Hỗ trợ khách du lịch
0263 372 5555
Đường dây nóng
0263 396 9798
Hòm thư
duongdaynong@lamdong.gov.vn
Địa chỉ
36 Trần Phú - Phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Thay đổi tư duy trong phát triển du lịch

  • 01/03/2024
  • s 10:16

Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Khách du lịch đạp xe dã ngoại trong Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Ðồng Nai. (Ảnh HỒNG ÐẠT)
Khách du lịch đạp xe dã ngoại trong Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Ðồng Nai. (Ảnh HỒNG ÐẠT)

Phát triển du lịch chính là góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước. Là quốc gia giàu tiềm năng nhưng Việt Nam chưa khai thác hết các lợi thế để phát triển du lịch bền vững, do đó việc tiếp tục đổi mới và thay đổi tư duy làm du lịch là yêu cầu tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Thực tế cho thấy tiềm năng của du lịch Việt Nam là rất lớn. Chúng ta có lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, truyền thống văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em với hàng nghìn lễ hội và các di tích lịch sử, khảo cổ, làng nghề thủ công mỹ nghệ... Về tiềm năng con người, chúng ta có lực lượng lao động trẻ hùng hậu, có đội ngũ người làm du lịch được từng bước đào tạo bài bản. Ở nhiều địa phương, du lịch đã và đang chiếm ưu thế trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và sinh kế cho hàng triệu người lao động.

Năm 2023, sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch phục hồi, đạt được những con số ấn tượng. Tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt khách, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách đặt ra từ đầu năm. Tổng số khách du lịch nội địa cả năm 2023 đạt 108 triệu lượt người, vượt 5,8% so với kế hoạch đầu năm. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Kết quả này hết sức đáng mừng, nhưng nếu quan sát trên thực tế thì ngành du lịch vẫn đang còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cũng như còn một số hạn chế.

Mặc dù lạc quan về số lượng du khách tăng hàng năm, nhưng so với tiềm năng tính hiệu quả, bền vững của du lịch Việt chưa cao. Các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, phần lớn vẫn ở dạng “thô” nhiều hơn “tinh”. Chủ yếu ngành du lịch vẫn cung cấp các sản phẩm dịch vụ sẵn có, mà còn thiếu sự sáng tạo các sản phẩm theo nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Theo đánh giá của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (tên cũ là Tổng cục Du lịch), phần lớn sản phẩm du lịch Việt mới tiếp cận được thị trường du lịch ở mức trung bình, chưa tiếp cận được thị trường cao cấp, trong khi đây mới thực sự mang lại nguồn thu lớn. Các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa gỡ bỏ được tư duy “ăn sẵn”, nghĩa là chỉ cung cấp các dịch vụ dựa trên những tài nguyên, tiềm năng có sẵn của địa phương. Thậm chí ở một số nơi, tình trạng khai thác du lịch tự phát, thiếu trách nhiệm còn dẫn đến nguy cơ phá hủy, làm mai một các giá trị văn hóa bản địa.

Bên cạnh sự nhàm chán, phần nào thiếu hấp dẫn của sản phẩm du lịch, thực trạng về cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu cơ sở lưu trú đạt chất lượng, giao thông tắc nghẽn, sân bay, nhà ga quá tải lúc cao điểm mùa du lịch cũng là một điểm trừ trong sự lựa chọn của du khách trong nước và ngoài nước.

Nạn chèo kéo du khách, ăn chặn khách du lịch vẫn còn tồn tại. Vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch vẫn còn nhiều lo ngại. Ðội ngũ nhân lực làm du lịch dù đông đảo nhưng chưa đồng bộ, chưa chuyên nghiệp, còn tồn tại tư duy làm du lịch theo mùa, chộp giật, “ăn xổi” thiếu tầm nhìn dài hạn ở không ít địa phương.

Công tác quản lý với các chính sách ưu tiên cho du lịch mặc dù đã cải thiện, nhưng vẫn còn những điểm lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Vấn đề xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng còn nhiều bất cập... Tất cả những yếu tố kể trên trở thành rào cản lớn khiến cho tỷ lệ khách du lịch quay lại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng lần hai khá khiêm tốn.

Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đổi mới tư duy làm du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Không chỉ riêng Việt Nam, sau đại dịch Covid-19 nhiều nước trên thế giới đều phải nhìn nhận, đánh giá, tư duy lại cách làm du lịch. Một số cách thức cũ đã không còn phù hợp bởi du lịch vốn là một ngành kinh tế dễ bị tổn thương, nhất là sau khi xảy ra các biến động xã hội. Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới ngày 27/9/2023 Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili nhận định, các quốc gia “cần suy nghĩ lại về cách thức đầu tư cho du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư vào các dự án du lịch giàu tiềm năng tạo ra sự khác biệt”.

