Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Tổng kết Chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2021

  • 30/12/2022
  • s 14:15

Chủ trì hội nghị có ông Phan Văn Mãi – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; ông Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ông Trương Hải Long – Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; ông Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đông đảo doanh nghiệp tiêu biểu của các địa phương.

Trong 11 năm qua, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: Đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và các hoạt động an sinh xã hội. 

Báo cáo tại hội nghị cũng đã chỉ rõ, vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Tây Nguyên là vùng có thế mạnh sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là các cây công nghiệp, cây ăn quả.

Tuy nhiên, Tây Nguyên cũng còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp. Nhìn chung, đây vẫn là vùng gặp nhiều khó khăn, phát triển chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp với quy mô nhỏ; có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao, thiếu lao động lành nghề, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, rủi ro cao, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu; công nghiệp, dịch vụ các tỉnh trong vùng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Liên kết thị trường nội vùng và liên kết với các khu vực và quốc tế còn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó rõ nét nhất là việc kết nối cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối.

Có thể khẳng định, sự hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên được xem là sự hợp tác mang tầm chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước…

Mối quan hệ hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và riêng tỉnh Lâm Đồng cũng đã đạt được nhiều thành quả, thúc đẩy sự phát triển của cả hai địa phương trên nguyên tắc win - win.

Trong lĩnh vực thương mại, Lâm Đồng đã cung ứng các sản phẩm thế mạnh gắn với nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho thị trường thành phố thông qua hệ thống các kênh phân phối. Đặc biệt, chuỗi cung ứng đã phát huy vai trò, cung cấp nông sản cho TP Hồ Chí Minh trong các đợt thực hiện giãn cách xã hội theo quy định phòng chống dịch Covid-19. 

Hai địa phương đã phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu tại TP Hồ Chí Minh vào quý IV hàng năm, tổ chức khảo sát khả năng phân phối và kết nối nhà sản xuất nông sản. 

Tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện mô hình xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất tiêu thụ rau an toàn tại các vùng trồng rau trọng điểm cung cấp cho TP Hồ Chí Minh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ các loại, cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; trong đó, có 25 cơ sở được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn. Sản lượng rau củ hàng năm đạt trên 37.147 tấn; trái cây gần 2.000 tấn và 60 tấn trà các loại.

Trong lĩnh vực công nghiệp, TP Hồ Chí Minh có 28 dự án còn hiệu lực do các nhà đầu từ thành phố thực hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng với tổng số vốn đăng kí gần 1.900 tỷ đồng, quy mô diện tích đất trên 305 ha; trong đó, có 23 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 3 dự án đã đưa vào hoạt động một phần, 2 dự án đang triển khai đầu tư.

Lĩnh vực xúc tiến đầu tư, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh cũng có 146 dự án với tổng số vốn đăng kí trên 23.393 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 15.232 ha; trong đó, có 86 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận cho 12 nhà đầu tư, doanh nghiệp tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch tại 13 khu vực trên địa bàn tỉnh; trong đó, có nhiều nhà đầu tư lớn như Đại Quang Minh, Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova, Tập đoàn Hưng Thịnh... 

Trong lĩnh vực du lịch, có 42 dự án do các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh thực hiện với tổng số vốn đăng kí trên 9.757 tỷ đồng, quy mô diện tích lên tới 3.000 ha; trong đó, có 11 dự án đã đi vào hoạt động và 20 dự án đã đưa vào hoạt động một phần, 11 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư. Các dự án đầu tư về du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh đã khẳng định thương hiệu, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của du khách khi đến với Lâm Đồng. Thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch hai địa phương đã tích cực định hướng, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ, xây dựng chương trình du lịch đặc thù hai địa phương theo hướng “một chuyến đi, nhiều điểm đến” đáp ứng được tối đa nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh về các trang thiết bị hỗ trợ cho chuyên ngành ung bướu, tim mạch, chấn thương chỉnh hình và răng hàm mặt.

Trong lĩnh vực văn hóa thể thao, hàng năm tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện thể thao lớn như: Cúp Truyền hình TP Hồ Chí Minh (các chặng đi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng); Giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail và Giải xe địa hình Quốc tế Dalat Victorry Challenge... Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đoàn văn hóa, nghệ thuật, làm phim của thành phố đến biểu diễn, tác nghiệp tại địa phương. Không những thế, các cơ quan truyền thông của TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng các chương trình có nội dung quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Lâm Đồng; các cơ quan thông tin báo chí Lâm Đồng lại có những đợt tuyên truyền, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, trong lĩnh vực lao động việc làm, hàng năm, các khu công nghiệp của thành phố cũng đã nhận hàng ngàn lao động của tỉnh Lâm Đồng vào làm việc. Giai đoạn từ 2016 – 2020, tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu trên 3.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp giới thiệu việc làm đóng chân trên địa bàn thành phố. Ngược lại, Lâm Đồng cũng tạo điều kiện cho các cơ sở dạy nghề của TP Hồ Chí Minh mở chi nhánh, cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; tổ chức hội thảo trao đổi thông tin và phối hợp mở lớp khởi sự doanh nghiệp cho một số doanh nhân của tỉnh Lâm Đồng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của các địa phương. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai, đặc biệt trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khai khoáng…, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương. Kết quả hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các vùng Tây Nguyên bước đầu đạt được những thành tựu nhất định, cụ thể trong các lĩnh vực như thương mại, công nghiệp, nông – lâm - thủy sản, hợp tác đầu tư, nhất là du lịch và các hoạt động an sinh – xã hội…

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên tới đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở các thông tin về xúc tiến đầu tư, phổ biến về tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh và mục tiêu phát triển của thành phố và các địa phương, đã thu hút được các nguồn lực từ các thành phần kinh tế của TP Hồ Chí Minh đến đầu tư, khai thác tiềm năng và thế mạnh của các tỉnh phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án triển khai một cách hiệu quả, đã góp phần tăng thu ngân sách, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, nguyên, vật liệu và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các tỉnh trong vùng”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Kết quả hợp tác tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai địa phương. Một số nội dung thỏa thuận hợp tác thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao (giáo dục, lao động, văn hóa). Công tác chuyển giao ứng dụng chuyển đổi số còn ở mức độ hạn chế. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP Hồ Chí Minh còn diễn ra chậm, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực đất đai, môi trường đầu tư, kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; một số nhà đầu tư chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với TP Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh về du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, nông nghiệp hiệu quả cao, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, liên kết tiêu thụ nông sản và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về phát triển vùng Tây Nguyên, là cơ sở để hoàn thành các mục tiêu của tỉnh đã xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước”.

Tại hội nghị lần này, lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và TP Hồ Chí Minh cũng đã kí kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 với mục tiêu: Chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các bên và khu vực; tạo cầu nối để các doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau, thúc đẩy hợp tác công tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.

Lĩnh vực hợp tác trọng tâm sẽ bao gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục và lĩnh vực nông nghiệp.

http://baolamdong.vn/