Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nông dân trẻ làm nông nghiệp tuần hoàn

  • 18/01/2024
  • s 10:17

Một nông dân còn rất trẻ, từ phố thị trở lại với cuộc sống, gắn với cây, với  những con vật nuôi bình dị. Người thanh niên ấy xây dựng một trang trại khép kín, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo môi trường nông thôn trong sạch.

Trần Hữu Nguyễn trong trại nuôi trùn quế

Trần Hữu Nguyễn trong trại nuôi trùn quế

Trần Hữu Nguyễn, nông dân thôn Thiện Chí, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng vốn làm việc tại TP Hồ Chí Minh suốt 10 năm với ngành design - thiết kế. Sau đại dịch COVID-19 và vì sức khoẻ của người cha, Nguyễn trở lại Thiện Chí, gắn bó với đất đai như cha mẹ mình. Hữu Nguyễn bảo, nhà neo người quá, lúc ấy bạn không có lựa chọn khác. Và trên mảnh đất quê hương, Nguyễn đã thực hiện những ấp ủ của mình về một mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Năm 2021, Nguyễn làm chuồng nuôi heo rừng lai, vật nuôi khá phổ biến tại vùng đất cao nguyên. Heo hay ăn, chóng lớn, sinh sản nhiều nên lợi ích kinh tế khá tốt. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi lượng phân heo gây mùi khó chịu, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Và Nguyễn lại mày mò tìm hướng xử lý. Cuối cùng, trại nuôi trùn quế ra đời, cách để xử lý triệt để lượng phân heo trong trang trại. Chính trại trùn quế của Trần Hữu Nguyễn đã cho thấy một cách nghĩ mới, một cách làm mới đã mang lại hiệu quả lớn cho người nông dân.

Trại nuôi trùn quế của Trần Hữu Nguyễn có 6 ô, là những bể xi măng được xây dựng kéo dài với chiều cao khoảng 40 cm. Dưới đáy bể, Nguyễn sử dụng lưới lót để đảm bảo thoát nước tốt hơn. Sau đó, chỉ việc đổ phân heo và trùn giống vào, những con trùn ăn phân, thải ra một lượng phân trùn giàu dinh dưỡng, dễ hấp thu với cây trồng. Nguyễn chia sẻ: “Đức Trọng cũng có nhiều nông trại nuôi trùn quế. Như trại của tôi được xây dựng khá đơn giản, chỉ dựng bằng cọc sắt, trên che bằng giấy tráng bạc chuyên dụng, phủ lưới đen. Tuy nhiên, khác với nhiều trang trại khác, tôi có lắp đặt hệ thống tưới nước cho trại nuôi, khi trời nóng sẽ tưới vào từng ô nuôi, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm tốt nhất cho trùn sinh trưởng. Nước thừa được chảy hết ra ngoài theo các lỗ thoát nước xây sẵn, đảm bảo ô nuôi luôn thoáng, không ngập úng”. Nguyễn cho biết, chỉ cần đổ phân vào từng ô nuôi, sau 3 - 4 tháng trùn sẽ tiêu hoá hết, thải ra một lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt. Khi thu hoạch, gạt nhẹ lớp sinh khối phía trên là có thể thu được lớp phân dày phía dưới. Hiện tại, mỗi tháng Nguyễn đang thu được 15 tấn phân trùn, bán trên thị trường với giá 3,5 triệu đồng/tấn.  

Ngoài thu hoạch từ phân trùn, Nguyễn còn có thu từ trại heo lai. Anh cho biết, trang trại có 10 heo nái và 1 heo đực giống. Đặc thù của heo rừng lai là heo nái sinh dày và rất dễ. Mỗi năm, heo nái sinh 2 lứa, từ 8 - 12 con/lứa. Nguyễn chỉ nuôi từ 6 - 8 tháng là cho xuất chuồng. Anh liên kết với các nhà hàng, đưa heo sữa quay, heo rừng chế biến các món phục vụ tận nơi nên được nhiều nhà hàng, nhiều gia đình ưa chuộng. Heo rừng lai nuôi rất đơn giản, với cám bắp, thân chuối, men vi sinh là đảm bảo heo mau lớn, không bệnh tật, thịt đậm đà. Anh cũng chia sẻ, heo thương phẩm anh không nuôi quá lâu, thường bán nhanh trong năm khi trọng lượng còn nhỏ vì giảm chi phí đồng thời heo nhỏ, ít mỡ nên người tiêu dùng thích hơn loại heo to, khổ mỡ dày. 

Chuối cũng là sản phẩm có tiếng của nông trại. Trên mảnh đất đồi, Trần Hữu Nguyễn trồng 400 bụi chuối Laba, sử dụng chính phân trùn để bón. Hợp đất, hợp phân, chuối ra nhiều buồng, vị trái chín dẻo, ngọt, được cung cấp rộng rãi với thương hiệu chuối sạch. Sau khi thu hoạch, thân chuối trở thành thức ăn cho bầy heo. Nguyễn chia sẻ: “Thịt heo rừng lai, trái chuối từ trang trại Gia Nguyễn đều được thị trường ưa chuộng và có giá tốt. Nguồn thu từ phân trùn, chuối, heo rừng cũng mang lại thu nhập ổn định. Đặc biệt, trang trại khép kín, tiêu thụ hết những sản phẩm bên trong nên chi phí giảm nhiều. Vấn đề môi trường cũng được đảm bảo, nuôi heo nhưng vì nuôi trùn xử lý phân nên không có chất thải dư, không có mùi gây ảnh hưởng xấu tới xung quanh”. 

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đánh giá, Trần Hữu Nguyễn là một gương nông dân trẻ điển hình. Trang trại nuôi trùn quế của Nguyễn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân quanh vùng. Nguyễn cũng tham gia Dự án Xử lý chất thải của Hội Nông dân Việt Nam, tiếp thu nhiều kiến thức mới từ các chuyên gia nước ngoài và sẵn sàng chuyển giao lại kiến thức cho bà con nông dân. Bạn cũng là nông dân trẻ được huyện Đức Trọng tuyên dương “Gương sáng đời thường” năm 2023.

DIỆP QUỲNH