các thành phố như Hội An, Hà Nội là những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam có nền văn hóa, lịch sử lên đến hàng trăm, nghìn năm được các tỉnh, thành phố đầu tư, chú trọng phát triển chất lượng, sản phẩm du lịch. Việc được “gọi tên, chỉ điểm” du lịch giá rẻ, giống như một con dao hai lưỡi, khiến cho du khách chỉ chú tâm đến giá cả, mà quên đi những yếu tố hấp dẫn khác. Đặc biệt, mỗi địa điểm du lịch cần phải chi trả cho việc bảo vệ môi trường, đầu tư nhân công, lực lượng lao động, cơ sở vật chất.
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu quan điểm không phản đối du lịch giá rẻ nhưng cũng không nên khuyến khích phát triển du lịch giá rẻ. Đối tượng khách mà du lịch Việt Nam cần thu hút mạnh mẽ là khách có mức chi tiêu cao.
Thực tế, đây là một xu hướng chung trong phát triển du lịch trên thế giới. Thông thường, những du khách chi tiêu nhiều, có thời gian lưu trú dài ngày, dễ dàng quay trở lại hai, ba cho đến cả chục lần thường nằm ở tệp khách hàng hạng trung đến hạng sang. Nhưng ngạch khách hàng này sẽ có yêu cầu cao, khắt khe về chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều cơ sở vật chất tốt, các chuỗi khách sạn 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc cần làm là chú ý đầu tư thêm đội ngũ nhân lực, cộng với việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên hướng đến du lịch xanh, du lịch bền vững. Ngoài ra, du lịch cần tạo điểm nhấn cho “mảng” du lịch “chữa lành”, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch tàu biển... đang có tiềm năng rất mạnh ở Việt Nam.
Đặc biệt, các sản phẩm du lịch cần được đầu tư đa dạng hóa, sáng tạo, thú vị hơn để du khách có nhiều cơ hội chi trả, khám phá. Du lịch khám phá văn hóa bản địa cần được quy hoạch, thực hiện bài bản, hấp dẫn hơn. Hiện nay, các chương trình trải nghiệm văn hóa, homestay của Việt Nam được đánh giá vẫn chỉ mang tính “vỏ bọc”, chưa thể khai thác triệt để nét đẹp của văn hóa bản địa.