Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG TẠO ĐỘT PHÁ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ XÃ HỘI TỈNH LÂM ĐỒNG TRONG QUÁ TRÌNH TOÀN CẦU HOÁ

  • 30/10/2023
  • s 09:15

Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều loại hình kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, đã được Đảng ta nêu ra từ Đại hội VI (1986); đặc biệt Khóa XII Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Đây là chủ trương, chính sách nhất quán và lâu dài của Đảng ta trong xu hướng toàn cầu hóa.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng được khẳng định trong quá trình toàn cầu hoá. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội

Các chính sách của tỉnh hỗ trợ kinh tế tư nhân ở Lâm Đồng phát triển

Hoạt động hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động của địa phương theo Nghị quyết số 10-NQ/TW được tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt thể hiện qua các kế hoạch đã ban hành. Các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai đạt hiệu quả cao; cụ thể: ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất đã có chuyển hướng tích cực phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng hợp lý nguyên, vật liệu; hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ tham gia các chợ công nghệ và thiết bị quốc gia và khu vực đã tạo điều kiện xúc tiến và đẩy mạnh việc gắn kết nghiên cứu, đào tạo với sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường công nghệ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và chất lượng hàng hóa, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; hỗ trợ triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhờ việc chuẩn hóa bộ máy tổ chức và các quá trình nghiệp vụ, quản lý đã giúp các đơn vị nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tổ chức, quản lý, điều hành; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu đã giúp doanh nghiệp, tổ chức xây dựng được các nhãn hiệu tập thể mang thế mạnh đặc trưng của tỉnh và tạo điều kiện cho các chủ nhãn hiệu chứng nhận tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm trên thị trường. Giai đoạn 2017 - 2022, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm, bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh có trên 1.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Số vốn điều lệ đăng ký tăng dần qua các năm­  vốn điều lệ trung bình khoảng 12 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 08 chương trình về hội nhập quốc tế từ năm 2017 đến nay nhằm cung cấp thông tin, thị trường ngành hàng cho doanh nghiệp kịp thời để định hướng sản xuất, kinh doanh; tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi và sâu rộng nội dung về hội nhập quốc tế đầy đủ, kịp thời với gần 100 tin, bài, phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng.

Hàng năm, tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức các lớp hội nghị tập huấn về hội nhập quốc tế và thương mại, tính đến nay đã tổ chức trên 20 lớp hội nghị tp huấn cho các đối tượng là công chức, viên chức, các doanh nghiệp ngành Công Thương cũng như các sinh viên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; xuất bản bản tin thông tin thị trường và ngành hàng (3 bản tin/năm); thực hiện 08 đề án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, xây dựng hồ sơ năng lực,… nhằm quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Triển khai phổ biến thông tin và các hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM...) và các hiệp định kinh tế - thương mại, đặc biệt là các hiệp định - thương mại tự do mới để nâng cao năng lực hội nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư cho doanh nghiệp, đặc biệt là về AEC, TPP, RCEP…

Những đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân với phát triển kinh tế xã hội ở Lâm Đồng

Đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 13.193 doanh nghiệp còn pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký đạt 158.316 tỷ đồng; các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng… Nhìn chung, các doanh nghiệp đều phát triển, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế của tỉnh qua nữa nhiệm kỳ đại hội lần thứ XI (2020 - 2025), với một số chỉ tiêu chủ yếu sau đây:

1/ Tổng sản phẩm trong nước GRDP (theo giá SS 2010) giai đoạn 2021 - 2023 bình quân hàng năm tăng 7,36% (KH 2021 - 2025: 7 - 8%), trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 5,40% (KH 2021 - 2025: 4,5 - 5%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 5,8% (KH 2021 - 2025: 9,5 - 11%); khu vực dịch vụ tăng bình quân 15,1% (KH 2021 - 2025: 8 - 9%)

2/ Cơ cấu kinh tế đến hết năm 2023: khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 38,46% (KH 2021 - 2025: 35 - 36,5%), khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 19,16% (KH 2021 - 2025: 22 - 23,5%), khu vực dịch vụ chiếm 42,38% (KH 2021 - 2025: 42 - 43,5%).

3/ GRDP bình quân đầu người đến hết năm 2023 ước đạt 85,65 triệu đồng (KH 2021 - 2025: 120 - 125 triệu đồng); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 10,83% (KH 2021 - 2025: 8,0 - 9,0%).

4/ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến hết năm 2023 bằng 33,15% GRDP (KH 2021 - 2025: 35 - 36%).

5/ Tổng thu NSNN trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 đạt 38.915 tỷ đồng, tăng bình quân 15,4%/năm (KH 2021 - 2025: tăng 11 - 12%/năm); trong đó, thu từ thuế, phí tăng bình quân 17,9% (KH 2021 - 2025: tăng 12 - 14%/năm).

