Tại thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp và người nộp thuế đang gấp rút hoàn tất công tác quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Công tác quyết toán thuế năm 2023 có những điểm gì mới so với các năm trước? PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn nhanh bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng để giải đáp những nội dung liên quan đến vấn đề này.
• PV: Xin bà cho biết, năm nay, ngành Thuế sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) thực hiện quyết toán thuế bằng các phương thức nào?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng |
• Bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh: Năm nay, Tổng cục Thuế đã tổ chức hỗ trợ trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đồng thời phát livetream trên fanpage Tổng cục Thuế. Còn tại cơ quan thuế các cấp, Cục Thuế tỉnh đã và đang tổ chức các hội nghị phổ biến, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho NNT theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, cơ quan thuế đôn đốc, kiểm đếm việc giải quyết văn bản hỏi đáp của NNT, không để NNT mắc sai sót khi thực hiện quyết toán thuế do thiếu thông tin, chưa được giải đáp kịp thời.
Cục Thuế cũng bố trí cán bộ có kinh nghiệm trực giải đáp các câu hỏi của NNT thông qua hệ thống 479 kênh hỗ trợ NNT. Tổng hợp các câu hỏi, câu trả lời đăng trên website của Cục Thuế. Việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của cá nhân những năm gần đây đã được Tổng cục Thuế hỗ trợ triển khai bằng phương thức điện tử trên một số ứng dụng như: Ứng dụng HTKK hỗ trợ cho cá nhân kê khai thuế TNCN và kết xuất tờ khai để nộp bằng phương thức điện tử hoặc in để nộp bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế (ứng dụng không có kết nối mạng).
Ứng dụng iCanhan hỗ trợ cho cá nhân có thể kê khai thuế trực tuyến và gửi hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản kê khai thuế (kết xuất tờ khai có định dạng file XML từ ứng dụng HTKK) để nộp thuế bằng phương thức điện tử.
Hoặc ứng dụng eTax Mobile là ứng dụng trên thiết bị di động thông minh (điện thoại) giúp cá nhân có thể tra cứu rất nhiều thông tin như: thông tin đăng ký thuế của cá nhân, thông tin đăng ký người phụ thuộc, thông tin về thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân tại các tổ chức trả thu nhập và hỗ trợ cho cá nhân có thể nộp thuế trực tiếp trên ứng dụng này.
Cùng với việc tổ chức các buổi đối thoại, hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ trực tuyến, Tổng cục Thuế cũng biên tập tài liệu hướng dẫn khai quyết toán thuế, giải đáp vướng mắc cho NNT, đăng tải trên website của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế cũng đã nâng cấp ứng dụng, hỗ trợ NNT kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến một cách thuận lợi; trả thông báo, kết quả tiếp nhận, xử lý hồ sơ quyết toán thuế theo phương thức điện tử.
• PV: Như vậy, thời điểm cuối cùng DN, NNT phải thực hiện quyết toán thuế TNDN, quyết toán thuế TNCN là thời gian nào thưa bà?
• Bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh: Theo khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế như sau: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế.
Điều 86 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế như sau: “Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN cho kỳ tính thuế năm 2023 như sau: Đối với DN có năm tài chính trùng năm dương lịch, thời hạn chậm nhất là ngày 1/4/2024. Còn đối với DN có năm tài chính khác năm dương lịch, thời hạn chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Đối với cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế và nộp thuế chậm nhất là ngày 2/5/2024.
• PV: Giải đáp vướng mắc về quyết toán thuế TNDN năm nay, bà có những lưu ý gì đến DN khi thực hiện quyết toán thuế?
• Bà Nguyễn Thị Tuyết Ánh: Để phòng tránh các trường hợp sai sót có thể xảy ra, DN nên tự rà soát lại, đối chiếu thực tế hoạt động kinh doanh với hồ sơ, chứng từ tại DN; nắm chắc các quy định, loại trừ các khoản chi không được trừ để xác định khoản chi được hạch toán khi tính thuế TNDN. Qua rà soát, nếu phát hiện các trường hợp kê khai không đúng với hồ sơ, chứng từ thì NNT nên tự giác thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung, thực hiện kê khai, quyết toán thuế đúng quy định của pháp luật, trước khi cơ quan thuế ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại DN để tránh bị xử phạt về thuế và các rủi ro pháp lý khác sau này.
Về chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, thì trừ các khoản chi không được trừ nêu tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC, DN được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Do đó, DN cần rà soát kỹ để bảo đảm tính pháp lý của các hóa đơn, chứng từ, chủ động loại trừ các khoản không có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp trước khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra tại DN.
Về thời gian áp dụng ưu đãi thuế TNDN, theo quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi; trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới. Về áp dụng thuế TNDN của chi nhánh, địa điểm kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế TNDN, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, NNT phải xác định riêng số thuế TNDN phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh với cơ quan thuế nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ, bù trừ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của NNT.
• PV: Xin chân thành cảm ơn bà!