Theo Nghị quyết Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành, Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định trọng tâm là tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCBCT) trở thành ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo của khu vực công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Trong đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng ưu tiên phát triển các dự án sản xuất công nghiệp có công nghệ hiện đại, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường.
Tỉnh ủy Lâm Đồng thông tin 6 mục tiêu chung cần thực hiện đến năm 2025 là đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp; phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh theo hướng hiện đại, bền vững; tạo bước đột phá trong phát triển CNCBCT trên cơ sở khai thác thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp có quy mô, công nghệ tiên tiến; hình thành các nhà máy ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào sản xuất công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; nâng cao tỷ lệ sản phẩm CNCBCT xuất khẩu sang các thị trường uy tín trên thế giới; bảo vệ, phát huy giá trị các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống.
Riêng đến năm 2030, Tỉnh ủy Lâm Đồng đặt mục tiêu là tỉnh Lâm Đồng hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ bản có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, có tính cạnh tranh cao, một số sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế.
Tỉnh ủy Lâm Đồng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành CNCBCT đạt 11,9%-12,3%/năm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành CNCBCT đạt 13-14%/năm. Đến năm 2030, con số này lần lượt là 14,7-16,5%/năm; 14-15%/năm.
Để làm được điều này, Tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh 8 nhiệm vụ mà các cơ quan, tổ chức trong tỉnh cần thực hiện.
Đó là tập trung phát triển CNCBCT gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; phát triển công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến; phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án CNCBCT; phát triển công nghiệp năng lượng dựa trên lợi thế của tỉnh; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; nâng cao chất lượng, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, phát huy vai trò các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội.
Trong 8 nhiệm trên, có những giải pháp cụ thể được Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ ra như hình thành các cụm dệt may tập trung trong các cụm công nghiệp ở TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Lâm Hà; phát triển, mở rộng Nhà máy chế biến Alumin (từ 650.000 tấn alumin/ năm lên 800.000 tấn alumin/năm), luyện nhôm, các sản phẩm sau nhôm ở các huyện Bảo Lâm, TP. Bảo Lộc.
Ngoài ra, các giải pháp khác cần triển khai như cần duy trì và phát triển mạnh Thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giao dịch hoa tại TP. Đà Lạt; kêu gọi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các Khu công nghiệp Lộc Sơn, Khu công nghiệp Phú Hội, Khu công nghiệp Phú Bình; nghiên cứu mở rộng, thành lập thêm các khu công nghiệp tại các huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc, cụm công nghiệp tại các huyện Lạc Dương, Di Linh, Cát Tiên)…
https://baodautu.vn/