6/ Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): Giai đoạn 2017 - 2022, kinh tế tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ổn định và tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trưởng khá; trong đó, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng trong GRDP của cả tỉnh Lâm Đồng chiếm khoảng 13,5% đến 15%; cụ thể: năm 2017: 14,15%; năm 2018: 13,94%; năm 2019: 13,56%; năm 2020: 13,51%; năm 2021: 12,93%; năm 2022: 13%.

7/ Năng suất lao động trong khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022 đạt từ 180 - 216 triệu đồng/người/năm, cao hơn năng suất lao động chung của tỉnh (từ 83 - 132 triệu đồng/người/năm). Cụ thể: năm 2017 đạt 200,6 triệu đồng/người/năm; năm 2018 đạt 201,4 triệu đồng/người/năm; năm 2019 đạt 207 triệu đồng/người/năm; năm 2020 đạt 186,4 triệu đồng/người/năm; năm 2021 đạt 184,5 triệu đồng/người/năm; năm 2022 đạt 216 triệu đồng/người/năm; 6 tháng năm 2023 đạt 107,5 triệu đồng/người/6 tháng.

8/ Hàng năm đã giải quyết việc làm và thu hút khoảng trên 25.000 lao động/năm. Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân khoảng 110.000 người. Kinh tế tư nhân ở Lâm Đồng tập trung một số lĩnh vực chủ yếu sau đây:

Đối với ngành nông nghiệp, Lâm Đồng đã định hướng nông nghiệp xanh, canh tác theo hướng cảnh quan bền vững nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sản xuất tới môi trường, gồm: Trồng cây che bóng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học trong quản lý dịch hại, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp tái sinh;

Trong 20 năm qua Lâm Đồng tập trung ứng dụng công nghệ cao tạo doanh thu lớn, với 63.000 ha ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ lệ 21% diện tích đất canh tác nông nghiệp trên 330.000 ha. Trên cở sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Lâm Đồng tiến hành nông nghiệp thông minh 4.0 trong quản trị sản xuất; đa số ứng dụng giải pháp công nghệ IoT, do đó chủ trang trại có thể ngồi từ xa cũng điều chỉnh được vi khí hậu, nhiệt độ, tưới tiêu ở trang trại của mình; hiện nay Lâm Đồng có 26 trang trại ứng dụng công nghệ thông minh chiếm tỷ lệ 50% cả nước;

Thông qua nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu nhập bình quân đất nông nghiệp đạt 245 triệu đồng/ha, nhiều diện tích canh tác/ nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao đạt doanh thu 4,0 - 4,5 tỷ đồng/ha (200.000 USD/ha, ngang tầm một số quốc gia trong khu vực và thế giới);

Ngành chế biến thực phẩm có nhiều khởi sắc, nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến nhiều loại trái cây và rau sạch, cà phê, chè, dâu tằm, dược liệu, chế biến rượu vang, chế biến bia; doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào việc chế biến thực phẩm từ những nguyên liệu tại địa phương, hình thành chuỗi giá trị liên kết phát triển vùng nguyên liệu và chế biến nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao và thương hiệu nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của thị trường trong nước và quốc tế;

Đối với ngành du lịch, xác định là ngành kinh tế động lực của tỉnh; ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư nguồn lực tham gia khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch của tỉnh theo hướng xanh và bền vững. Năm 2022, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt 7.500.000 lượt (tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021);

Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch của tỉnh luôn được tăng trưởng cao; đến nay toàn tỉnh có 3.004 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 37.790 phòng; trong đó, có 452 khách sạn từ 1 - 5 sao với 12.985 phòng (gồm 44 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với 4.258 phòng; 408 khách sạn từ 1- 2 sao với 8.727 phòng), sức chứa trên 60.000 khách/ngày. Ngoài ra, hệ thống lữ hành - vận chuyển cũng đang dần hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách với 66 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (trong đó có 32 doanh nghiệp lữ hành quốc tế); có 36 khu, điểm tham quan du lịch cùng với hơn 60 điểm tham quan kiến trúc tôn giáo và danh lam thắng cảnh du lịch khác tạo nên sự phong phú, đa dạng đối với các tour, tuyến du lịch Lâm Đồng;

Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hơn một số địa phương khác, điều này đã tạo nên tính khác biệt của du lịch Lâm Đồng: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch tâm linh; du lịch văn hoá, du lịch khoa học, du lịch giáo dục, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch canh nông, du lịch cắm trại… Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 36 điểm du lịch canh nông luôn đầu tư và chuyển dịch làm mới sản phẩm theo hướng tích cực. Với loại hình du lịch này được xây dựng trên nền tảng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tích hợp khai thác giá trị cao nhất nông nghiệp và du lịch theo xu hướng phát triển toàn cầu. Năm 2019 doanh thu thế giới ở du lịch canh nông là 94 tỷ USD, dự báo 2026 dự kiến đạt 163 tỷ USD, đây là định hướng đúng của Lâm Đồng. Hiện nay, địa phương có 3 điểm du lịch canh nông đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt có những khu du lịch canh nông chỉ có 5ha, song một năm đón 3 triệu du khách đạt được 5 triệu USD;

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là Bau xít và năng lượng tái tạo, góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của địa phương;

Về giáo dục và đào tạo, Lâm Đồng có nhiều trường đại học và trung học chất lượng cao. Nhiều doanh nhân tư nhân đã đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, xây dựng các trường học và trung tâm đào tạo chất lượng, giúp nâng cao chất lượng giáo dục góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong những năm tới.

