Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Về xứ ''nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá''

  • 30/06/2022
  • s 09:01

Thật không ngoa khi ví Cát Tiên là mảnh đất “nằm ngửa thấy ong, nằm nghiêng thấy cá”. Minh chứng rõ ràng nhất là trong những vườn chôm chôm trĩu quả, dưới những cánh võng, chỉ cần ngước mắt lên là muôn vàn tổ ong Dú đang ngày đêm làm mật ngọt cho đời. Còn nữa, những ngôi nhà bè nuôi cá mà chỉ cần nằm nghiêng thôi cũng nghe tiếng cá vẫy đuôi, đớp mồi.

Nuôi ong Dú mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương Cát Tiên

• BẮT ONG “ĐỊNH CƯ”

Đã có thời, tôi lân la với những người “du mục” cùng những cánh ong bay khi họ mang cả xe tải để chở đàn ong đi đánh mật cà phê. Và khi họ thu hoạch mật ong cần phải có áo quần “bảo hộ” hay ít nhất đôi găng tay cùng chiếc mũ lưới để tránh những vết đốt. Còn ngay tại xã Đức Phổ thì bà con nông dân mắc cánh võng ngay dưới những tổ ong Dú để nghỉ ngơi, tránh cái nắng mùa này xông thẳng vào mặt. 

Nhà của chị Đoàn Thị Yến (Thôn 3, xã Đức Phổ) đúng kiểu là một ngôi “nhà vườn” vì xung quanh được bao bọc bởi 2 ha vườn chôm chôm. Năm vừa rồi, chỉ riêng tiền bán mật ong Dú treo trên cây chôm chôm đã gần 250 triệu đồng, tiền tách đàn ong để bán cho người nuôi khác là gần 50 triệu đồng. Chị Yến không giấu nghề: “Ong Dú nuôi cực kỳ khỏe, không cần phải mang đi đánh mật, không cần phải cho ăn cho uống gì cả, nói chung là “trời sinh trời dưỡng”, mình chỉ cần làm hộp gỗ nhỏ bắt chúng “định cư” với mình là có mật, có tiền thôi. Ong Dú rất hiền, không đốt người, việc tách đàn cũng dễ dàng, chỉ cần khi thu hoạch mình chia đôi đàn ong ra là thành hai tổ”. 

Ông Châu Văn Dần - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên hào hứng: “Hiện nay có hơn 20 hộ dân nuôi ong Dú, sản phẩm mật ong Dú của xã Đức Phổ đã được công nhận OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm). Anh đi thực tế với tôi thì cũng thấy rồi đó, nuôi loài ong này không cần phải mang đi nơi khác để đánh mật, chỉ cần làm tổ cho chúng, nghề này mang lại thu nhập khá cao cho nông dân. Ngoài xã Đức Phổ thì nông dân ở thị trấn Cát Tiên cũng rất thành công với mô hình này”. 

Sản phẩm mật ong Dú được bán tại địa phương với giá khoảng 900 nghìn đồng/lít. Nếu đưa đi các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh chẳng hạn có giá khoảng 1,5 triệu đồng/lít. Cô con gái của chị Yến đang là sinh viên tại TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên quảng bá sản phẩm mật ong của địa phương với bạn bè và gia đình họ. Còn cậu em trai của chị Yến cũng giúp quảng bá sản phẩm mật ong Dú của địa phương bằng cách dùng hẳn thiết bị flycam để theo dấu ong bay, ghi lại quá trình của đàn ong từ khi rời tổ, đi lấy mật cho đến quá trình thu hoạch mật ong. 

Ông Trần Văn Thức hiện nay là Tổ trưởng của Tổ nuôi ong Dú xã Đức Phổ cho biết, tổ có 10 thành viên, trung bình mỗi năm tổ viên thu hoạch chừng 200 lít đến 400 lít mật. Ong Dú là loài ong rất hiền, hiếm có trong tự nhiên, không có ngòi đốt, so với ong mật hay ong ruồi thì cơ thể chỉ bằng 1/2. Mật ong Dú có nhiều tác dụng về dược tính như: thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, cải thiện đường tiêu hóa, giảm đau, sát trùng vết thương; sáp và mật ong Dú có tác dụng làm đẹp, dưỡng da… Hiện, các tổ viên đang triển khai nuôi ong Dú tại vùng giáp ranh với Vườn Quốc gia Cát Tiên.  

• DUY TRÌ LỢI THẾ MẶT NƯỚC

Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện Cát Tiên là 310 ha, năng suất ước đạt trên 4 tấn/ha; sản lượng 1.256 tấn. Ông Nguyễn Hữu Tình - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thủy sản Hồng Thủy cho biết: “2 năm trở lại đây do tình hình dịch bệnh COVID-19 và sự khó khăn chung về phát triển kinh tế nên nuôi cá gặp một số khó khăn. Tuy nhiên với lợi thế, tiềm năng về mặt nước, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì nuôi cá lăng và nuôi cá Koi để cung cấp cho thị trường làm cảnh. Có thể nói, nghề nuôi cá mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong một thời gian dài, nhiều nhà còn vươn lên làm giàu, chính vì vậy càng khó khăn càng phải gắn bó với nghề”. 

Ông Nguyễn Đình Lập - Chủ tịch UBND xã Gia Viễn cho biết: “Xã Gia Viễn có hơn 70 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản với 45 hộ nuôi. Các loại cá như trắm cỏ, chép, rô đầu vuông, cá lăng… được nuôi ở địa phương có chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng trong những năm qua. Riêng 2 năm trở lại đây, tình hình chung của bà con làm nghề nuôi cá ở địa phương gặp một số khó khăn về đầu ra sản phẩm, tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo bà con nên bình tĩnh và duy trì diện tích nuôi thủy sản. Ở một số hộ khác, bà con thực hiện một vụ lúa, một vụ cá cũng khá hiệu quả”. 

Trong nội dung triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện Cát Tiên năm 2022 nêu rõ, tiếp tục khai thác diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là các công trình thủy lợi dạng hồ chứa; phát triển, mở rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn huyện Cát Tiên có 7 hồ thủy lợi và việc hoàn thành, đưa vào sử dụng hồ thủy lợi Đạ Sị (xã Tiên Hoàng) sẽ giúp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lợi thế rất lớn về nuôi trồng thủy sản. 

Ông Trần Quang Trừng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cát Tiên cho biết: “Cát Tiên có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá tri kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng, một số sản phẩm nông nghiệp đã được công nhận OCOP. Trong đó, nghề nuôi ong Dú đang mang lại thu nhập đáng kể cho bà con, hiện người nuôi ong Dú đang tập trung để nhân rộng đàn ong. Riêng nuôi trồng thủy sản mặc dù gặp khó khăn về thị trường trong 2 năm qua nhưng với lợi thế, tiềm năng về diện tích mặt nước thì việc tiếp tục triển khai đề án phát triển thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các phòng, ban chuyên môn đang nghiên cứu, mở rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi cá lồng bè, nuôi lươn không bùn có giá trị kinh tế cao để làm sao phát huy được lợi thế diện tích mặt nước; đáp ứng nhu cầu của thị trường; nâng cao thu nhập cho nông dân”.

Thiên nhiên ưu đãi về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích mặt nước đã giúp đất Cát Tiên dưới nước cá lội trên trời ong bay. Đây là lợi thế trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp mà không dễ gì nơi đâu có được, cũng là cơ hội để nông dân địa phương làm giàu chính đáng.

http://baolamdong.vn/