Chưa từng học qua bất cứ trường lớp nào liên quan đến nghề làm nông nghiệp, thế nhưng ít năm trở lại đây, chị La O Thị Xiết - hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nam Hà, huyện Lâm Hà lại tiếp cận, gắn bó và đam mê với cây trồng có nguồn gốc nước ngoài. Không chỉ trở thành nơi thu mua các sản phẩm thô cho các tỉnh lân cận, giờ đây, chị Xiết cùng ông xã đã làm thành phẩm từ Sachi được người tiêu dùng trong và ngoài nước yêu thích.
Sachi được vợ chồng chị Xiết tự tay trồng và chăm sóc |
Đưa chúng tôi thăm nơi trưng bày sản phẩm, giới thiệu nơi đặt máy móc và cả diện tích trồng Sachi sau vườn nhà, chị Xiết bắt đầu cuộc trò chuyện bằng sự cởi mở, nhiệt tình: “Sachi không chỉ giúp vợ chồng tăng thêm thu nhập trong gia đình, mà đó cũng là một cái duyên để tôi có thêm động lực để khởi nghiệp”.
Vốn là người Phú Yên, sau khi lấy chồng, chị Xiết chuyển vào xã Nam Hà an cư, lạc nghiệp. Năm 2017, khi nghe chồng chị - người đồng sáng lập Công ty TNHH Sachi Sao Vàng tâm sự muốn thay đổi cách thức làm ăn, trồng cây gì, nuôi con gì để có thêm nguồn thu nhập. Bởi lẽ, gia đình chồng trước nay chỉ trồng loại cây truyền thống, đó là cà phê nên kinh tế của gia đình không được khấm khá, phát triển.
Tình cờ trong một lần được bạn bè giới thiệu về loại cây trồng Sachi, chồng của chị về bàn với vợ sẽ thử nghiệm trồng, chị đã đồng ý ngay. Sau khi bắt tay vào tìm kiếm, mối bận tâm của chị Xiết chỉ thực sự bắt đầu khi vợ chồng lên mạng quốc tế xem về loại cây này. Càng xem càng say để rồi sau đó, chị quyết định gặp gỡ bạn bè, những người đang trồng loại cây này cùng bàn bạc, phân tích thấu đáo, nhìn thấy tính khả thi trong tương lai nếu tiến hành làm thành phẩm từ hạt của loại cây trồng này vì còn rất mới ở địa phương lúc bấy giờ.
“Mới đầu, khi cây Sachi chưa thực sự có mặt nhiều ở tỉnh Lâm Đồng, vợ chồng tôi kiếm đầu mối thu mua sản phẩm thô ở một số khu vực lân cận như Đắk Lắk, Gia Lai và cả Hà Nội. Dần dần sau này, khi tìm hiểu khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất Lâm Đồng, đặc biệt là ở Lâm Hà phù hợp để trồng Sachi nên sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, hai vợ chồng tôi quyết định vay mượn và thêm nguồn vốn tự có để trồng thử nghiệm cây Sachi. Năm 2017, vợ chồng bắt tay vào làm với hơn 4 sào cà phê được phá bỏ và chuyển hoàn toàn qua trồng Sachi” - chị Xiết nói.
Cũng giống như những người mới chập chững bước vào khởi nghiệp, ban đầu, chị Xiết cũng gặp không ít khó khăn như về vốn, cách trồng, chăm sóc… Tuy nhiên, nhờ có sự đồng hành của ông xã, chị Xiết mạnh dạn hơn trong việc trồng và làm thành phẩm từ Sachi.
“Hiện vợ chồng chị đang sử dụng 1 nhà xưởng với diện tích 150 m2, bao gồm các trang thiết bị như máy ép dầu; máy sấy; máy chà hạt; máy hút chân không. Ngoài thu mua các sản phẩm thô, chị còn chọn lọc loại Sachi chất lượng của nhà trồng để chế biến thành phẩm từ hạt Sachi. Hiện, sản phẩm của chị có Sachi Tỏi Ớt, Sachi nước Cốt Dừa, Sachi Cà Phê - Ca Cao và đặc biệt chế biến tinh dầu Sachi mang lại nguồn dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng từ sản phẩm hạt Sachi” - chị Xiết giãi bày.
Ngay từ khi bán sản phẩm ra thị trường, sản phẩm đã tạo được sự tin tưởng từ thương hiệu Sachi của một số công ty và thương lái tại thị trường trong nước và ngoài nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Campuchia… Với những hiệu quả và công dụng của hạt Sachi mang lại, sau ba năm chính thức xây dựng thương hiệu và làm thành phẩm từ Sachi, số lượng hàng tiêu thụ của chị Xiết tăng trưởng đáng kể theo từng năm. Theo đó, với giá bán 600.000 đồng/lít tinh dầu Sachi, trong năm 2020 xuất ra thị trường trong nước 110 lít cho doanh thu 66 triệu đồng và xuất ra thị trường Lào, Indonesia là 475 lít, doanh thu đạt 285 triệu đồng. Năm 2022, xuất ra thị trường Lào, Indonesia là 500 lít tinh dầu, đạt doanh thu 300 triệu đồng.
Từ việc mạnh dạn khởi nghiệp với loại cây trồng có xuất xứ từ nước ngoài, bước đầu vợ chồng chị Xiết đã có những thành tích nhất định như năm 2020 được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Được UBND tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng năm 2021. Cùng thời điểm, sản phẩm đã được chứng nhận đạt chất lượng tốt từ Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2022, sản phẩm được EFC chứng nhận cấp cho Dự án đạt tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 với phạm vi chứng nhận cho loại hình sản xuất và kinh doanh các loại dầu thực vật: Rang, đóng gói các loại hạt, đóng gói và thương mại thực phẩm các loại.
Chị Hoàng Thị Nhung - Chủ tịch Hội LHPH Nam Hà cho biết: Dự án chế biến thành phẩm Sachi là mô hình kinh tế mới tại xã Nam Hà. Từ ý tưởng khởi nghiệp của bản thân đã thu hút và giải quyết việc làm cho đối tượng là phụ nữ tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế khả năng nhân rộng mô hình cho các đơn vị, địa phương, các hộ sản xuất, kinh doanh học tập làm theo, tạo thành một chuỗi liên kết về phát triển mô hình theo hướng phát triển bền vững để xuất ra thị trường tinh dầu Sachi đạt hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù bước đầu có những khó khăn nhất định như vốn thực hiện chưa có nguồn hỗ trợ, tuy nhiên, tính thời điểm hiện tại, dự án chế biến thành phẩm Sachi của chị Xiết đã tăng trưởng ổn định góp phần vào sự phát triển chung của xã Nam Hà.