Với những nỗ lực không ngừng trong thời gian gần đây, Đà Lạt đã được vinh danh là thành phố du lịch sạch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN trong năm 2022.
• NHỮNG ƯU THẾ
Đà Lạt là một thành phố với 130 năm hình thành và phát triển, năng động, có rất nhiều ưu thế về thiên nhiên và con người để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là du lịch.
Tài nguyên du lịch tự nhiên của Đà Lạt rất đa dạng, kết hợp với kiến trúc đô thị mang phong cách châu Âu độc đáo. Là thành phố được quy hoạch xây dựng giữa rừng thông, Đà Lạt được mệnh danh là “Thành phố trong rừng”; tỷ lệ xây dựng của toàn thành phố hiện không quá 15% diện tích đất tự nhiên, phần còn lại được giữ lại làm rừng, vườn cảnh, cây xanh. Tỷ lệ mật độ cây xanh TP Đà Lạt chiếm trên 51% tạo giá trị cao về cảnh quan và đa dạng sinh học với các kiểu rừng khác nhau cùng hệ động, thực vật đặc thù trong đó có hơn 3 ngàn loài thực vật. Đà Lạt còn nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang.
Đà Lạt hiện có 2 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, 10 di tích cấp quốc gia. Thành phố hiện có 22 khu, điểm du lịch; hơn 20 công trình tham quan bao gồm các kiến trúc tôn giáo và danh lam thắng cảnh; 24 điểm du lịch canh nông cùng một hệ thống nhà hàng, khách sạn, đủ sức đáp ứng ngày càng cao nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan và tổ chức các sự kiện trên địa bàn. Các loại hình du lịch tại Đà Lạt khá phong phú, đa dạng như du lịch lữ hành tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, sinh thái, hội nghị, hội thảo... Đà Lạt cũng nổi tiếng trong nước với truyền thống canh tác rau, hoa lâu đời của người dân, hiện là nơi áp dụng nền nông nghiệp công nghệ cao dẫn đầu trong cả nước. Cư dân lập nghiệp tại Đà Lạt đến từ khắp nơi trong nước, tạo nên nét văn hóa đặc thù về một thành phố với phong cách ứng xử con người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách” .
Với những ưu thế trên, Đà Lạt từ lâu đã là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Theo đồ án quy hoạch xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Lạt được định hướng trở thành đô thị xanh, đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và cảnh quan tự nhiên.
• CHO MỘT THÀNH PHỐ SẠCH
Xác định việc gia tăng lượng khách du lịch, gia tăng dân số đang gây sức ép lên tài nguyên thiên nhiên và môi trường, Đà Lạt trong nhiều năm nay luôn xác định đưa phát triển kinh tế - xã hội hướng đến sự bền vững trên cơ sở xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường dài hạn cũng như tăng cường đầu tư các công trình xử lý môi trường.
Hiện, Đà Lạt đã có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang vận hành. Đà Lạt cũng đầu tư, kêu gọi xã hội hóa hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các tuyến đường du lịch chính, các khu vực công cộng. Các khu du lịch, điểm tham quan, điểm dừng chân…trên địa bàn cũng chú ý đến việc đầu tư nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Công tác xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng được đẩy mạnh, bổ sung thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng do tư nhân đầu tư khang trang, tiện dụng và hiện đại.
Thành phố cũng chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường thông qua công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Điển hình như các chương trình phát động ra quân làm sạch đường phố hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới - 5/6; Tháng làm cho Thế giới sạch hơn trong tháng 9; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học - 22/5; Ngày nước Thế giới - 22/3. Riêng Hội thi “Xanh - sạch - đẹp” của thành phố tổ chức hàng năm, được đông đảo hộ gia đình, cơ sở tôn giáo, trường học, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia...
Đà Lạt cũng thường xuyên tổ chức phát động trồng cây xanh và đăng ký xây dựng “Nhãn hiệu xanh” đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, cơ sở lưu trú... Thành phố vận động các đơn vị vận dụng nguồn lực tự có, linh động trong huy động nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư cảnh quan, môi trường xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm... nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, chương trình này đã có trên 2 ngàn lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đăng ký tham gia. Các công ty lữ hành địa phương cũng thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch trồng cây lưu dấu, góp phần nâng cao ý thức của du khách về bảo vệ môi trường.
Đà Lạt cũng có các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ diện tích rừng bao quanh thành phố, xây dựng thêm các công viên hoa, cây xanh, các mảng xanh đường phố và dự kiến đến năm 2025 sẽ trồng thêm 3,8 triệu cây xanh. Thành phố hiện đang xây dựng “Làng đô thị xanh” tại xã Xuân Thọ; chú ý phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”; thực hiện Đề án “Tăng trưởng xanh”...
Đến nay, Đà Lạt đã đạt được không ít thành tích nổi bật về bảo vệ môi trường trong du lịch. Đặc biệt, năm 2022, Đà Lạt đã được vinh danh là thành phố du lịch sạch ASEAN.
http://baolamdong.vn/