Bài 2: Khơi dậy sức dân
Di Linh đang ở nhóm sau trong “bản đồ” xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Điều này rõ ràng tạo áp lực rất lớn cho lãnh đạo địa phương. Song không thể vì thế mà nóng vội, “ép chín” các thành quả. Ngược lại, Di Linh từng bước khơi dậy sức dân để những bước đi trong xây dựng NTM thêm nhanh và vững chắc.
• LÒNG DÂN ĐỒNG THUẬN
Câu chuyện hiến đất làm đường giao thông của bà con tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh là một trong những minh chứng sống động cho sự đồng thuận, cho việc sức dân được khơi dậy trong xây dựng NTM ở Di Linh.
Tổ dân phố Ka Ming gồm 11 cụm dân cư với 473 gia đình, trên 2.100 người, hầu hết đều là bà con dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên. Khi huyện Di Linh có chủ trương về việc mở rộng, nâng cấp 3 tuyến đường (đường Mọ Kọ nối dài, đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn và đường đi vào khu vực sản xuất) với tổng chiều dài trên 4,4 km, có hơn 180 hộ gia đình bị ảnh hưởng và diện tích đất cần được hiến để làm đường là trên 20.000 m2.
Theo đó, Chi bộ, Ban Nhân dân, Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố và các ban, ngành, đoàn thể của thị trấn Di Linh đã tích cực tuyên truyền để bà con hiểu tầm quan trọng và lợi ích của việc làm đường giao thông nói riêng và xây dựng NTM, đô thị văn minh nói chung. Tuy nhiên, “tấc đất, tấc vàng” nên ban đầu bà con còn nhiều ngần ngại, đắn đo. Nhưng với sự kiên trì của cán bộ, nhất là sự gương mẫu, đi đầu của đội ngũ đảng viên như: ông K’Sôm, ông K’Brỏh, ông K’Gẹo, ông Mo Lom Bôs, ông K’Dực... mà bà con trong tổ dân phố dần đồng thuận. Các gia đình trong tổ dân phố tự nguyện tháo dỡ cổng, hàng rào, sân bê tông kiên cố... để làm đường; nhà ít nhất cũng vài chục mét vuông, nhà nhiều lên đến vài trăm mét vuông. Tổng giá trị tài sản người dân hiến lên đến trên chục tỷ đồng. Nhờ vậy cả 3 tuyến đường đi qua tổ dân phố Ka Ming đều được giải phóng mặt bằng, đúng tiến độ.
Bà con ở tổ dân phố Ka Ming là khu dân cư đồng bào DTTS đi đầu trong toàn tỉnh về chung sức xây dựng NTM. Cũng vì lý do đó mà đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khi làm việc với huyện Di Linh đều đánh giá cao bà con ở Ka Ming. Những người đứng đầu tỉnh không chỉ yêu cầu huyện Di Linh cần tôn vinh và nhân rộng mô hình này trong toàn huyện mà còn yêu cầu các địa phương khác, nhất là địa phương có đông đồng bào DTTS lấy câu chuyện của Ka Ming để học tập.
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và phát động, ký kết giao ước thi đua năm 2023 được tổ chức vào tháng 2/2023, tổ dân phố Ka Ming là một trong những tập thể điển hình của tỉnh được tuyên dương trong thực hiện phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM.
Và không chỉ có Ka Ming, sự đồng thuận ấy đã và đang lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn. Tại thôn Đồng Lạc 4, xã Đinh Lạc, ông Phạm Huy Thám - Bí thư Chi bộ thôn phấn khởi chia sẻ: “Bà con trong thôn đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng luôn đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng NTM. Bắt đầu từ nhóm dân số có tư tưởng tích cực làm chủ đạo, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn đã dần lan tỏa rộng khắp để huy động được nhiều sức dân. Làm thì nhiều lắm mà không nói hết được, nhưng giờ đây đi qua thôn Đồng Lạc 4 lúc nào cũng thấy sạch đẹp, vậy là bà con vui và thêm trách nhiệm trong việc giữ gìn”.