Tháng 11/2022, tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra rằng xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi phải có tư duy đổi mới, cách tiếp cận mới, cách làm mới để phát triển ngành du lịch.

Cũng cần nhắc lại rằng từ năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW (ngày 16/1/2017) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định việc đổi mới nhận thức tư duy về phát triển du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm. Vấn đề nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam chính là cơ sở để đổi mới cách nghĩ cách làm du lịch trong thời kỳ hội nhập.

Ðến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 147/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc tập trung vào nhóm các giải pháp đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững.

So với các ngành kinh tế khác, du lịch thậm chí còn đi trước, luôn đòi hỏi sự nhanh nhạy, sáng tạo, đa dạng và hấp dẫn trong các dịch vụ. Ở các nước phát triển, du lịch cập nhật thường xuyên các yếu tố về công nghệ, văn hóa, liên tục tạo ra những hình thức du lịch mới, mời gọi sự tò mò khám phá của du khách.

Không thể phủ nhận trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại hình giải trí như hiện nay, yêu cầu của khách du lịch ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tính đa dạng, độc đáo cũng như sự trải nghiệm. Từ đây, cho thấy chỉ có thay đổi trong tư duy mới dẫn đến những thay đổi trong hành động thực tế để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hội nhập thế giới và phát huy tính cạnh tranh.

Muốn thu hút khách du lịch, Việt Nam cần phải năng động, linh hoạt hơn trong cách làm du lịch. Giải pháp gốc rễ hàng đầu là không ngừng thay đổi nhận thức từ các cấp quản lý đến doanh nghiệp và người dân. Cần hiểu sâu sắc rằng du lịch là một ngành bao chứa trong đó cả giá trị về kinh tế và văn hóa, góp phần ổn định môi trường chính trị, đối ngoại cũng như an ninh quốc phòng. Vì thế, mỗi sản phẩm du lịch được xây dựng phải thỏa mãn nhu cầu của du khách, phù hợp xu thế, nhưng đồng thời cũng tôn trọng, tôn vinh các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Rõ ràng đã đến lúc thay đổi từ việc “cung cấp cái mình có” sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần, phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự phong phú, an toàn, lành mạnh, mến khách. Với bản chất là một ngành dịch vụ, do đó, yếu tố con người trong phát triển du lịch luôn cần được quan tâm, đề cao.

Bên cạnh việc đào tạo đội ngũ phục vụ trực tiếp các dịch vụ du lịch, thì việc “đào tạo” cộng đồng dân cư văn minh, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ là vô cùng quan trọng. Ðặc biệt cần phát huy tính sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch để không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, mỗi địa phương.

Nhận thức này sẽ tránh được việc khai thác du lịch theo lối “tận thu”, tác động tiêu cực, thậm chí làm biến dạng các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống, vốn là một trong những cơ sở quan trọng để sáng tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn. Công tác quản lý du lịch cần thay đổi tư duy theo hướng chuyên nghiệp, theo quy luật của kinh tế thị trường.

Các chính sách cần phù hợp để thuận tiện cho du khách, nhất là khách quốc tế; đồng thời cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác xúc tiến tuyên truyền, quảng bá. Truyền thông nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong ứng xử với du khách, môi trường, cảnh quan, danh lam thắng cảnh. Những hành động đẹp, văn minh, tử tế sẽ tăng thêm sự hài lòng cho du khách, tăng thêm tính chuyên nghiệp cho du lịch địa phương.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, cứ 10 người lao động trên thế giới có một người làm việc trong ngành du lịch. Ðiều này cho thấy ngành “công nghiệp không khói” chiếm vị trí đặc biệt trong bức tranh kinh tế mỗi quốc gia và toàn cầu. Trong “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tầm nhìn 2030” của Chính phủ cũng đã nhấn mạnh việc phát triển ngành du lịch như một yếu tố trọng tâm của phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 đến 3.200 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào GDP 15-17%, tạo ra 8,5 triệu việc làm cho người dân.

Về khách du lịch, phấn đấu đón 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa. Ðể đạt được những mục tiêu này, Chính phủ cùng ngành văn hóa và các ngành liên quan đã dành nhiều chính sách ưu tiên cho du lịch, nhằm sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp văn hóa, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển văn hóa đất nước. Soi chiếu vào những mục tiêu quan trọng đó, việc thay đổi tư duy chính là yếu tố sống còn để thu hẹp khoảng cách giữa du lịch trong nước và thế giới, tạo ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao uy tín, vị thế của du lịch Việt.

VŨ QUỲNH TRANG