Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Người trồng cà phê Di Linh thắng lớn

  • 25/01/2024
  • s 15:44

Giá cà phê liên tục lập đỉnh, người trồng cà phê Di Linh có được một mùa bội thu, phấn khởi trước thềm năm mới.

Bà Lương Thị Sinh đang phơi cà phê

Bà Lương Thị Sinh đang phơi cà phê

Ở thủ phủ cà phê Di Linh, những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, câu chuyện về giá cà phê cũng như niềm vui của một mùa vụ bội thu xuất hiện khắp nơi nơi. Giá cà phê liên tục tăng, tại các địa điểm thu mua cà phê bảng giá thay đổi liên tục theo từng giờ, không ít người trồng tỏ ra tiếc nuối vì đã bán “vội” trước đó.

Sau khi thu hoạch, gia đình bà Lương Thị Sinh (Thôn 7, xã Tân Châu) đang thuê 4 nhân công tập trung cắt tỉa cành, tạo tán giúp cây nhanh phục hồi để đón mùa hoa mới, chuẩn bị cho vụ năm sau. Cả đời gắn bó với cây cà phê nhưng chưa năm nào bà “đứng ngồi không yên” với giá cà phê như năm nay. “Cũng là hi hữu thôi nhưng phải nói là không bao giờ ngờ đến. Mới đêm hôm qua giá cà phê lại tăng thêm một trăm mấy chục đô nữa, không biết còn tăng đến mức nào. Làm mình cũng thao thức, vừa mừng vừa lo, đêm nào cũng chăm chú theo dõi để nắm bắt thông tin”, bà Sinh chia sẻ.

Bởi chẳng năm nào như năm nay, giá cà phê cứ tiếp đà đi lên, nông dân ai nấy đều phấn khởi. Bà Sinh cũng đã tranh thủ bán 2 tấn cà phê nhân để có chi phí trả công hái cũng như tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Cà phê lên giá, chi phí nhân công cắt cành, hái, phơi, xay nhân cũng đội lên đáng kể.

Những năm trước, giá cà phê ở mức thấp cũng khiến gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cũng vì gia đình không có nhiều nhân lực, bà Sinh chuyên tâm thực hiện khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương, thận trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung tái canh, cải thiện chất lượng giống cà phê nên cho sản lượng cao, khoảng 5 - 6 tấn. Với hơn 5 ha cà phê, bà Sinh còn khoảng hơn 20 tấn cà phê nhân khô để dành. Năm nay dự kiến sẽ có mức thu nhập kỷ lục thế nên cũng như bao gia đình khác, bà cũng hân hoan để đón một cái Tết sung túc, đủ đầy.

Ông Trần Đình Đức - Chủ tịch UBND xã Tân Châu cho biết, sau nhiều năm được mùa mất giá, phải rất lâu mới thấy nông dân trồng cà phê phấn khởi. Dẫu không còn ở thế độc canh nhưng cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, giúp người dân trong xã ổn định cuộc sống. Cách đây hơn 20 năm cũng nhờ cây cà phê mà xã Tân Châu được biết đến với mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Năm nay, nhờ giá cà phê ổn định và tăng cao, thu nhập bình quân đầu người và giá trị sản xuất/ha canh tác cũng tăng đáng kể, vượt xa kế hoạch đề ra. Ngoài lợi thế địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng cây cà phê thì bà con nông dân ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng vườn cây bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, sản xuất theo hướng hữu cơ nên năng suất cây trồng duy trì ổn định.

Địa phương cũng đã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp cho người dân về chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi; vận động người dân mở rộng diện tích tái canh cà phê và chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết, liên doanh với hợp tác xã (HTX) và nông dân nhằm giảm chi phí đầu vào, ổn định về giá đầu ra; vận động nông dân phát triển kinh tế trang trại và tham gia HTX, phát huy hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp, HTX Cà phê Hoa Linh …

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Di Linh, cây cà phê vẫn được vị thế là cây chủ lực trên địa bàn với tổng diện tích trên 45.600 ha, sản lượng năm 2023 dự kiến khoảng 157.000 tấn. Canh tác cà phê đang được bà con nông dân chuyển đổi dần từ sản xuất theo phương thức truyền thống sang sản xuất theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng; sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng cao..., sản xuất kết hợp với sơ chế, chế biến góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. 

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện chủ trì thực hiện triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc, phối hợp với các doanh nghiệp thu mua cà phê để tổ chức tập huấn, hỗ trợ nông dân canh tác sản xuất cà phê bền vững, gắn với bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện đã được cấp 4 mã vùng trồng, trong đó 3 vùng trồng cà phê. Nhãn hiệu Cà phê Di Linh cũng được các đơn vị khai thác có hiệu quả, nâng cao giá trị cà phê trên thị trường. 

Vào thời điểm này, cơ bản người dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong, chỉ còn một số vườn sản xuất theo hướng hữu cơ, nguyên liệu cà phê chất lượng cao với tỉ lệ hái chín trên 90% bước vào cuối vụ. Theo ông Trần Mai Bình - Giám đốc HTX cà phê Hoa Linh (xã Tân Châu), với giá cà phê như hiện tại, nông dân trên địa bàn “thắng lớn”. Tuy nhiên cũng vô hình trung gây ra một số khó khăn trong việc liên kết, thu mua theo hợp tác của các doanh nghiệp, HTX. Trong tương lai, dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục có những biến động, chính vì vậy người dân cũng cần tập tập trung đầu tư, thâm canh, tái canh cà phê theo chiều sâu, lấy chất lượng, giá trị là mục tiêu xuyên suốt để đảm bảo hướng phát triển bền vững.

H.THẮM - V.QUỲNH