Ngày 7/4, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội thảo Bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, các nhà quản lý tài nguyên rừng và lâm nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và đại diện các vườn quốc gia trong cả nước.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia về Đề án phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; đối thoại với doanh nghiệp, xây dựng cơ chế hợp tác giữa Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với cộng đồng, doanh nghiệp về vấn đề khai thác tiềm năng môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái.
Báo cáo cho biết, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đang ẩn chứa những giá trị đặc biệt: Nằm trong vùng tam giác phát triển du lịch của Đông Nam Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với 3 trung tâm du lịch lớn TP Hồ Chí Minh – Đà Lạt – Nha Trang; có nhiều cảnh quan tươi đẹp, có sông (Đa Nhim, Serepok), có núi (Lang Biang, Bidoup), các thác nước, hệ các đỉnh cao dễ tiếp cận; khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm; hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng sinh học cao; giàu tài nguyên nhân văn (phong tục tập quán người K’Ho bản địa, sự thanh lịch mến khách của người Đà Lạt, giá trị văn hóa hội tụ từ nhiều vùng miền của các cư dân đến lập nghiệp).
Nhiều ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia tháo gỡ khó khăn về cho thuê môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học
Sự khác biệt đặc biệt với các vườn quốc gia khác là các giá trị được quốc tế công nhận: Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trong hệ thống các công viên quốc gia toàn cầu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, Không gian văn hóa cồng chiêng, di sản Mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận, là Vườn di sản ASEAN, là một trong 221 khu xem chim quốc tế.
Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà giai đoạn 2021 – 2030 đã chỉ ra mục tiêu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương.
Theo đó, sẽ xây dựng 12 tuyến du lịch nội vùng; trong đó, chỉ rõ 4 tuyến ưu tiên phát triển gồm: Leo núi chinh phục đỉnh Bidoup, khám phá sông Đa Nhim, du lịch bãi cắm trại – Liêng Kar – Đưng Lar Giêng – Trung tâm du khách, Cổng Trời – Thác Cổng Trời – thác Pằm Pài – Đa Sar – thị trấn Lạc Dương. Xác định cụ thể 16 điểm du lịch sinh thái; xác định khu vực hạn chế du lịch sinh thái gần 43.112 ha (gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái) và khu vực tổ chức du lịch sinh thái gần 24.270 ha. Tổng nhu cầu vốn hơn 4.065 tỷ đồng, trong đó kêu gọi đầu tư 4.005 tỷ đồng. Ưu tiên các dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào như sửa chữa, nâng cấp, làm mới đường mòn đến các điểm du lịch, bảng chỉ dẫn, cầu treo, chòi dừng chân, chòi ngắm cảnh, nhà vệ sinh thân thiện…
TS. Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà nhấn mạnh: Căn cứ vào các quy định của Luật Lâm nghiệp về phát triển du lịch sinh thái, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà mong muốn hợp tác với các tổ chức, cá nhân để cùng khai thác những tiềm năng thiên nhiên bằng cách cho thuê môi trường rừng để tổ chức thực hiện cung cấp các dịch vụ du lịch trong Vườn Quốc gia. Trong điều kiện Vườn Quốc gia không đủ nguồn nhân lực, vật lực để thực hiện quyền kinh doanh rừng của mình, nên cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch thực chất là nhượng quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp. Việc cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái không làm thay đổi quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, về đất lâm nghiệp và tài nguyên thiên nhiên dưới mặt đất; cho thuê môi trường rừng khác với cho thuê rừng để kinh doanh du lịch.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến của các nhà quản lý rừng, quản lý đầu tư xây dựng, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến về những quy định của pháp luật, cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, về những khó khăn vướng mắc về đầu tư trên đất lâm nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm liên kết với các doanh nghiệp, cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái tại các Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Vườn Quốc gia Ba Vì; chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế ô nhiễm, rác thải, đe dọa động vật hoang dã; ổn định đời sống, tạo sinh kế cho cư dân ở vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia …; vấn đề thu hút nhà đầu tư có năng lực, có tâm huyết, có trách nhiệm để vừa khai thác vừa bảo tồn tài nguyên rừng một cách hiệu quả.
http://baolamdong.vn/