(LĐ online) - Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, với mục tiêu đưa việc triển khai dịch vụ công trực tuyến sang giai đoạn mới - phát triển theo chiều sâu.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Thượng tướng Lương Tam Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐI VÀO CHIỀU SÂU CẢ KHU VỰC CÔNG VÀ TƯ
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế, xã hội.
Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, còn có những tồn tại, hạn chế liên quan tới tư duy, nhận thức, hành động về chuyển đổi số, có nơi, có lúc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số chưa đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, (mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình)…
Đồng thời, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phải đối mặt, giải quyết những thách thức rất lớn như phải đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao của hệ thống hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong quá trình vận động, phát triển rất nhanh của các hoạt động kinh tế, xã hội; cần số hóa một lượng lớn thông tin giấy tờ; nguồn lực Nhà nước có hạn, do đó phải huy động nguồn lực xã hội, sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp bằng tư duy, tầm nhìn, đổi mới sáng tạo; phát triển sản phẩm công nghệ số Việt Nam trước hết phải phục vụ tốt nhu cầu của người Việt Nam, rồi vươn ra khu vực và thế giới…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến, những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp; chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tham khảo, nhân rộng; nhìn nhận thẳng thắn những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn; chỉ ra nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) và bài học kinh nghiệm; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Trong đó, giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước; giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Một số địa phương đạt tỉ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỉ lệ rất thấp. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan nhà nước, thể hiện thông qua tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn 3 - phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%. Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Để triển khai dịch vụ công trực tuyến trong giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu, thực chất là phổ cập dịch vụ công trực tuyến theo hướng trực tuyến toàn trình, các bộ, ngành, địa phương cần đạt mục tiêu phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình ngay trong năm 2024 và đến năm 2025.
Cụ thể, năm 2024, với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%. Năm 2025, đối với các bộ, ngành: tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 70%.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
LÂM ĐỒNG XẾP 16/63 TỈNH, THÀNH
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng hoạt động tại địa chỉ https://dichvucong.lamdong.gov.vn/ đã được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp. Hoàn thành việc kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện Kho quản lý dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia đáp ứng yêu cầu tái sử dụng dữ liệu theo quy định.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng |
Thời gian qua, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Lâm Đồng đã đạt một số kết quả: Định kỳ hàng tháng, tổ chức tiếp, làm việc và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Chuyển giao cho Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận, số hóa và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện. Kết quả là số lượng nhân sự giảm trong khi chất lượng phục vụ tại bộ phận Một cửa tăng. Đã triển khai đồng bộ các giải pháp về số hóa để xây dựng kho dữ liệu cá nhân có thể liên thông nhiều hệ thống tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện dịch vụ công.
Ứng dụng quét mã vạch (QR Code) để tra cứu các nội dung, thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên các thiết bị điện tử, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thực hiện kết nối với Cổng quốc gia để đánh giá theo thời gian thực Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đến tháng 8, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá 81,71 điểm, xếp loại khá, vị thứ 16/63 tỉnh thành.
Theo hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) đến 15/8/2023, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tỉnh Lâm Đồng đã đạt tỉ lệ 71%.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức triển khai, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu về đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/06/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Đẩy mạnh cải cách nội bộ trong các cơ quan nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục phát huy kết quả đạt được và triển khai các nội dung đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến: đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, tuyên truyền phù hợp với tình hình địa phương.
Đẩy mạnh hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công, các Tổ công nghệ số cộng đồng. Vận động các doanh nghiệp cùng vào cuộc để hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ máy tính; điểm truy cập Internet công cộng; Hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư. Hợp tác với các doanh nghiệp như Bưu điện, ngân hàng để hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến như chuyển trả kết quả qua Bưu điện, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến…
Triển khai kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cổng dịch vụ công của tỉnh trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan trung ương về mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu, chuẩn hoá mẫu đơn, tờ khai.
Tiếp tục nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, nâng cấp, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin ở các đơn vị cấp xã vùng sâu, vùng xa đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.