Ông Đặng Đình Đạt - Thôn1, xã Hoà Ninh thì nói: Nhà văn hoá thôn, cổng chào thôn, 9 con đường trên địa bàn thôn đã được bê tông hoá… tất cả đều có sự đóng góp vật chất và công sức của người dân. Đặc biệt, trong vận động giải toả hành lang đường bộ có 104 hộ liên quan, hiện nay đã có 103 hộ tiến hành giải toả, 1 hộ còn lại đang được các ban trong thôn kiên trì vận động. Nhưng chúng tôi tin rằng, tất cả bà con sẽ đồng thuận vì lợi ích chung và cùng chung sức xây dựng NTM”.
Việc huy động vừa sức dân, hợp lòng dân là yếu tố quan trọng để người dân 19 xã, thị trấn chung một lòng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Các mô hình: “Xóm tôi sáng, xanh, sạch, đẹp”; “Làm đường giao thông nông thôn, nhà sạch, vườn đẹp”; “Ngày thứ Bảy trồng cây”; “Ngày thứ Bảy tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, chỉnh trang khuôn viên cơ quan, hộ gia đình”… đang lan tỏa mạnh mẽ là minh chứng sống động cho điều đó.
• BỨC TRANH CỦA HIỆN TẠI
Khi sức dân được khơi dậy hợp lý đã thực sự tạo những bước chuyển trong kết quả xây dựng NTM ở Di Linh.
Ông Trần Đức Công - Chủ tịch UBND huyện Di Linh, khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và đặc biệt sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hiện nay của Di Linh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đánh giá của UBND huyện Di Linh, đến thời điểm hiện tại, căn cứ vào Bộ tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí huyện NTM ước đạt 70% khối lượng công việc; 18/18 xã đã cơ bản hoàn thành mức độ xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã Hòa Ninh và Đinh Lạc đạt được 75% khối lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tiếp tục tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xã Gia Hiệp đạt 60% khối lượng của xã nông thôn mới nâng cao.
Tạo được bước chuyển quan trọng về tư duy, nhận thức và hành động trong các tầng lớp Nhân dân về vai trò chủ thể, lực lượng nòng cốt và đối tượng thụ hưởng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và phát động, ký kết giao ước thi đua năm 2023 được tổ chức vào tháng 2/2023, tổ dân phố Ka Ming là một trong những tập thể điển hình của tỉnh được tuyên dương trong thực hiện phong trào hiến đất làm đường xây dựng NTM.
Kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại; hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đi vào chiều sâu, đời sống, thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm; văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; hệ thống chính trị, tiếp cận pháp luật ngày càng tăng cường; quốc phòng, an ninh ổn định và giữ vững.
Tạo ra sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, cách thức tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; thường xuyên bám sát địa bàn, đồng hành cùng cấp ủy và chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ và tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy Di Linh, khẳng định: Với quan điểm xây dựng nông thôn mới “Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế và triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất và đi vào chiều sâu Đề án 04; Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung cao, đổi mới trong công tác tuyên truyền, xem đây là nội dung quan trọng, cốt lõi để đẩy mạnh phong trào trong Nhân dân; Bám sát các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đã đề ra của Đề án, khẩn trương chỉ đạo rà soát, thực hiện hoàn thành 100% tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu (Bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025) theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023 và phấn đấu hoàn thành tất cả các tiêu chí huyện nông thôn mới đảm bảo nâng cao về chất và tính bền vững của các tiêu chí trong xây dựng NTM.
Xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc; là một quá trình tiếp nối chứ không phải phấn đấu cho một danh hiệu. Tuy nhiên, việc đạt các chỉ tiêu đặt ra cho huyện NTM là điều kiện cần để các địa phương nói chung và Di Linh nói riêng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM ở một tầm cao mới.
Khó khăn vẫn còn nhiều cho tới khi Di Linh chạm đích huyện NTM, nhưng những nỗ lực của địa phương này đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận. Đó là cơ sở để tin tưởng Di Linh cơ bản hoàn thành các tiêu chí trong năm 2023 và sẽ về đích huyện NTM vào năm 2024. Đây cũng là động lực để cán bộ và Nhân dân huyện Di Linh tiếp tục đoàn kết, nỗ lực thực hiện các mục tiêu đặt ra.