Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, Đà Lạt với nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc trở thành tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm. Đây cũng là điều kiện các công ty lữ hành triển khai lịch trình thời gian lưu trú cho du khách trải nghiệm chi tiêu nhiều hơn, góp phần tạo thêm việc làm đối với người lao động ở thành phố này.
Chợ đêm Đà Lạt hiện đang duy trì hoạt động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai |
Qua khảo sát trong nhiều năm qua, TP Đà Lạt đã diễn ra hoạt động phát triển kinh tế ban đêm thông qua hội chợ thương mại, ẩm thực, khu vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật tập trung khu vực chợ đêm, khu phố đi bộ, quảng trường Lâm Viên, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Tuy nhiên, theo nhận định, các hoạt động kinh tế ban đêm của TP Đà Lạt còn đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, rất cần các giải pháp đồng bộ để hoạt động kinh tế ban đêm tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, du lịch của địa phương...
Ngày 5/7/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP Đà Lạt. Theo đó, trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên thiên, văn hóa người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” làm cơ sở quy hoạch, thu hút đầu tư các khu dịch vụ thương mại trọng điểm và quy mô tập trung, nhằm đáp ứng nhu cầu Nhân dân địa phương và du khách. Mục tiêu hình thành, phát triển mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ, góp phần thay đổi diện mạo ban đêm của Đà Lạt, giảm tải áp lực giao thông khu vực trung tâm, nâng cao thu nhập của người dân.
Cụ thể, đến hết năm 2023, triển khai 4 mô hình kinh tế ban đêm gồm: Công viên nhạc nước tại Vườn hoa TP Đà Lạt; Tuyến phố ẩm thực khu vực đường Trần Lê và hồ Hoàng Văn Thụ; Tuyến phố đêm Khu Hòa Bình, Ba Tháng Hai, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh; Khu vực quảng trường Lâm Viên. Giai đoạn 2023 - 2030 với 4 mô hình kinh tế ban đêm: Khu phố đi bộ - đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng - Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố với chiều dài khoảng 1.600 m; chợ đêm tại khu vực công viên Ánh Sáng; Khu vực công viên mở - Nhà triển lãm - Đường sách tại Công viên Xuân Hương; Tổ hợp các khu, điểm du lịch Thung lũng Tình yêu, Đồi Mộng mơ, Đồi Thống Nhất.
Định hướng phát triển 7 mô hình kinh tế ban đêm tương lai như: Khu Trung tâm Hòa Bình; Công viên Trần Quốc Toản; Khu dân cư Lữ Gia; Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; Khu du lịch hồ Prenn; Khu dân cư mới Cam Ly; Khu phố đi bộ dọc theo suối Cam Ly.
Để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế ban đêm, các cơ quan chuyên trách TP Đà Lạt xác định giải pháp trước mắt cần quy hoạch bổ sung một số tuyến phố ẩm thực xuyên đêm, trung tâm mua sắm, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, công viên, không gian văn hóa, rạp chiếu phim, không gian biểu diễn văn hóa cồng chiêng xung quanh hồ Xuân Hương. Tiếp tục duy trì các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại khu vực quảng trường Lâm Viên như đi bộ, chụp hình check in, trượt patin, văn nghệ đường phố, các nhóm nghệ thuật quần chúng, tạo không gian đặc sắc riêng có của Đà Lạt.
Giải pháp lâu dài cần có nền tảng cơ sở hạ tầng đồng bộ, cơ sở lưu trú, kinh doanh ẩm thực, biểu diễn âm nhạc, giải trí, vui chơi có thưởng kết nối chặt chẽ, tạo điều kiện cho việc quản lý được minh bạch, rõ ràng, hiệu quả. Cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật cho hoạt động phát triển kinh tế ban đêm. Tạo điều kiện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế ban đêm.
Thực tế các sản phẩm du lịch Đà Lạt từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi đó, từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng, doanh thu vượt lên khoảng 70%. Bởi vậy khi có sản phẩm du lịch ban đêm Đà Lạt sẽ giữ chân du khách kéo dài thời gian lưu trú để trải nghiệm, góp phần tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương.