Những năm gần đây, khi đến Đà Lạt, du khách được nhiều cơ sở du lịch chào mời bằng chương trình “không ở phố”, rời xa nhịp điệu phố thị để tìm những khoảnh khắc bình yên, sâu lắng…“níu giữ thời gian”. Lần này, đến Đà Lạt mà không ở phố, có thể là một trải nghiệm khác thường.
Khi những buôn làng khác ở Tây Nguyên từng bao đời du canh, du cư thì người Churu buôn Krăng Gọ (huyện Ðơn Dương, Lâm Ðồng) chỉ ở dưới chân núi T’rôm Ụ. Ðất và nước thượng nguồn giúp những bàn tay tài hoa ở vùng quê này tạo ra một nghề thủ công truyền thống quý giá: Nghề gốm (gọ). Nhờ nghề làm gốm mà người dân ở đây có cuộc sống sung túc một thời. Krăng Gọ rộn rã từ buổi tinh sương đến tận cuối chiều nắng xế để có cái kòngọ nấu bồ kết cho phụ nữ gội đầu, có gọkrơ dùng để làm tô ăn cơm, rồi gọavú cho phụ nữ xuống sông lấy nước... Và hình ảnh đó được “tái hiện” vào một ngày có lữ khách dừng chân ở buôn làng dưới chân T’rôm Ụ.
Cũng ở miền đất bên dòng Đa Nhim huyền thoại này, du khách sẽ được tìm hiểu về ngọn nguồn văn hóa của chiếc nhẫn huyền thoại (Srí) của người Churu ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra. Nơi đó, hiện nay đang vẫn có nghệ nhân người Churu còn níu giữ nghề gia truyền. Vừa được cùng với nghệ nhân “thổi bếp, quạt lò”, du khách sẽ được nghe giọng già làng tỉ tê: Theo quan niệm của người Churu, srí là vật thiêng, biểu hiện cho tình yêu đôi lứa. Khi trai gái đã trao srí cho nhau là trao sự kết nối trọn đời.
Ngược phía cao nguyên Langbiang, đến với huyện Lạc Dương, du khách được rong ruổi ở các buôn làng người K’Ho để tìm hiểu văn hóa truyền thống và nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng. Ở đây, những sơn nữ K’Ho khi đôi chân đã biết xuống suối lấy nước, lên rẫy gieo hạt lúa mẹ và đôi tay biết đong đưa, soạn sửa y phục truyền thống đã được bà, mẹ trao truyền nghề dệt thổ cẩm.
Theo quan niệm của nhiều dân tộc bản địa, màu sắc trên tấm thổ cẩm thể hiện thế giới quan của họ. Nền thổ cẩm màu đen tượng trưng cho đất đai; màu đỏ thể hiện đam mê, khát vọng; màu xanh là của đất trời, cây lá; màu vàng là ánh sáng. Trên sắc núi, màu rừng của tấm thổ cẩm đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng, thẩm mỹ, tâm hồn của con người với thế giới tự nhiên. Màu thổ cẩm, màu của núi, của rừng gắn bó với đồng bào miền thượng suốt cả vòng đời. Con trẻ sinh ra, người mẹ dùng tấm thổ cẩm ủ tròn giấc ngủ. Đêm rừng lạnh giá, vợ chồng chung nhau tấm đắp nghĩa tình. Khi một người giã từ cõi thế, tấm thổ cẩm tiễn hồn người về với rừng Yàng.
Còn nhiều những làng nghề, nghệ nhân yêu cái nghề truyền thống của cha ông mình. Và biết đâu một mai thức dậy, họ được đón nhận niềm vui, khi có những lữ khách tìm về với làng nghề, “sống” cùng với sản phẩm của họ.
Cùng với những làng nghề, du khách sẽ được thong dong trong những không gian đời thường, trải nghiệm yên bình trong những cánh rừng thông, được nhóm bếp lửa bên nhà dài, được tham gia canh tác ở những làng hoa truyền thống và được in dấu chân trên những con đường đất đỏ bazan… Chúng tôi đang tìm cách để vượt qua chiếc cầu treo vắt qua con suối lớn ở xã Xuân Thọ, Đà Lạt. Phía bên kia, những vị khách nước ngoài đã sẵn sàng bấm máy. Vị khách người Canada Ankita nói: “Chúng tôi rất thích làng quê của các bạn, rất đẹp. Chuyến đi này, chúng tôi tìm về với buôn làng để được trải nghiệm giữa đại ngàn”.
Nhiều hướng dẫn viên cho rằng, thời gian gần đây, du khách rất thích tour về với đời thường, với cái lý đó chính là “bức tranh” văn hóa chân thật. Với hành trình này, du khách sẽ được tự mình thu hoạch trên những nông trang, được kéo tơ dệt lụa, được chắt chiu những giọt rượu gạo thơm nồng, hay được làm những chàng trai, cô gái chân trần trong những nhà dài truyền thống… Cách Đà Lạt chừng 20km, ngang qua làng hoa Vạn Thành, du khách có thể tìm về với chốn quê ở xã Mê Linh, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà để được tự mình nuôi dế, nấu rượu, tìm hiểu nghề ươm tơ, dệt lụa và chọn những món quà độc đáo cho người thân, bạn bè. Với trại dế Thiện An, lò nấu rượu gạo Kiết Tường, lụa Cường Hoàn… nổi tiếng.
Đà Lạt, thành phố ngàn hoa. Bởi đến Đà Lạt vào thời khắc nào bạn sẽ được chiêm ngưỡng hoa và hoa. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, hoa Đà Lạt từ các làng hoa lâu đời như Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành… bước ra thị trường và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Giờ đây, những làng hoa ấy không chỉ là nơi sản xuất, canh tác hoa, mà đã trở thành những điểm đến hấp dẫn trong không gian đời thường.
Khám phá văn hóa bản địa là điều nhiều du khách mong muốn tìm đến. Đó cũng là yếu tố giúp các làng nghề truyền thống đang “vật vã” tồn tại có thể được bảo tồn và phát triển. Đồng thời, mở ra một hướng mới cho ngành du lịch trong hành trình khám phá nét đẹp miền cao nguyên. “Những nơi đó rất thú vị trên hành trình khám phá vùng đất Tây Nguyên của chúng tôi. Sẽ rất buồn tẻ nếu chỉ là đi ra đi vào khách sạn, nhà hàng và rong chơi ở thành phố”, Lasalle, vị khách người Pháp chia sẻ.
MAI VĂN BẢO