Với loại cây trồng một lần ăn hàng chục năm, không cần thay giống theo mùa, theo vụ, thu trái ngọt, làm trà từ cuống trái, làm nước ép từ thịt trái; cây phúc bồn tử đang trở thành sản phẩm đặc trưng của Nga Tín Farm - một nông trại ngoại ô Đà Lạt.
Anh Huỳnh Trần Tuyên trong vườn phúc bồn tử 6 năm |
Anh Huỳnh Trần Tuyên là một nông dân còn trẻ. Là cư dân gốc thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, anh Huỳnh Trần Tuyên quen với cây hồng, cây cà phê và các loại la-gim truyền thống. Từ năm 2018 tới nay, trang trại Nga Tín Farm của gia đình anh đã chuyển hướng sản xuất, chuyển đổi sang trồng một loại cây khá mới mẻ với người ngoại ô: cây phúc bồn tử.
“Nông dân Đất Làng chúng tôi thường trồng hồng, rau, cà phê, chưa có ai trồng cây phúc bồn tử. Bản thân gia đình tôi, khi tiếp cận với dòng cây mới này cũng rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, đây là một loại cây ăn trái lâu năm, trồng một lần và ăn nhiều năm nên quyết tâm thử nghiệm”, anh Huỳnh Trần Tuyên chia sẻ. Phúc bồn tử Đà Lạt cần phải trồng trong nhà kính. Vì vậy, anh đã làm 5 sào nhà màng để xuống giống 2.000 gốc phúc bồn tử. Cây phúc bồn tử phát triển rất nhanh. Chỉ trồng sau bốn tháng, cây bắt đầu ra hoa, kết trái và cho thu hoạch.
Theo anh Tuyên, cây phúc bồn tử muốn ra hoa, kết quả tốt cần giữ cây thông thoáng, ở chiều cao 1,2 - 1,3 m. Vì vậy, gia đình anh tỉa một tháng một lần, những cành nào già, anh cắt bỏ. Điều rất đặc biệt, cắt cành xong là chồi mới mọc ngay, sau 15 ngày chồi mới đạt chiều dài 80 cm và bắt đầu tiếp tục ra hoa, kết quả. Chính vì khả năng tái sinh, sinh trưởng mạnh mẽ nên phúc bồn tử được trẻ hoá liên tục, theo anh Tuyên được biết, có những vườn đã trồng 10, 15 năm mà vẫn cho thu hoạch đều đặn. Như vườn phúc bồn tử của anh được trồng sáu năm, cây vẫn giai đoạn rất tơ, năng suất ổn định.
“Vì trồng trong nhà kính, không có nước trời tự nhiên nên muốn cây phúc bồn tử lâu bền, phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Như phúc bồn tử tại vườn của chúng tôi, yêu cầu lượng phân hữu cơ dồi dào. Cây không cần nhiều nước nhưng phải tưới thường xuyên. Hiện tại, vườn đang tưới bằng hệ thống tưới phun, một ngày tưới bốn lần và mỗi lần với lượng nước khá ít. Phúc bồn tử là loại cây ăn trái trực tiếp nên vấn đề phòng ngừa sâu bệnh hại được Nga Tín Farm quản lý rất chặt chẽ”, anh Huỳnh Trần Tuyên cho biết. Anh Tuyên căng các dải băng trong vườn phúc bồn tử, chuyên dùng để bẫy các loại côn trùng. Các dải băng bẫy côn trùng đã giúp hạn chế lượng côn trùng gây hại tới mức thấp nhất, giữ an toàn cho vườn.
Phúc bồn tử là một loại trái có họ với dâu tằm nên khá mềm. Vì vậy, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển phúc bồn tử đi xa cũng là thách thức của nhà vườn. Trái mềm nên thường nhà vườn thu hoạch khi trái vừa chín tới, còn giữ được độ cứng nhất định. Trái được bọc bằng giấy chuyên dụng và bỏ vào hộp, gửi đến đối tác tiêu thụ. Theo anh Tuyên, phúc bồn tử thu hái mỗi ngày. Vào mùa mưa, gia đình thu hoạch từ 5 đến 10 kg một ngày. Mùa nắng, cây thuận khí hậu, gia đình thu 20 kg một ngày. Vườn phúc bồn tử của gia đình anh trồng hai loại gồm phúc bồn tử đỏ, trái nhỏ, ngọt và phúc bồn tử đen, trái rất to nhưng vị hơi chua. Nga Tín Farm chủ yếu cung cấp phúc bồn tử cho hệ thống siêu thị tại TP Hồ Chí Minh với giá xuất vườn từ 200 - 250 ngàn đồng/kg.
Ngoài trái phúc bồn tử cung cấp cho siêu thị để người tiêu dùng ăn tươi, Nga Tín Farm còn sản xuất trà từ cuống phúc bồn tử. Anh Tuyên cho biết, những mùa đúng vụ, chín nhiều, những trái đã chín không vận chuyển đi xa được, gia đình anh thu hoạch và chế biến thành nước cốt lên men. Nước cốt lên men phúc bồn tử có màu đỏ đậm, vị ngọt và chua nhẹ, rất thích hợp cho phụ nữ và trẻ em nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, các cuống quả được gia đình thu hoạch, sấy khô sử dụng làm trà có tác dụng ngủ ngon; trà phúc bồn tử hiện được bán với giá 1,5 triệu đồng/kg. Nhiều gia đình có người già, trẻ nhỏ và những người cần giấc ngủ ngon đặt hàng rất nhiều. Đây cũng là một khoản thu cho Nga Tín Farm. Anh Tuyên cho biết, mặc dù trồng phúc bồn tử không có thu hoạch đột biến như trồng một số loại cây khác nhưng bù lại, mức thu nhập rất ổn định trong nhiều năm, đầu ra được đảm bảo. Trồng cây và có đầu ra theo kế hoạch, mô hình này mang lại sự ổn định cho người nông dân.
Ông Lê Thìn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường đánh giá mô hình trồng cây phúc bồn tử của gia đình anh Huỳnh Trần Tuyên là mô hình hay. Anh Tuyên đã tìm hướng đi mới, trồng cây căn trái trong nhà màng, đồng thời tìm được đầu ra ổn định, mang lại cho Xuân Trường một mặt hàng nông sản đặc sắc. Nga Tín Farm cũng đã đạt chứng chỉ VietGAP nhiều năm, canh tác an toàn và Xuân Trường đang có mục tiêu đưa trái phúc bồn tử trở thành sản phẩm OCOP của xã.