Với vai trò là một đảng viên, những năm qua, ông Lê Văn Rụ ở thôn Tân Tiến, xã Đạ R’sal (Đam Rông) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Từ mô hình đa canh hiệu quả, đến nay, ông Lê Văn Rụ đã trở thành đầu tàu gương mẫu cho người dân trong vùng học tập và noi theo.
Ông Lê Văn Rụ là một trong những đảng viên làm kinh tế giỏi ở xã Đạ R’sal |
Những ngày đầu vào Đam Rông làm kinh tế, gia đình ông Rụ cũng gặp không ít khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất lẫn kiến thức khoa học - kỹ thuật. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Rụ đã vận động vợ con tập trung canh tác lúa nước và cây hoa màu các loại để phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, sầu riêng... Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương khá ưu đãi, phù hợp phát triển cây công nghiệp dài ngày, nên gia đình ông đã từng bước chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm và canh tác trên 1 ha cà phê.
Ông Lê Văn Rụ chia sẻ, trước khi thành lập huyện Đam Rông, trong vùng thuộc xã Đạ R’sal ngày nay chỉ có 9 hộ dân làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Thời điểm đó, gia đình ông trồng 3 sào dâu và giá kén tằm trên thị trường ở mức 50 ngàn đồng/kg. “Thấy hiệu quả từ trồng dâu, nuôi tằm, những năm sau đó, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng dâu trên địa bàn xã Đạ M’rông được 1 ha, rồi đến năm 2016 tiếp tục mở thêm với diện tích 1,6 ha. Với diện tích này, hằng tháng gia đình tôi nuôi 6 hộp tằm con, đồng thời, vận động bà con dân tộc thiểu số (DTTS) ở thôn Đa Tế, xã Đạ M’rông cùng làm theo; hỗ trợ bà con cây giống, dụng cụ nuôi tằm lẫn kinh nghiệm trong chăn nuôi. Hiện gia đình tôi đang duy trì trồng 1 ha dâu, số diện tích còn lại cho các hộ khác thuê với giá 10 triệu đồng/1 sào/năm” - ông Lê Văn Rụ nói.
Từ thành quả lao động sản xuất, đến nay, đời sống của gia đình ông Lê Văn Rụ đã được cải thiện và nâng lên đáng kể. Ông đã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mở rộng kho bãi kinh doanh vật tư phân bón, đầu tư xây dựng lò sấy cà phê (theo hình thức Nhà nước hỗ trợ 50%), mua sắm dụng cụ máy móc phục vụ sản xuất cũng như nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị. Trong những năm giá cả cà phê bấp bênh, ông Lê Văn Rụ đã quyết định phá bỏ 1 ha cà phê để chuyển sang trồng cây sầu riêng, mở cơ sở làm bi cống, vừa tăng thêm thu nhập vừa tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Đồng thời, tích cực hỗ trợ về cây, con giống để nhiều hộ nông dân ở thôn, xã nhất là bà con DTTS trong vùng biết cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất, hỗ trợ ứng trước phân bón đầu tư cho cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế để góp phần giúp những hộ khó khăn tự vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Là đảng viên, Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, ông Lê Văn Rụ luôn nhiệt tình với cộng đồng, ông không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cách làm ăn của mình cho bà con học hỏi, làm theo để đạt hiệu quả kinh tế cao. Còn trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới, ngoài hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, cách sử dụng nguồn vốn có hiệu quả thì trong năm 2024 này, ông Lê Văn Rụ đã cùng Chi bộ, Ban Nhân dân thôn tăng cường tuyên truyền, vận động bà con trong thôn đăng ký xây dựng các công trình đường hoa, đường cờ và đường điện thắp sáng...
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ R’sal Phùng Văn Thế cho biết: “Ông Lê Văn Rụ luôn cần cù, nỗ lực vượt khó vươn lên, là một trong những gương điển hình đảng viên làm kinh tế giỏi của xã. Trong nông nghiệp, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, nên gia đình ông đã có cuộc sống khá giả. Bà con xung quanh tin tưởng ông Rụ để học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất, từng bước vươn lên làm giàu”.