Khi tiết trời vào hạ, cứ thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, Đà Lạt lại rộn ràng đón chào du khách từ khắp miệt đồng bằng trốn nắng, tìm về chút se lạnh, chút xanh tươi mát mẻ của rừng cây, đồi cỏ nơi phố thị ngàn thông.
Từ lâu, Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Danh định này quả không sai khi rừng nối tiếp rừng tạo thành một vòng cung khép kín bao bọc thành phố Đà Lạt. Trong vùng nội ô, những mảng rừng thông xanh thẳm điểm xuyến trong các khu đô thị. Rừng thông chạy dọc theo các con đường uốn lượn, che phủ các khu nghỉ dưỡng; rừng sừng sững trên đồi cao, triền thấp; rừng hiện hữu khắp mọi nơi nên dù ở bất cứ vị trí nào, chúng ta cũng sẽ thấy rừng xanh xa tít chân trời.
Nói đến Đà Lạt là nói đến những cánh rừng thông, biểu tượng đã ngấm vào lòng người. Thật không quá lời khi nói rằng: không có thông thì không còn Đà Lạt. Thông Đà Lạt thẳng đứng, cao vút không bị che khuất bởi nhiều loại cây rừng hỗn tạp; tán thông không rộng, không dày. Nét đặc trưng này đã tạo cho rừng thông Đà Lạt tuy không hùng vĩ nhưng kiêu sa, ví như những tấm rèm thưa khổng lồ đầy gợi cảm. Vì thế, nói là rừng nhưng chúng ta có thể chiêm ngưỡng màu xanh của rừng thông lặng gối trên nền trời màu ngọc bích, hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp chốn bồng lai tiên cảnh của những tia nắng vàng óng ả buổi sớm mai xuyên qua ngàn thông thẳng tắp, lấp lánh trong triệu triệu giọt sương trên thảm cỏ dưới chân rừng...
Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam đã từng nói: rừng thông bạt ngàn của Đà Lạt không chỉ là sản phẩm tự nhiên phục vụ cho du lịch Đà Lạt mà nó còn là một cỗ máy khổng lồ tinh lọc bầu không khí trong lành cho lá phổi đô thị. Kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cũng nói: Tiềm năng của Đà Lạt là rừng, địa hình thiên nhiên, thời tiết, khí hậu mát mẻ với sương mù và tiếng vi vu của rừng thông…Rõ ràng, rừng và rừng thông chính là thứ đặc sản vô giá của Đà Lạt; thứ đặc sản được tạo hóa cả ngàn năm mà con người không dễ gì làm được.
Được biết, theo quy hoạch điều chỉnh Đà Lạt đến năm 2030 thì thành phố Đà Lạt sẽ mở rộng ra các vùng phụ cận gồm một phần các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 336.000 ha. Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
Tuy nhiên, dù mở rộng phát triển như thế nào đi nữa thì đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” là điều đã được định chuẩn. Chính vì vậy, trước khi trình chính phủ phê duyệt, Lâm Đồng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, quy tụ nhiều học giả, kiến trúc sư, những người làm công tác khoa học, quy hoạch trong cả nước và quốc tế tham gia. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định rằng, rừng thông không thể tách rời với đô thị Đà Lạt và đó là sự khác biệt làm nên giá trị đô thị Đà Lạt, vì vậy việc mở rộng không gian đô thị Đà Lạt phải gắn liền với quy hoạch bảo tồn, phát triển rừng thông. Giáo sư Hoàng Đạo Kính lưu ý: Trên tổng diện tích 336.000 ha của thành phố mở rộng, rừng phải được coi là tài nguyên thiên nhiên vô giá và đặc trưng, một tiềm năng nổi trội, phục vụ cho sự phát triển. Tài nguyên này quyết định tính chất, cấu trúc không gian, tính riêng biệt, và hình thái, diện mạo đô thị với vai trò là yếu tố cảnh quan. Cũng theo Giáo sư Hoàng Đạo Kính, một khi quỹ tài nguyên rừng được duy trì, con cháu mai này mới có cơ may vừa tiếp tục sở hữu “gia sản” ấy, vừa được sống trong một đô thị có cấu trúc đan quyện, cộng sinh, tạo nên bởi thiên nhiên không bị tổn thương…Có lẽ, vì giá trị vĩnh hằng của rừng với đô thị Đà Lạt nên quy hoạch đến năm 2030, tổng diện tích rừng Đà Lạt có gần 240.000 ha, tăng gấp 10 lần so với hiện nay, trong đó 232.000 ha rừng cần phải bảo tồn và phát triển. Riêng vùng rừng phát triển du lịch sinh thái là 6.500 ha, tọa lạc ở 4 phường xung quanh thành phố, gồm: Khu du lịch hồ Đankia – Suối Vàng, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch thác Prenn, khu du lịch hồ Đại Ninh và các khu du lịch khác nằm phân tán trong nội ô và ngoại ô Đà Lạt...
Toàn bộ diện tích 240.000 ha rừng này ôm gọn cả vùng đô thị có diện tích khá khiêm tốn 11.700 ha, chiếm tỷ lệ chưa bằng 5% so với tổng diện tích rừng đô thị. Nếu tính cả 73.000 ha đất phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng phụ cận thì tỷ lệ rừng Đà Lạt đến năm 2030 vẫn chiếm tỷ lệ trên 65%. Đây là con số khá lý tưởng cho việc bảo tồn và phát huy hơn nữa bản sắc “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” của đô thị xanh Đà Lạt.
Văn Tòa