Liên kết vùng để tạo nên trải nghiệm hấp dẫn hơn cho du khách khi sử dụng tài nguyên, thế mạnh du lịch, sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương trong liên kết; góp phần gia tăng lượng khách cho điểm đến; đồng thời, thúc đẩy năng lượng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, tăng cường thu hút đầu tư…
Một trong những lợi thế của Đà Lạt là khí hậu mát mẻ và cảnh quan xinh đẹp |
• LỢI THẾ CỦA LIÊN KẾT VÙNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Đà Lạt là một trong 8 thành phố TPO (Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu - Tourism Promotion Organization for Global Cities -TPO) của Việt Nam và nằm trong mạng lưới gần 200 thành viên TPO toàn cầu. Đà Lạt đang có gần 2.500 cơ sở lưu trú tương ứng với khoảng 33 ngàn phòng, với 46 khách sạn 3 - 5 sao, 24 khu điểm du lịch cùng 90 điểm tham quan hấp dẫn khác. Lượng khách đến với Đà Lạt tăng trưởng đều qua các năm. Đặc biệt, năm 2023 có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thành phố đón gần 6,7 triệu lượt khách (tăng 11,6% so với năm 2022) trong đó có 360 ngàn lượt khách quốc tế. Quý I/2024, thành phố thu hút gần 2 triệu lượt khách, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023 (khách quốc tế đạt 133 ngàn lượt).
“Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến” là chủ đề Hội nghị khu vực TPO vừa được tổ chức tại Đà Lạt vào trung tuần tháng 3, là dịp để tăng cường liên kết, giới thiệu Đà Lạt đến với các tỉnh, thành của Việt Nam; cũng như đẩy mạnh hợp tác du lịch Đà Lạt với Hàn Quốc và các quốc gia thành viên; từ đó, góp phần thúc đẩy du lịch Đà Lạt phát triển xứng tầm... Vấn đề là Đà Lạt sẽ phát triển du lịch theo hướng nào và khẳng định vai trò trong liên kết vùng ra sao để phát triển du lịch bền vững cùng TPO.
Thời gian qua, vấn đề liên kết vùng được đặt ra ở khắp các tỉnh, thành, vùng, miền, với nhận định: Phát triển du lịch vùng cần xác định rõ tiềm năng, lợi thế so sánh và mục tiêu xây dựng, định vị thương hiệu du lịch vùng; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch; thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính liên kết theo hướng du lịch xanh, du lịch bền vững... Liên kết vùng cũng đặt ra cách tiếp cận mới trong xây dựng liên kết, là: cần nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông; cần phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu cho vùng; đặc biệt, phải quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa để tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng trong phát triển du lịch vùng...
Liên kết vùng - ngoài việc có thể bổ sung các sản phẩm dịch vụ cho nhau để hình thành các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút khách du lịch của vùng; còn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển, giúp các địa phương trong vùng tiết kiệm chi phí, nguồn lực trong quảng cáo và tiếp thị, tạo sức mạnh trong quảng bá chung điểm đến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch của điểm đến tốt hơn...
• QUẢNG BÁ, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐIỂM ĐẾN ĐÀ LẠT TRONG LIÊN KẾT VÙNG
Theo ông Cao Thế Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt: Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã dần hiện thực hóa được mối liên kết liên vùng trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến một cách hiệu quả trong thời gian gần đây. Và, TPO là tổ chức có thể giúp du lịch Đà Lạt phát triển tốt hơn trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu điểm đến, bằng việc đồng hành cùng TPO nỗ lực hợp tác, trao đổi cung cấp thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch; kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, khai thác du lịch tại địa phương; tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của Tổ chức…
Ông Cao Thế Anh cũng đưa ra 6 gợi ý phát triển du lịch Đà Lạt Xanh và du lịch bền vững để Đà Lạt phát huy lợi thế trong quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến cùng TPO. Đó là, phải hoàn thiện thể chế liên kết vùng Đà Lạt - Lâm Đồng trong từng giai đoạn và một số đối tác trong TPO. Tập trung xây dựng lộ trình và nội dung quảng bá điểm đến Đà Lạt - Lâm Đồng thông qua mạng lưới thành viên trong TPO. Thiết lập cơ chế, bộ máy nhân lực tiếp thu kinh nghiệm quản lý, khai thác du lịch, triển khai các dự án hợp tác trong TPO và tăng cường trao đổi thông tin giữa các thành phố thành viên... Các sản phẩm du lịch đặc thù Đà Lạt - Lâm Đồng theo hướng xanh và bền vững cần được lan tỏa, thông tin rộng rãi đến các thành viên để góp phần định vị thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiềm năng. Cần nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu du lịch và hành vi hợp tác cụ thể của các thành viên TPO để xây dựng các sản phẩm, chính sách du lịch phù hợp hỗ trợ liên kết phát triển du lịch theo chiều sâu; đồng thời cần có cơ chế liên vùng, tạo khả năng cạnh tranh liên vùng với các điểm đến ngoài tổ chức TPO. Cuối cùng, Đà Lạt nên có một bộ cam kết song phương giữa Đà Lạt - Lâm Đồng với từng thành viên TPO trên cơ sở nguyên tắc chung về hỗ trợ nhân sự, quản lý rủi ro, truyền thông, quảng bá và nâng cao giá trị định vị thương hiệu liên khu vực...
Tất cả mọi kết liên đều hướng đến mục tiêu “win-win”. Liên kết vùng trong du lịch cũng không thể nằm ngoài mục tiêu đó. Liên kết liên vùng trong du lịch vừa là cơ hội nhưng cũng là rủi ro trong cạnh tranh vì có sự phụ thuộc lẫn nhau. Dù vậy, liên kết liên vùng chỉ là giá trị từ bên ngoài, cần phát huy giá trị nội tại của điểm đến đi đôi với định hướng phát triển bền vững để khẳng định vai trò và vị thế thương hiệu du lịch của Đà Lạt - Lâm Đồng...