Nhằm thực hiện Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022, với mục tiêu cung cấp những thông tin mới nhất về các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào một số thị trường tiềm năng. Sáng ngày 25/8 tại thành phố Đà Lạt, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị hướng dẫn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kết hợp trực tuyến kết nối với các điểm cầu Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Hoa Kỳ) và Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc).
Tại đầu cầu thành phố Đà Lạt có ông Bùi Xuân Lịch, Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; ông Dương Quốc Anh, Giám đốc Trung Tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng; tại điểm cầu nước ngoài gồm có ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Hoa Kỳ); bà Triệu Thúy Nga - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc; Tiến sĩ Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc. Hội nghị có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của trên 150 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thực phẩm khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Quốc Anh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thông tin, hiện Lâm Đồng là địa phương đã và đang đi đầu trong cả nước về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Hiện tại, Lâm Đồng có trên 300.000 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 197 ha ứng dụng công nghệ thông minh với 4 nhóm chính: cảm biến, thực phẩm, tự động và kỹ thuật, về sản phẩm hiện có 175 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao và có 22 chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, trong đó nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho 4 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông đã khẳng định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; qua đó từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn tiêu dùng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Bùi Xuân Lịch - Trưởng đại diện Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên cho biết, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong những năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường nhập khẩu dẫn đầu với kim ngạch lên đến 11,9 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 27,5% thị phần trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong số các thị trường nhập khẩu của Trung Quốc. Tận dụng những cơ hội, lợi thế từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tham gia và ký kết. Trong thời gian tới, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ lớn từ hai thị trường này.
Hội nghị lần này cũng là dịp để các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi, tìm hiểu kỹ các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào 2 thị trường chính Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đồng thời, doanh nghiệp được các chuyên gia giải đáp một số nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và phổ biến một số chứng nhận quốc tế cần thiết cho mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc.
TIPC Lâm Đồng