Những ví dụ điển hình trên đại diện ở một số ngành trên chỉ là một phần nhỏ của sự đa dạng và phong phú của kinh tế tư nhân ở Lâm Đồng. Kinh tế tư nhân không chỉ giúp tạo ra cơ hội kinh doanh mà còn đóng góp vào sự phát triển toàn diện của tỉnh, từ kinh tế đến văn hóa và xã hội, chủ động hội nhập quốc tế.

Những tồn tại hạn chế ảnh hưởng đến kinh tế tư nhân Lâm Đồng

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ sản xuất, thiếu thông tin thị trường dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn rất thấp;

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp được triển khai nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ; đa số bộ máy của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không có bộ phận pháp lý, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khai thác thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp chủ yếu quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà chưa quan tâm đến các chính sách pháp luật của nhà nước nên không tham gia hoặc ít tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật do các cơ quan Nhà nước tổ chức. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc khá lớn vào vốn vay ngân hàng; một số doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính chưa bài bản, chưa được kiểm toán nên thiếu độ tin cậy; thiếu tài sản bảo đảm tiền vay; dự án, phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi; tồn kho cao; việc quản lý và sử dụng vốn vay ngân hàng chưa hiệu quả... nên chưa đáp ứng đủ các điều kiện về vay vốn của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

Doanh nghiệp đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng lực quản lý, năng lực tài chính còn hạn chế chưa tham gia nhiều các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài. Khả năng tiếp cận chuyển đổi số còn hạn chế; rất ít doanh nghiệp dành kinh phí nghiên cứu triển khai để tạo sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh;

Một số doanh nghiệp chưa có kế hoạch chiến lược phát triển mang tính lâu dài, bền vững nên gặp nhiều khó khăn khi hội nhập quốc tế; nhiều doanh nghiệp không chú trọng phân tích năng lực nội tại cũng như nghiên cứu môi trường kinh doanh bên ngoài để thiết lập lộ trình phát triển cụ thể;

Tỉnh Lâm Đồng còn phụ thuộc một phần từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vì vậy chưa chủ động trong việc xác định nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, việc huy động các nguồn lực bên ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng còn rất nhiều hạn chế, chưa thu hút được các nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, giáo dục - đào tạo...; môi trường đầu tư chưa thật sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược.

  Những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở Lâm Đồng trong thời gian tới

Các doanh nghiệp cần tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0; đồng thời thực hiện việc đào tạo và đào tạo lại đội ngũ quản trị doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế;

 Thực hiện vai trò quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, hàng năm UBND tỉnh Lâm Đồng đều ban hành danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra; các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; thống nhất về phạm vi thanh tra, kiểm tra, thời gian, địa điểm triển khai đối với từng doanh nghiệp để chủ động thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt; không thực hiện thanh tra, kiểm tra chồng chéo 2 lần trở lên tại 01 doanh nghiệp/năm; cũng như chú trọng công tác hỗ trợ, hướng dẫn trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh đúng quy định pháp luật;

UBND tỉnh cần tiếp tục rà soát các chính sách phù hợp, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại trong và ngoài nước để thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, nhân lực và năng lực cạnh tranh thị trường tốt để đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng;

Mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị của họ thông qua các dự án quốc tế để kinh tế tư nhân tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, song hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ; tiếp tục hỗ trợ công tác tập huấn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp định - thương mại tự do mới để trang bị kiến thức hội nhập quốc tế;

Tổ chức đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đ kịp thời nắm bắt, giải quyết, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng theo Quyết định số 970/QĐ-UBND ngày 15/5/2023 của UBND tỉnh; đồng thời, từ năm 2023 định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh có khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.

Các cơ quan chức năng của tỉnh cần làm tốt khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất bền vững cho kinh tế tư nhân. Chú trọng công tác chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức, văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ tinh thần sáng tạo và chiến lược kinh doanh đối với kinh tế tư nhân.

Các cơ quan chức năng của tỉnh cần thực hiện tốt khả năng dự báo thị trường, làm cơ sở định hướng sản xuất cho kinh tế tư nhân. Chú trọng công tác chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức, văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ tinh thần sáng tạo và chiến lược kinh doanh đối với kinh tế tư nhân, nhằm phát huy mọi nguồn lực tổng hợp của kinh tế tư nhân, khai thác lợi thế so sánh tỉnh Lâm Đồng, góp phần phát triển kinh tế xã hội Lâm Đồng toàn diện trong quá trình toàn cầu hoá.

Phạm S - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng