Theo khảo sát của VECOM, tỷ lệ các doanh nghiệp có website và ứng dụng di động không thay đổi nhiều, trong khi đó tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp song lại phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp.
• CHẤT LƯỢNG WEBSITE, ỨNG DỤNG DI ĐỘNG NGÀY CÀNG CAO
Theo khảo sát của VECOM, tỷ lệ các doanh nghiệp có website và ứng dụng di động không thay đổi nhiều. Một trong các nguyên nhân có thể là số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2022 và kéo dài tới hết quý I/2023 rất cao. Mặc dù website và ứng dụng di động có ý nghĩa kinh doanh lâu dài và nâng tầm thương hiệu nhưng doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh có thể ưu tiên kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hay mạng xã hội.
Tuy nhiên, tỷ lệ các website tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến với khách hàng đã đạt tỷ lệ 78%, đồng thời trong hai website có tương tác trực tuyến với khách hàng thì có một sử dụng chatbot tự động. Đáng chú ý là năm 2022, tỷ lệ website có phiên bản di động đã lên tới 22%. Bên cạnh website, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng ứng dụng di động phục vụ kinh doanh cũng tăng đều qua các năm và trong số ba ứng dụng di động thì có hai ứng dụng hỗ trợ đầy đủ hoạt động mua sắm của khách hàng.
Tuy chất lượng các website tăng lên nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá bán hàng trên mạng xã hội và sàn TMĐT đạt hiệu quả cao hơn. Điều này phản ảnh thực tế là ngoài chức năng giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu thì để duy trì được website tích hợp đầy đủ các chức năng bán hàng, thanh toán, giao hàng… là không đơn giản. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, cứ hai doanh nghiệp có website thì một doanh nghiệp cho rằng website mang lại hiệu quả cao. Có thể các doanh nghiệp này đã dành nguồn lực vận hành website cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh nội địa.
Năm 2022 và ba tháng đầu năm 2023, những nền tảng hàng đầu như sapo, haravan hay kiotViet tiếp tục tăng trưởng nhanh. Chẳng hạn, sapo và haravan đều đạt mức tăng trưởng lên tới 25%, đặc biệt, số lượng khách hàng là thương nhân ở các địa phương ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trên các nền tảng này tăng mạnh.
• TÊN MIỀN QUỐC GIA TĂNG TRƯỞNG CHẬM
Tỷ lệ doanh nghiệp có website thay đổi rất nhỏ trong những năm qua phản ảnh tỷ lệ tăng trưởng của tên miền quốc gia “.vn”. Tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp. VECOM cũng như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đều chung nhận định doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần xây dựng website nhằm hiện diện trên môi trường trực tuyến, tạo niềm tin cho khách hàng, chủ động quản lý nội dung, trực tiếp nhận phản hồi từ khách hàng, tạo hệ sinh thái kinh doanh với các đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, tiếp thị số… Tuy nhiên, khảo sát của VECOM cho thấy trong vài năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp có website hầu như không thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ này của năm 2022 là 42%, xấp xỉ tỷ lệ của ba năm trước đó. Tỷ lệ tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp có website phần nào phản ảnh tốc độ tăng trưởng thấp tương ứng của tên miền “.vn” duy trì.
Khảo sát gần 50.000 website thương mại điện tử của VECOM trong quý I/2023 cho thấy, tỷ lệ website sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và quốc tế “.com” tương ứng là 56% và 38%. Tỷ lệ website sử dụng tên miền khác là 6%. Những tỷ lệ này ổn định từ năm 2016 tới nay và phản ảnh tên miền quốc gia “.vn” có sự hấp dẫn khá cao đối với thương nhân.
Xét theo địa phương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương thống trị về tên miền “.vn” duy trì với số lượng năm 2021 là 0,39 triệu và 2022 là 0,40 triệu, chiếm 73,8% và 72,1% tên miền cả nước. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tên miền của hai địa phương dẫn đầu này năm 2022 chỉ là 2,5%, thấp hơn tốc độ chung của cả nước là 3,1%. Hầu hết các địa phương còn lại có tốc độ tăng trưởng tên miền “.vn” duy trì khá cao do xuất phát điểm quá nhỏ.
Rõ ràng cần phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn chính sách thu hẹp khoảng cách số nói chung và TMĐT nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu tới năm 2025 quy mô TMĐT của 61 địa phương ngang với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và chiếm 50% cả nước.
Việc hỗ trợ các địa phương nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của website và tên miền là một giải pháp thiết thực để thu hẹp khoảng cách đó, đồng thời, cũng góp phần phát triển tên miền “.vn” nói riêng và TMĐT chung.
VNNIC đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta có tối thiểu một triệu tên miền “.vn”. Theo tính toán của VECOM mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu tốc độ tăng trưởng trung bình tên miền cho ba năm còn lại trên 20% mỗi năm.
Có thể thấy tốc độ tăng trưởng tên miền quốc gia tuy chậm lại nhưng nếu so sánh một cách tương đối với tỷ lệ tăng trưởng của tên miền toàn cầu nói chung và tên miền quốc gia nói riêng của các nước thì tên miền quốc gia “.vn” vẫn có tốc độ tăng trưởng khá trong giai đoạn vừa qua. Nếu xét tới xu hướng tăng trưởng tên miền quốc gia “.vn” và các tên miền quốc gia khác trên thế giới trong vài năm gần đây có thể thấy cần có sự nỗ lực rất lớn của VNNIC cũng như nhiều tổ chức khác để đạt được mục tiêu này.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng tên miền “.vn” có sự tương đồng với mục tiêu tăng trưởng số lượng doanh nghiệp. Năm 2016, Chính phủ ban hành đề ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có một triệu doanh nghiệp, nhưng theo Tổng cục Thống kê, đến 31/12/2020 số doanh nghiệp đang hoạt động là 0,68 triệu, chiếm từ 68% mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là lý do khiến mục tiêu phấn đấu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là một thách thức rất lớn. Hơn nữa, chất lượng của các doanh nghiệp có thể còn quan trọng hơn số lượng doanh nghiệp.
Từ việc đặt ra mục tiêu số lượng doanh nghiệp tới thực tiễn đạt được có ý nghĩa lớn đối với việc triển khai các giải pháp để đạt được một triệu tên miền “.vn” vào năm 2025. VNNIC sẽ triển khai một số giải pháp đột phá như mở rộng không gian tên miền “.vn”, giảm chi phí đăng ký, duy trì tên miền, ưu đãi đăng ký tên miền hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập, hộ kinh doanh và giới trẻ. Bên cạnh các giải pháp trên, VNNIC cần phối hợp hoạt động với nhiều tổ chức khác, đặc biệt là sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương lẫn các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo cũng như doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đông đảo công dân.